Báo Mỹ nói về thảm cảnh của voi Việt
Trên tờ New York Times của Mỹ, nhà báo Mark McDonald đã có bài viết về tình trạng bi thảm của các đàn voi ở Việt Nam.
Dưới đây là nội dung chính của bài viết:
Loài voi đang bị đe dọa trên toàn bộ các khu vực phân bố ở châu Á, nổi bật là ở Ấn Độ và Thái Lan. Nhưng tình hình tại Việt Nam là ảm đạm hơn cả, bất chấp nỗ lực của các nhóm bảo tồn động vật hoang dã.
Trung tâm Bảo tồn voi ở Việt Nam rất nhỏ và đơn sơ, nằm trong một công viên quốc gia ở tỉnh Đắk Lắk, thuộc khu vực Tây Nguyên Việt Nam. Trung tâm này hiện quản lý một đàn gồm 29 con voi. Nhưng chỉ hai tuần trước, một cặp voi trong đàn đã bị giết và được tìm thấy trong tình trạng đầu, thân và ngà bị cắt đứt. Một trong hai con voi xấu số là con đực trưởng thành còn lại duy nhất của đàn.
Một cán bộ kiểm lâm cho biết, thiếu một cá thể đực lớn, sự tồn tại của đàn voi trở nên không bền vững. Theo giám đốc của vườn quốc gia, săn trộm voi đang diễn ra tràn lan, với 6 con đực trong đàn đã bị giết chết trong năm nay.
Hai con voi đã bị giết tại vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) trong tháng 8 vừa qua
Các chuyên gia cũng lo ngại một đàn voi 15 con ở Đồng Nai, một tỉnh ở miền Nam Việt Nam sẽ sớm bị xóa sổ. Trong tháng 2, những con voi đói đã mạo hiểm rời bỏ khu vực rừng được bảo vệ để xâm nhập các cánh đồng để tìm thức ăn như khoai, ngô, mía… Những người nông dân đã bỏ chạy trong sự sợ hãi.
Những con voi không chỉ phá hoại các trang trại mà còn tấn công nhà dân và con người để tìm kiếm muối và tro từ các bếp lửa. Để đối phó, dân làng đào các rãnh sâu để bẫy voi và dùng súng tự chế để đe dọa chúng. Những nỗ lực bảo vệ tại Việt Nam đã không thể ngăn được các thảm họa. Vào năm 1993, một đàn 13 con voi ở miền Nam Việt Nam đã được di chuyển từ môi trường sống tự nhiên đến một khu vực được dự kiến chuyển thành trang trại công nghiệp. 12 con voi trong số đó đã chết và con sống sót duy nhất đã được chuyển đến Thảo cầm viên Sài Gòn.
Ngay từ năm 1999, ông Frank Momberg – người quản lý chương trình bảo tồn ở Việt Nam đã nói: “Chính quyền địa phương đã đưa ra các quyết định phát triển kinh tế mà bỏ qua vấn đề môi trường. Điều này khiến con voi phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam. Đây còn là vấn đề của niềm tự hào quốc gia. Người Việt Nam không muốn bị quốc tế biết đến như một nơi mà loài voi đã tuyệt chủng”.
Chính phủ Việt Nam đã thông qua “kế hoạch hành động khẩn cấp” để bảo vệ voi trong năm 2006, nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được tài trợ và chưa có đất để triển khai.
Chỉ một thế hệ trước, đã có hàng nghìn con voi di chuyển khắp các vùng rừng núi Việt Nam. Một cựu chiến binh đã kể với tôi rằng, vào một đêm tối đen như mực, trong khi trốn tránh một đơn vị tuần tra Mỹ, ông đã vô tình bò dưới hai chân của một con voi lớn.
Sau cuộc chiến, Việt Nam dần dần mở cửa nền kinh tế. Nhiều khu rừng bị phá để biến thành đồng ruộng, trồng cà phê hay các cao su. Các nhà máy mọc lên. Các con đập và đường mới được xây dựng. Các khu dân cư mở rộng quy mô. Hoạt động khai thác gỗ bất hợp pháp diễn ra tràn lan…
Dân số Việt nam đã tăng nhanh chóng. Với con số 92 triệu, dân số Việt Nam hiện nay vượt qua nước Đức và gần như gấp 2 lần kích Tây Ban Nha. Trong quá trình này phát triển kinh tế và dân số này, những chú voi chết dần chết mòn.
Không chỉ voi rừng mà cả voi nhà cũng không được an toàn. Trong tháng 4 năm 2011, chính quyền địa phương đã kết án chủ sở hữu con voi có tên là Beckham vì hành vi giết voi để lấy cặp ngà, theo báo cáo có trị giá tới 24.000 USD. Trước đó, voi Beckham phục vụ khách du lịch tại một "công viên sinh thái" ở tỉnh Bình Dương. Con voi đã bị giết trong tình trạng bị buộc vào một thân cây với các dây chằng của chân sau bị chém đứt.
Theo báo cáo của các chuyên gia quốc tế, phần lớn lượng ngà voi của các vụ săn bắn trái phép trên thế giới được tiêu thụ ở Trung Quốc, nơi sự bủng nổ kinh tế đã tạo ra một tầng lớp người tiêu dùng mới có nhu cầu cao về các mặt hàng xa xỉ làm từ ngà voi, như đũa và lược. Một cân ngà voi trên đường phố Bắc Kinh có giá lên tới 1.000 USD.
Một khi nhu cầu tiêu thụ ngà voi của người Trung Quốc vẫn còn thì nguy cơ tồn vong vẫn đeo đẳng trên đầu các đàn voi của Việt Nam cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới.