Bạn tù muốn viết tiểu thuyết về ông Chấn

Đêm cuối cùng trước khi được trả tự do, chờ tái thẩm sau hơn 10 năm tù đày, ông Nguyễn Thanh Chấn và người bạn tù cùng phòng của ông là Đỗ Văn Toản (SN 1961) cùng nước mắt lăn dài.

Nghẹn ngào mãi không thốt được thành lời, ông Toản mượn cây bút bi, một tờ giấy viết vội vài dòng chia tay: “Ngày mai tôi - ông không còn câu chuyện thì thầm to nhỏ nữa, không còn chia nhau con cá khô kho mặn nữa. Nhưng niềm tin công lý và ký ức về ông trong tôi còn mãi...”.

Phút sẻ chia thầm lặng

Người ta thường nói: Có hai nơi không nên gặp nhau là nhà tù và bệnh viện, thế nhưng ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Đỗ Văn Toản đã gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu ấy. Tại đây, ông Chấn từng có một thời gian dài ở cùng buồng giam với ông Đỗ Thanh Toản. Và rất nhiều lần cả hai người chuyển trại, chuyển đội, cuối cùng lại gặp nhau ở chung một phòng.

Xin kể thêm về những ngày đầu tại trại giam Vĩnh Quang (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú tại làng Me, Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) được giao về đội phạm nhân số 22, phân trại số 1. Đội 22 vốn được coi là mảnh đất của những phạm nhân thuộc diện “tù lâu, án dài”. Các tội danh từ cướp của, giết người, buôn bán ma túy... đủ cả. Trong thời gian này, ông Chấn vẫn thường được gọi là phạm nhân chưa “an tâm cải tạo” bởi suốt ngày nhờ giám thị trại giam gửi đơn kêu oan. Đã thế, trong bản án đóng đinh dòng chữ, ông Chấn hiếp dâm bất thành nên xuống tay giết người diệt khẩu lại càng khiến ông Chấn khó khăn hơn trong môi trường mới.

Bạn tù muốn viết tiểu thuyết về ông Chấn - 1

Ông Chấn xúc động đọc lá thư cho PV nghe

“Tôi luôn kêu oan, nhưng không phải anh em nào trong trại cũng tin vào điều đó, tôi không trách họ. Nhưng dần dần mọi việc cũng qua đi. Rất may những tháng ngày trong trại, tôi nhận được sự tin tưởng và chia sẻ từ người bạn tù cùng phòng, ông Đỗ Thanh Toản”, ông Chấn xúc động tâm sự với PV báo ĐS&PL.

Ăn cùng nhau, ngủ cùng phòng nên giữa những người tù luôn có sự sẻ chia, cảm thông với nhau. Theo lời kể của ông Chấn, ông Toản là một trong số những người bạn đặc biệt nhất ông có trong những ngày bị cầm tù. Theo đó, sau nhiều đêm trằn trọc tâm sự với nhau về cuộc đời, về gia đình và về cả những tội lỗi gây ra, ông Toản dần dần tin rằng ông Chấn thực sự là một trường hợp oan sai, và tin tưởng rằng công lý rồi cũng sẽ đến, sẽ có ngày ông Chấn được minh oan, được đoàn viên cùng gia đình.

Vào những đêm khuya, ông Toản vẫn to nhỏ động viên người bạn tù của mình hãy vững tâm. Cũng có những thời gian ông Toản còn khuyên ông Chấn nên viết đơn theo hướng này, hướng kia, trình bày vấn đề một cách cụ thể, rõ ràng, súc tích để cơ quan có thẩm quyền hiểu và xem xét. Những lúc vợ con lên thăm, báo tin đơn kêu oan gửi đi nhưng chưa có kết quả gì, ông Chấn buồn ra mặt. Rồi cả lúc ông Chấn chán nản bởi những tiếng kêu oan trong vô vọng nên đã định nghĩ đến cái chết. Những ngày ấy, ông Toản luôn phải “để ý” đến ông Chấn vì sợ bạn làm liều. Rồi những sự sẻ chia, động viên của những người bạn tù với nhau khiến ông Chấn vững tâm hơn và có niềm tin vào công lý.

Theo lời kể của ông Chấn, ông Toản cũng sinh năm 1961, cầm tinh con trâu giống như ông. Ông Toản quê ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc và vào tù vì rất nhiều tội, với tổng hình phạt lên tới 21 năm 6 tháng tù. Thế nhưng, giữa con người đầy tì vết ấy với người nông dân Nguyễn Thanh Chấn dường như không hề có khoảng cách. Cả hai cảm thấy rất tâm đầu ý hợp và có thể chia sẻ với nhau mọi điều.

Năm 2006, khi ông Chấn và ông Toản đang ở cùng phòng giam thì ông Chấn biết tin vợ ông Toản ốm nặng. “Thế rồi chẳng hiểu sao hôm sau đó, vợ ông ấy trốn nhà, trốn con cái bắt xe vào trại giam thăm ông Toản. Hôm sau nhận được tin bà ấy qua đời vì bệnh nặng khiến ông Toản như chết lặng. Ôm những món quà mà vợ mới gửi vào trong tay mà ông ấy cứ nước mắt ngắn dài, trông đau khổ lắm”, ông Chấn thương cảm nhớ lại.

Sau mất mát lớn lao đó, ông Toản suy sụp rất nhiều nhưng cũng giống như những gì ông Toản làm với mình khi trong cơn bĩ cực, ông Chấn cũng tìm mọi cách để an ủi người bạn tù, phân tích những điều hay lẽ phải để ông Toản thêm động lực cải tạo tốt, sớm trở về với cộng đồng. Ông Chấn không bao giờ quên khoảnh khắc mắt ông Toản nhòe lệ, cảm ơn những lời từ sâu thẳm ruột gan của ông rồi chia sẻ: “Tôi tù có thời hạn, rồi sẽ lại ra. Còn ông là tù chung thân, chẳng biết lúc nào sẽ ra. Nhưng tôi tin rằng nhất định sẽ có một ngày cả hai được gặp nhau ở ngoài kia, khề khà chén rượu mà hưởng tự do...”.

Bạn tù muốn viết tiểu thuyết về ông Chấn - 2

Bức thư nhòe lệ của người bạn tù gửi ông Chấn

Khoảnh khắc không tưởng

Thế rồi do đặc thù của các biện pháp cải tạo, giữa ông Toản và ông Chấn cứ hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp, chuyển qua nhiều phòng để rồi đến những ngày cuối cùng sống trong thân phận phạm nhân của Nguyễn Thanh Chấn, hai người đàn ông cùng sinh năm 1961 lại được ở cùng phòng với nhau.

Ngày VKSND Tối cao đến trại giam Vĩnh Quang thông báo ông Chấn sẽ được trả tự do, cả trại giam ai cũng vui mừng. Không chỉ có phạm nhân mà ngay cả những cán bộ quản giáo cũng vui mừng cho số phận của “người tù chung thân” Nguyễn Thanh Chấn. Trước lúc ông Chấn được trả tự do, lãnh đạo trại giam Vĩnh Quang cũng đã trích quỹ Tấm lòng vàng của trại hỗ trợ 2 triệu đồng và điều xe đưa ông Chấn về nhà, đồng thời cấp tiền ăn dọc đường. Theo lời Đại tá Trần Mạnh Hùng - Giám thị trại giam Vĩnh Quang, ngoài việc động viên, chuyển đơn thư kêu oan giúp cho ông Nguyễn Thanh Chấn thì đó là tất cả những gì họ có thể làm để giúp đỡ một người vô tội. Bởi mọi người đều tin dù muộn, nhưng cuối cùng công lý sẽ được trả về đúng vị trí vốn có của nó.

Khi chào mọi người và cảm ơn để về nhà, ông Chấn nhận được cái ôm siết chặt của ông Đỗ Văn Toản và một lá thư nhòe nước mắt của người bạn tù gần một thập niên gắn bó, chia sẻ với ông. Giờ đây khi đã được đoàn viên cùng gia đình, mỗi khi lấy lá thư đó ra đọc, ông Chấn vẫn không cầm được nước mắt.

Tiêu đề của lá thư do ông Đỗ Văn Toản viết gửi ông Chấn là dòng chữ: “Khoảnh khắc không tưởng” được viết rất to và tô đậm.

Bức thư nhoè lệ của người bạn tù

Lá thư chỉ hai mặt giấy với những dòng chữ viết vội nguệch ngoạc nhưng ông Chấn vẫn nhớ như in từng con chữ: “Ông có biết không, hôm nay là ngày công dân thứ 90 triệu của Việt Nam chào đời. Thực ra tôi không muốn nói đến câu chuyện dân số nhưng tôi muốn nói rằng, ông như được sinh ra lần nữa. Thật mừng cho ông, vui cùng gia đình ông, ngày mai là cuộc đoàn tụ không tưởng của gia đình ông. Có lẽ vong linh của bố ông – Một anh hùng liệt sỹ đã thấu hiểu điều đó.

Có thể ngày mai tôi – ông không còn câu chuyện thì thầm to nhỏ nữa, nhưng ký ức về ông, con người ông vẫn còn mãi. Tôi vẫn ở chặng đường còn lại. Giờ thì tôi có thể nói một câu rằng, chúc mừng ông, chúc mừng sự đoàn viên. Nếu có thể, ông thắp giúp tôi một nén nhang lên bàn thờ của bố ông, người Anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.

Ông à, nếu có thể tôi sẽ viết về con người ông, cuộc đời ông thành một tiểu thuyết. Cho dù có thế nào đi nữa thì ông cũng phải bình tĩnh, bước qua khó khăn và hãy tin vào công lý. Còn người vợ ông hơn 10 năm khổ cực, vất vả, thật là một sự tìm kiếm có một không hai. Rồi những người cố tình gán ghép tội ác cho ông sẽ phải trả giá. Muốn nói với ông nhiều lắm, sau này nếu có ngày gặp lại chúng ta sẽ tâm sự nhiều hơn...”.

Cẩn thận gập lại bức thư vốn là một tờ giấy vở học sinh viết kín hai mặt, ông Nguyễn Thanh Chấn nhìn chúng tôi nghẹn đi: “Từ lúc về đến giờ, không ngày nào tôi không lôi bức thư ra đọc, đến thuộc lòng rồi, tôi nhớ ông Toản nhiều lắm. Ông ấy còn hứa, lúc nào ra trại sẽ viết cho tôi một quyển sách về những tháng ngày chúng tôi ở cùng nhau. Ông ấy văn hay chữ tốt, tôi tin là ông ấy hoàn toàn có thể làm được việc đó. Lạy trời cho ông ấy mạnh khỏe, yên tâm cải tạo để sớm ra trại”.

Nói đoạn mắt ông Chấn nhòe đi, trên gương mặt khắc khổ ấy ánh lên một niềm tin sắt đá, hy vọng vào một ngày mai tươi sáng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Nguyễn – Cao Tuân (Người đưa tin)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN