Bản đồ lũ quét, sạt lở đất: Dự báo được thảm họa?

Sự kiện: Thời sự

Trận lũ quét xảy ra ở Nậm Kim (Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái) và Nậm Păm (Mường La, tỉnh Sơn La) vừa qua trở thành nỗi kinh hoàng với người dân, làm hàng chục người chết, mất tích. Việt Nam đã có hệ thống bản đồ phân vùng về sạt lở, lũ quét, nhưng vì sao những vụ gây chết nhiều người vẫn diễn ra?

Bản đồ lũ quét, sạt lở đất: Dự báo được thảm họa? - 1

Trận lũ quét kinh hoàng ở Mường La (Sơn La) làm nhiều người chết, mất tích và “san phẳng” nhiều nhà dân. Ảnh: L.H.Việt.

Dự báo đạt 60-70%

Trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) - đơn vị đang thực hiện điều tra, cung cấp bản đồ sạt trượt đất đá cho biết: Viện đã triển khai đề án điều tra sạt trượt cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ từ cuối năm 2012. Đến nay, khoảng 15 tỉnh miền núi như  Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa… đã điều tra hiện trạng và hơn một nửa trong số đó đã có bản đồ phân vùng cảnh báo. Từ nay đến hết năm, Viện sẽ tiếp tục điều tra thực địa và lập bản đồ phân vùng ở Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Theo ông Văn, qua khảo sát, mỗi tỉnh có tới hàng nghìn điểm sạt lở, trong đó 20-30% điểm quy mô và khả năng gây thiệt hại lớn. Sạt lở có nhiều nguyên nhân tích hợp, từ địa hình, độ dốc, mạng lưới thủy văn, đất đá, thảm thực vật, cơ sở hạ tầng, hoạt động dân sinh… Tuy nhiên, yếu tố kích hoạt sạt lở ở Việt Nam thường là do mưa lớn cấp tập. “Khu vực nào mưa dầm dề một tuần trước đó, khiến đất “no” nước thì chỉ một trận mưa cấp tập, khoảng 100 mm là có vấn đề ngay”- ông Văn nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi có bản đồ phân vùng sạt lở, lũ quét, cơ quan dự báo khí tượng sẽ chồng bản đồ dự báo mưa lên, từ đó, sẽ đưa ra cảnh báo nơi có nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất cho các địa phương chỉ đạo phòng chống.

Về độ chính xác trong các bản đồ phân vùng cảnh báo, ông Văn thừa nhận chưa được như mong muốn. “Tuy vậy, với kết quả điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo sạt lở hiện nay có thể chấp nhận được. Dự báo đúng 100% thì rất khó, nhưng đạt 60-70% là tốt rồi”- ông Văn nói.

Trong khi đó, TS Đặng Thanh Mai, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, việc dự báo về sạt lở, lũ quét vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với cơ quan dự báo.

Việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn chủ yếu dựa trên thống kê, các bản đồ về địa hình, độ dốc, thảm phủ thực vật, phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, kết hợp dự báo mưa từ các mô hình số, dữ liệu mưa từ ảnh vệ tinh, viễn thám.

“Các bản tin hiện nay chưa dự báo được chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất mà mới dừng ở mức cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất theo huyện hoặc xã, vùng và mang tính chất định tính nhiều hơn định lượng”-bà Mai cho biết.

Cũng theo bà Mai, thực tế, trên địa bàn cả nước không có mạng lưới trạm quan trắc đo mưa tại các khu vực vùng núi, thượng nguồn sông suối, nơi hình thành lũ quét, sạt lở đất đủ dày và đo đạc truyền tin tự động, từ phản ánh chính xác lượng mưa theo không gian, thời gian… Cùng đó, do hạn chế về khoa học kỹ thuật, nên hiện chưa dự báo chi tiết, cụ thể và có độ chính xác cao ở các khu vực nhỏ, đặc biệt là vùng núi bị ảnh hưởng của địa hình.

Tích hợp việc chống lũ, sạt lở vào quy hoạch

Theo PGS. TS Trần Tân Văn, việc sử dụng bản đồ phân vùng cảnh báo hiện chỉ được một phần, lúc mưa lớn mới “ngó” đến. Còn để hạn chế người dân “vắt chân lên cổ chạy lũ” khi mưa lớn, cần tích hợp bản đồ này vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) thừa nhận rằng, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó. “Tỷ lệ bản đồ cảnh báo hiện nay chưa được cụ thể hóa địa điểm, khu vực, phạm vi cảnh báo diện còn rộng. Nếu căn cứ vào bản đồ đó, chắc không có chỗ nào là không có nguy cơ, chỗ nào cũng mất an toàn cả”- ông Quang nói.

Ông Quang cho biết, vừa rồi, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ điều tra mức độ an toàn nơi ở của người dân qua các biểu mẫu; kết hợp với bản đồ cảnh báo về sạt lở, lũ quét để cắm mốc, cảnh báo người dân. Trong khi đó, thời gian qua, việc rà soát các điểm sạt lở, nguy cơ cao hàng năm, có địa phương làm bài bản, nhưng cũng nhiều nơi làm hình thức, phiến diện.

Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đang dựng chương trình tổng thể về sạt lở, lũ quét, với sự nghiên cứu đồng bộ giải pháp. “Chúng tôi tập hợp hơn 20 chương trình dự án của các bộ ngành, địa phương, xâu chuỗi lại, cái gì đã làm được, cái gì chưa sẽ điều chỉnh, nhằm đưa ra giải pháp tổng thể, đồng bộ về phòng chống thiên tai, từ giải pháp công trình, xã hội, sinh thái, môi trường…”- ông Quang nói.

Về khâu thông tin dự báo, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện việc xây dựng bản đồ hiện trạng và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để phát hiện, khoanh vùng nguy cơ. Các địa phương phải quyết liệt di dời người dân ra khỏi các vị trí nguy hiểm; thiết lập các mạng lưới quan trắc mưa, lũ quét, sạt lở, xây dựng lắp đặt các hệ thống cảnh báo sớm. Ngoài ra, dân trong vùng nguy cơ cao, cần thích ứng “phòng hơn chống”, không xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch nước.

Theo Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, mưa lũ trong một tuần đầu tháng 8 (từ ngày 1-7/8) trên địa bàn các tỉnh  Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng đã làm 44 người chết và mất tích, gần 240 nhà bị sập, đổ, cuốn trôi; 470 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở; 398 hộ phải sơ tán, di dời. Tổng thiệt hại vật chất ước tính trên 1.190 tỷ đồng.

Vì sao Yên Bái, Sơn La bị lũ quét kinh hoàng?

Do mưa lớn kéo dài tại khu vực nhỏ miền núi trong khi đất đã “no” nước, không có khả năng thấm hút thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN