Bà Suu Kyi "sẽ" trở thành Tổng thống Myanmar
Trả lời phỏng vấn của hãng tin BBC hôm 29/9, Tổng thống Myanmar Thein Sein nói ông sẽ chấp nhận bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống nếu người dân bỏ phiếu cho bà ấy. Ông Thein Sein nhấn mạnh ý chí của người dân sẽ được tôn trọng, dù họ bỏ phiếu cho bất kỳ người nào trong cuộc bầu cử năm 2015.
Ông tái khẳng định cam kết của mình đối với chương trình cải cách đất nước, và cho biết ông và bà Suu Kyi đang “làm việc cùng nhau”.
Ông Thein Sein, một cựu lãnh đạo của chính quyền quân sự cai trị Myanmar trong nhiều thập kỷ, đã cho thấy một sự thay đổi ấn tượng theo hướng một chính phủ dân sự.
Hai ngày trước, khi phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, ông Thein Sein đã chúc mừng bà Suu Kyi được trao tặng Huy chương Vàng Quốc hội Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Hardtalk (Đối thoại hóc búa) của BBC, ông đã đi xa hơn nữa khi nói về khả năng bà Suu Kyi – người đoạt giải Nobel Hòa bình - trở thành tổng thống Myanmar.
Tổng thống Myanmar Thein Sein nói với BBC rằng ông "sẽ chấp nhận" bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống nước này - Ảnh: BBC
"Bà ấy có trở thành một nhà lãnh đạo quốc gia hay không phụ thuộc vào ý chí của nhân dân. Nếu người dân chấp nhận bà ấy, thì tôi sẽ phải chấp nhận bà ấy", ông nói, và khẳng định, "không có bất kỳ vấn đề nào giữa tôi và bà Aung San Suu Kyi, chúng tôi đang làm việc cùng nhau".
Tuy nhiên, ông Thein Sein cũng lưu ý rằng quân đội - hiện đang nắm nhiều ghế trong Quốc hội – sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong chính trường Myanmar.
Nhà hoạt động đối lập Suu Kyi từng bị quản thúc 15 năm và nhiều lần bị chính quyền cũ lăng mạ. Ý kiến của ông Thein Sein về bà Suu Kyi được coi là nhận xét “nồng hậu nhất” từ giới lãnh đạo chính trị Myanmar kể từ khi chính quyền quân sự chính thức giải thể tháng 3/2011.
Bà Aung San Suu Kyi, chính trị gia có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài nước - Ảnh: BBC
Nhưng Myanmar vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng bạo lực bùng phát gần đây giữa những người Hồi giáo Rohingya và Phật giáo Rakhine. Tổng thống Thein Sein từng nhiều lần cam kết chấm dứt xung đột nội bộ, nhưng cả ông cũng như bà Suu Kyi không ai đưa ra được một giải pháp khả thi cho các vấn đề ở bang Rakhine.
Trả lời phỏng vấn BBC, Tổng thống Thein Sein cũng nhắc lại lời kêu gọi dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đối với đất nước ông. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ sẽ nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng hóa Myanmar, và nhiều biện pháp khác nhằm cô lập Myanmar đã được Mỹ và các nước phương Tây khác dỡ bỏ.