Ăn rau rừng, uống nước suối xây cầu kỷ lục

Trụ cầu Pá Uôn cao kỷ lục. Thợ cầu Pá Uôn thắng lũ quét Đà Giang, “treo mình” trên cao cả trăm mét, đổ máu cam thường xuyên và sợ nhất... thịt gà.

Xây cầu “căng như dây đàn”

Ông Nguyễn Quốc Bình - Phó Tổng giám đốc Ban QLDA 1, khi đó còn trực tiếp điều hành dự án cầu Pá Uôn kể, trụ cầu của các cây cầu thông thường chỉ cao từ 20 đến 30m. Tuy nhiên, với Pá Uôn, từ bệ trụ lên đến mặt cầu cao tới 107m, riêng trụ cầu cao 98m, là cây cầu có thân trụ cao nhất Việt Nam cho tới thời điểm này.

Chỉ tay vào bức ảnh cầu Pá Uôn lúc còn đang thi công, những trụ cầu vươn cao vút lên bầu trời như con trăn gió khổng lồ bắc qua sông Đà hùng vĩ, ông Bình không giấu nổi niềm tự hào và xúc động. Tuy nhiên, nếu ai không trực tiếp chứng kiến giai đoạn đang thi công thì không thể hình dung hết sự kỳ vĩ của Pá Uôn, bởi khi xả nước Thủy điện Sơn La, cây cầu đã trở lại dáng vẻ hết sức bình thường như bao cây cầu khác.

Ăn rau rừng, uống nước suối xây cầu kỷ lục - 1

Cầu Pá Uôn như nốt nhạc giữa núi rừng Tây Bắc

Ông Nguyễn Hoằng lúc đó là Tổng giám đốc Ban QLDA 1, nay là Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) kể lại: Từ lúc bắt tay vào thi công đến khi hoàn thành và đưa vào khai thác cầu Pá Uôn, chúng tôi luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Thời gian thi công khoan móng trụ Pá Uôn cũng là lúc xảy ra sự cố thi công cầu Cần Thơ. Vì thế, bản thân tôi luôn nhớ những lời căn dặn của nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trong những lần đến thị sát công trường: “Các anh muốn làm sao thì làm nhưng phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình và cán bộ, công nhân viên. Bằng bất kỳ giá nào, không được để xảy ra sai sót và những sự cố đáng tiếc”.
 
Ớn lạnh trên trụ cầu trăm mét


Do chênh lệch độ cao quá lớn lại phải thi công giữa lòng sông chảy xiết, không ít công nhân bị “ngợp”. Cũng chính vì thế, việc giữ bí mật về chiều cao trụ cầu tại thời điểm thi công là điều tối cần thiết. Không một thợ cầu nào biết rõ mình đang thi công ở độ cao bao nhiêu và bao giờ tới điểm K0 (mặt cầu). “Vì phải có thời gian làm quen dần, chứ bình thường, không ai dám làm việc ở độ cao ấy. Chỉ khi kết thúc việc đổ trụ, đứng trên điểm K0, những người thợ cầu Pá Uôn mới rùng mình nghĩ lại những ngày tháng treo mình ở độ cao trên 100m giữa núi rừng Tây Bắc” - ông Bình nói

Cũng vì độ cao quá lớn nên trong quá trình thi công, không ít người đã xin rút khỏi công trường. Trong đó có cả vị Tư vấn trưởng rất nhiều kinh nghiệm và đã từng trải ở hàng chục dự án lớn nhỏ khắp đất nước. Khi trụ Pá Uôn mới lên quá nửa, ông không đủ sức để hàng ngày leo lên làm nhiệm vụ giám sát, nên phải bỏ dở giữa chừng.

  Ăn rau rừng, uống nước suối xây cầu kỷ lục - 2

Với kỹ sư Lê Tuấn Anh - Công ty CP Xây dựng công trình giao thông  479 (Cienco 4), việc được tham gia xây dựng cầu Pá Uôn lại là một bài học lớn. Ngày đó, anh được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng công trình. Tuấn Anh kể: “Thú thực lúc đó thấy ngợp vì đây là một cây cầu lớn nhất mình từng làm. Hơn nữa, cây cầu này có độ cao kỷ lục. Lúc đó, hình dung cảnh đứng trên trụ cầu trăm mét mà đã thấy ớn lạnh”.
 
Muốn khóc trước sông Đà hung dữ

Thử thách đầu tiên khiến những kỹ sư như Tuấn Anh không khỏi nản lòng là những trận lũ bất chợt đổ ào ào như thác của dòng sông Đà hung dữ. Mới nhận nhiệm vụ, lần đầu tiên triển khai đắp đảo, xây bệ trụ chính dưới lòng sông - hạng mục được coi là quan trọng bậc nhất và quyết định tiến độ của cả công trình cầu Pá Uôn, tất cả anh em đều hăm hở làm ngày, làm đêm. Nhưng chỉ sau một đêm lũ về, quét sạch tất thảy bao công sức trước đó. Rồi lần thứ hai vẫn vậy, khi tất cả công đoạn đã cơ bản hoàn thành thì cũng một trận lũ quét tương tự đã làm trôi sạch sành sanh. “Chứng kiến bao nhiêu mồ hôi, công sức của anh em công nhân ngày ngày ngâm mình dưới nước, vận chuyển từng viên đá, bao cát ra giữa dòng nước xiết, bỗng chốc đổ theo sông theo bể chỉ sau một đêm mà ruột quặn thắt, chỉ muốn ôm mặt khóc” - kỹ sư Tuấn Anh kể.

Hai lần thiệt hại nặng nề là hai lần rút ra những bài học xương máu để tìm ra quy luật và khắc chế sự dữ tợn của lũ quét Đà giang. Kế hoạch lần thứ ba được vạch ra hết sức cụ thể đến từng chi tiết nhỏ.
 
Nhảy múa sau lũ


Đêm trước khi đổ bệ trụ chính, vẫn còn nhiều bất đồng giữa nhà thầu và tư vấn về việc thiếu, đủ của vài thanh thép. Nhà thầu nói không ảnh hưởng đến việc chịu lực, tư vấn vẫn quyết không cho đổ. Đêm đó ông Bình, tư vấn trưởng và nhiều anh em khác không thể chợp mắt. Đi quanh đảo nổi, nhìn những cây gỗ từ thượng nguồn đổ về hối hả, báo hiệu lũ tiểu mãn đang về. Nhanh như điện xẹt, một quyết định như quân lệnh tức thì được đưa ra: “Sau một giờ nữa sẽ đổ trụ bệ cầu ngay trong đêm”.

Gần 500 công nhân, kỹ sư trên công trường bị đánh thức. Những ánh điện phút chốc rực sáng giữa dòng sông Đà. Máy móc, vật liệu đã nhanh chóng được tập kết. Và như một điều kỳ diệu, một khối lượng công việc khổng lồ chưa từng thấy với hơn 3.500m3 bê tông đã được hoàn thành chỉ trong hơn ba mươi tiếng đồng hồ. Nhanh chóng thu dọn công trường, tất cả lại nín thở chờ lũ về. Và đúng như dự cảm, 2 ngày sau lũ về thật, với một cường độ lớn và hung dữ hơn nhiều hai lần trước nhưng đã không thể quét sạch tất cả. Nhìn những bệ trụ bê tông vững chãi nằm hiên ngang giữa dòng sau trận lũ, những cán bộ, kỹ sư, thợ cầu trên công trường vui mừng khôn tả và ôm nhau nhảy múa như ngày hội.


Ăn rau rừng, uống nước suối xây cầu kỷ lục - 3 

Ông Bình say sưa kể về quá trình xây dựng cầu Pá Uôn

 Một khó khăn lớn nữa đối với những người làm cầu Pá Uôn là chuyện lo chỗ ăn nghỉ cho cán bộ, công nhân viên giữa vùng rừng núi hoang sơ. Để thuận tiện cho việc thi công, tất cả lán trại đều phải được bố trí dưới chân công trường. Thời gian đầu mới lên, không tìm đâu được rau xanh nên anh em phải cắt cử nhau đi hái rau rừng. Một loại thực phẩm phổ biến khi ấy là thịt gà. Đều là dân miền xuôi, nên những ngày mới đến công trường, ai cũng hào hứng. Thế nhưng ăn độc một món hết ngày này sang ngày khác, đến nỗi, thấy món đặc sản là ai nấy lắc đầu quầy quậy.

Ông Bình kể, sợ thịt gà quá, anh em phải cắt cử nhau mang cá khô, mắm tôm và thực phẩm từ dưới xuôi lên. Khổ nhất là chuyện thiếu nước. Nước sinh hoạt phải lấy từ mó (nước chảy ra từ khe suối, kẽ đá) có hàm lượng canxi cao, rất khó dùng. Mỗi khi giặt quần áo, thấy lớp vải cứng đanh như đá, không ít chỉ huy sợ hãi, không ai dám uống. Sau này, mỗi khi có xe ra vào công trường, chỉ huy phải nhờ mua từng bình nước sạch từ Tuần Giáo, cách hàng chục cây số mang vào.

Ngoài chuyện ăn uống, điều kiện về thông tin liên lạc ở đây cũng là “con số không”. Không internet, không sóng điện thoại, điện sinh hoạt thì bị cắt thường xuyên khiến cho công trường xây dựng này như là một ốc đảo giữa núi rừng. Nhiệt độ ở đây ban ngày có khi lên tới 40 - 45 độ nhưng ban đêm thì lạnh buốt xương. Sự chênh lệch đột ngột giữa ngày và đêm khiến không ít công nhân đột ngột lăn ra ốm. Còn chảy máu cam là chuyện thường ngày ở huyện.

“Khó khăn là thế nhưng giữa lòng sông thăm thẳm với núi rừng bịt bùng, những thợ cầu vẫn cần mẫn làm việc. Họ thầm lặng xây thêm những trụ cầu mới sừng sững giữa lòng sông Đà, tô thêm những nét  đẹp cho bức tranh hùng vĩ miền Tây Bắc” - ông Bình xúc động nói.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Thắng - Tiến Mạnh (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN