Ấn Độ: Cơ phó "tung chưởng" đánh cơ trưởng ở buồng lái
Sau khi bị cơ trưởng yêu cầu viết các thông tin quan trọng của chuyến bay, cơ phó nổi giận và vung tay đánh cấp trên của mình.
Ngày 5/4, trong bối cảnh thế giới vừa chứng kiến một thảm họa hàng không do viên cơ phó của hãng Germanwings gây ra, một viên cơ phó của hãng hàng không Air India (Ấn Độ) trên chuyến bay từ Jaipur tới Delhi đã khiến hành khách hoảng hốt khi tranh cãi và đánh đập viên cơ trưởng.
Báo chí Ấn Độ cho hay “trận chiến” trong khoang lái nổ ra khi cơ trưởng yêu cầu cơ phó viết các thông tin quan trọng như số hành khách, trọng lượng cất cánh và những thông số khác của máy bay lên một mảnh giấy được gắn trước mặt họ.
Tuy nhiên, viên cơ phó bỗng nhiên nổi giận và cự cãi, rồi sau đó vung tay đánh viên cơ trưởng. Mặc dù bị cơ phó đánh, song cơ trưởng “vì lợi ích lớn hơn của hãng hàng không” vẫn quyết định cho máy bay tiếp tục bay tới Delhi như kế hoạch thay vì báo cáo sự việc với kiểm soát viên không lưu và cho hạ cánh khẩn cấp.
Sau khi hạ cánh xuống Delhi, cơ trưởng đã nộp báo cáo sự việc lên nhà chức trách sân bay, và hiện cả hai phi công này đều bị đình chỉ bay để điều tra.
Mặc dù vậy, hãng Air India vẫn cho rằng đây chỉ là một “sự cố nhỏ” trong buồng lái khi hai phi công tranh cãi với nhau nhưng không hề “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với nhau.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ đang thảo luận với các cơ quan có liên quan để đưa ra những quy định nhằm định kỳ kiểm tra, đánh giá sức khỏe tinh thần của các phi công.
Hiện 9 hãng hàng không của Ấn Độ chỉ kiểm tra tình trạng tinh thần của phi công lúc mới nhận vào làm, sau đó họ không hề có thêm bất cứ cuộc kiểm tra nào.
Trước đó, một Hiệp hội Phi công Thương mại Ấn Độ đại diện cho các phi công nước này cũng đã viết thư gửi Tổng cục Hàng không Dân dụng tuyên bố rằng các cơ phó đang phải làm việc quá sức mà không được hưởng thù lao làm ngoài giờ.
Lá thư của hiệp hội này nhấn mạnh: “Việc để các cơ phó phải làm việc trong điều kiện sức ép cao và thù lao thấp trong buồng lái là một công thức hoàn hảo của thảm họa. Làm sao một cơ phó có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình trong các tình huống khẩn cấp nếu luôn phải chịu đựng căng thẳng như vậy?”