Ám ảnh ung thư: Tan tác làng quê
Cùng một huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) có tới ba làng nằm trong danh sách “làng ung thư”.
Bà Nguyễn Thị Yến (thôn 5, xã Mê Pu, huyện Đức Linh, Bình Thhuận) chỉ cho PV những gia đình có người chết vì ung thư. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Lần theo danh sách “làng ung thư” có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất mà Bộ TN&MT công bố, chúng tôi tìm về làng An Lộc (xã An Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh). Khi PV bước vào trụ sở UBND xã An Lộc hỏi về căn bệnh quái ác, nhiều cán bộ nơi đây nói “không chỉ nhiều người dân mà hai cán bộ ở xã đã mắc bệnh ung thư rồi”.
Sợ bệnh viện vì khám là phát hiện ung thư
Ông Nguyễn Đình Thanh (59 tuổi), Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lộc, đang phải xin tạm nghỉ để điều trị bệnh ung thư thực quản. Ông Thanh vừa xạ trị lần thứ sáu ở BV Bạch Mai (Hà Nội) trở về nhà, sức khỏe đang yếu. Những lần xạ trị khiến đầu ông đã rụng hết tóc và người gầy khô. Ông Thanh vừa ho vừa nói: “Thời gian qua nguồn nước ở đây ô nhiễm không ăn được, chúng tôi phải hứng nước mưa để ăn uống”.
Khác với ông Thanh, anh Nguyễn Văn Thắng (41 tuổi), Phó Bí thư Đảng ủy xã An Lộc, phát hiện bị ung thư hạch góc hàm sớm hơn. Ở cùng thôn Quyết Thắng với anh Thắng còn có ba người mắc bệnh ung thư: Bà Đào Thị Đình (68 tuổi) mắc bệnh ung thư phổi, ông Nguyễn Trọng Vường (78 tuổi) đang chống chọi bệnh ung thư dạ dày. Anh Nguyễn Đình Hùng (ở thôn Chơn Thành) năm nay 44 tuổi cũng đang đối mặt với căn bệnh quái ác.
Theo anh Thắng và cán bộ Trạm Y tế xã An Lộc, hồi những năm 1976-1977, ở xã An Lộc có kho thuốc trừ sâu của hợp tác xã nông nghiệp với số lượng rất lớn. Sau đó chính quyền chôn lượng lớn thuốc xuống đất. Khu vực kho và chôn thuốc trừ sâu đó ngày nay đã xây trụ sở UBND xã An Lộc lên trên. Cạnh đó là Trường Tiểu học xã An Lộc cũng đang ô nhiễm nguồn nước giếng. Anh Thắng nhận định: “Có thể tàn dư của thuốc trừ sâu gây ra bệnh ung thư cho nhiều người trong làng”.
BS Trần Xuân Hạnh công tác tại Trạm Y tế xã An Lộc cho biết: “Trước đây cha ông 80, 90 tuổi mới chết. Bây giờ người mắc bệnh ung thư chết trẻ nhiều. Trên địa bàn xã này gần biển và không có nhà máy công nghiệp nào. Vừa qua đi họp tôi đã đề nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân gây ra ung thư ở đây”.
BS Trần Hải Đường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã An Lộc, thông tin theo thống kê từ năm 2012, số người chết do bệnh ung thư ở An Lộc trung bình chín người/năm. Đến năm 2015 số người chết vì ung thư là 14 người, có tháng liên tục bốn người cùng ra nghĩa trang vì ung thư. Ở An Lộc có nhiều người vợ còn rất trẻ đã mất chồng, con còn nhỏ đã bị căn bệnh ung thư cướp mất cha. Nhiều người không dám đi khám vì sợ đến bệnh viện là phát hiện bị ung thư.
Trụ sở UBND xã An Lộc, khu vực từng chôn thuốc trừ sâu. Ảnh: ĐẮC LAM
Dòng họ có 10 người chết vì ung thư
Trong những năm gần đây, danh sách những người ở thôn Liên Tiến và thôn Đồng Sơn (xã Mai Phụ, Lộc Hà) mắc bệnh rồi chết vì ung thư đang tăng dần theo thời gian. Cuộc sống nhiều gia đình, dòng họ nơi đây vốn khó khăn lại chồng chất khó khăn. Nhiều người đang đau đớn bởi căn bệnh hành hạ và cả hoang mang, lo lắng cho thế hệ trẻ ngày mai. Có người lo sợ đã phải bỏ làng ra đi tìm nơi khác sinh sống.
Năm năm qua, căn bệnh quái ác đã cướp đi của dòng họ Phan (ở thôn Đồng Sơn) 10 người, đa phần còn trẻ, là trụ cột trong gia đình.
Ông Phan Trọng Vinh (thôn Đồng Sơn) buồn rầu cho biết: “Năm 2010, anh Phan Trọng Quang, một người trong họ đi làm ăn xa thì thấy người mệt mỏi, da vàng nên đi bệnh viện khám. Mấy lần đầu bệnh viện tuyến dưới chỉ kết luận là bị bệnh gan và cho thuốc về điều trị. Uống thuốc mãi mà không đỡ thậm chí người còn mệt hơn nên anh Quang lên bệnh viện tuyến trên khám thì mới biết bị ung thư gan. Từ ngày biết kết quả đến lúc mất, anh ấy sốc quá chẳng ăn uống được gì nên bệnh ngày càng nặng hơn rồi ra đi”. Dòng họ Phan chưa hết đoạn tang của anh Quang thì ông Phan Trọng Ninh đổ bệnh rồi cũng về nơi chín suối. Ông Ninh mất gần nửa năm thì mẹ ông cũng mất vì căn bệnh ung thư vòm họng.
Bà Lê Thị Ngũ, vợ ông Vinh, lo lắng: “Mỗi người trong họ chết vì ung thư đều để lại vợ và những đứa con thơ dại. Cuộc sống khó khăn, những người vợ này lại phải vào Nam làm thuê kiếm tiền về nuôi các cháu. Có lẽ chưa có dòng họ nào tang thương như dòng họ nhà tôi cả, suốt năm năm qua năm nào cũng có hai người chết vì ung thư. Giờ cứ nghe đến ung thư hay ốm nặng là vợ chồng tôi cứ giật mình thon thót”.
Không chỉ dòng họ Phan, ở xóm Liên Tiến nhiều dòng họ khác cũng có nhiều người mắc bệnh nan y này.
Danh sách những người mắc bệnh ung thư được lưu trong sổ theo dõi nguyên nhân chết ở Trạm Y tế xã Mai Phụ đang dài thêm. Ảnh: ĐẮC LAM
Ông Lê Đình Thanh, Phó Trưởng ban Văn hóa xã Mai Phụ, cho biết hằng năm số người chết vì ung thư cứ tăng lên. Đặc biệt toàn chết trẻ. Có những gia đình em mất trước rồi anh mất sau. Cũng do bệnh ung thư nhiều người phải chạy chữa tốn tiền rồi không còn sức lao động khiến thôn nghèo thêm. Một số người quá khó khăn khi phát hiện bệnh ung thư đã âm thầm, lặng lẽ chịu đựng rồi chết chứ không đến bệnh viện.
Nghi “thủ phạm” là nước ngầm ô nhiễm
Theo BS Nguyễn Đức Ánh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Phụ, nguyên nhân gây bệnh có khả năng là do nguồn nước nhưng do đâu mà nguồn nước nhiễm bẩn thì chưa ai lý giải được. Ông Nguyễn Chắt (trưởng xóm Liên Tiến) cho biết: “Đợt vừa qua có đoàn về làm việc, họ lấy 111 mẫu nước trong xóm đi xét nghiệm thì có 108 mẫu nhiễm thạch tín”.
Còn theo các cụ già trong xã Mai Phụ, từ những năm 1970 ở Liên Tiến và Đồng Sơn có kho thuốc trừ sâu rất độc như DDT, 666. Hiện trên địa bàn xã Mai Phụ chưa có hệ thống nước máy cho người dân dùng mà chủ yếu dân lọc nước giếng hoặc tích trữ nước mưa để ăn uống.
Mê Pu, người dân chỉ mong có nước sạch Ba trong chín thôn của xã Mê Pu (huyện Đức Linh, Bình Thuận) nằm dưới chân núi Tà Pứa cũng có số người mắc ung thư nhiều nhất địa phương. Ông Võ Đình Thi, Trưởng trạm Y tế xã Mê Pu, cho biết từ năm 2003 đến 2016 có 138 ca chết vì ung thư. Riêng tháng 7-2016 có tám ca tử vong do ung thư. Trong đó số người mắc, chờ chết hoặc đi khám trên TP.HCM không thông qua trạm y tế xã không nắm được. Buổi chiều, PV gặp em Nguyễn Ngọc Khương, học sinh lớp 10, con ông Nguyễn Ngọc Hà chết do ung thư hầu năm 2014. Trước đó hai năm vợ ông Hà cũng chết vì ung thư vú. Cậu con trai gương mặt sáng sủa với bộ đồng phục trắng đi cùng ông nội qua nhà thắp nhang cho cha mẹ như thường lệ. Khương nói giọng khẳng khái: “Em muốn học giỏi, muốn làm giàu rồi đưa ông bà đi khỏi đây. Vì người ta nói ở lại Mê Pu trước sau gì cũng chết vì ung thư”. Cùng thôn, anh Nguyễn Trường Thành (39 tuổi) bị khối u ruột non di căn. BV Chợ Rẫy yêu cầu hóa trị nhưng không có tiền, sức lại yếu nên anh xin về vì lo khổ vợ khổ con, giờ nằm nhà chờ chết. Người đàn ông trụ cột gia đình thân chỉ còn trơ xương, da dẻ teo tóp thông qua PV nhắn gửi chút mong mỏi của nhiều người dân Mê Pu: “Chỉ mong thôn có nước sạch để con cháu còn có tương lai”. Mang trăn trở của người dân đến gặp lãnh đạo xã, ông Đinh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Mê Pu, huyện Đức Linh, khẳng định qua kiểm tra các chỉ số ung thư do Viện Pasteur tổ chức năm 2015, kết luận Mê Pu là xã có điều kiện môi trường nước, không khí, đất rất tốt, không có chỉ số ung thư vượt quá mức cho phép. Chỉ có một hạn chế là nguồn nước sạch nơi đây vẫn còn thiếu nhiều. Đa phần người dân dùng nước giếng đào, nước vàng, có nhiễm phèn... Cũng theo số liệu từ trạm y tế xã, một điều ngẫu nhiên là những thôn có người chết do ung thư nhiều đều là những thôn chưa có nước sạch. Đại diện Phòng TN&MT huyện Đức Linh, ông Phan Viết Tùng, cũng cho hay xã Mê Pu có lưu vực sông La Ngà chảy qua, hiện tại trong xã có các cụm công nghiệp Mê Pu chuyên sản xuất gạch... hoạt động. Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và biển TP.HCM đang thực hiện dự án điều tra, đánh giá ô nhiễm nguồn nước lưu vực sông La Ngà đề xuất biện pháp bảo vệ nguồn nước tại lưu vực, hiện tại chưa có kết quả. Ngoài ra, xã Mê Pu còn chịu ảnh hưởng của suối Cầu Đỏ, nước ở đây quanh năm có màu vàng do khai thác trái phép titan trên đồi Cờ phía thượng nguồn. HÀ PHƯỢNG |