Ám ảnh Tỉnh lộ 10: Khó xử lý “hung thần”
Chủ đầu tư chưa lắp đặt các biển báo quy định tốc độ, kẻ vạch phân làn xe; lực lượng công an thiếu, người vi phạm liều lĩnh… là những nguyên nhân khiến việc xử lý “hung thần” gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng xe đưa đón công nhân, "nài" chở thuốc lá lậu xem thường luật giao thông và tính mạng người đi đường tồn tại nhiều năm nay trên Tỉnh lộ 10 và đường Trần Văn Giàu (Tỉnh lộ 10 cũ, huyện Bình Chánh, TP HCM) nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra được biện pháp xử lý.
Kiến nghị nhiều nhưng chẳng ăn thua
Ông Trần Quang Sang, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cho biết hầu như tháng nào họp giao ban về an toàn giao thông, chính quyền địa phương cũng đề nghị Ban An toàn giao thông huyện kiến nghị đến các cơ quan chức năng thành phố về thực trạng này nhưng... chẳng ăn thua! "Nài" chở thuốc lá lậu rất tinh vi nhưng công an xã chỉ có thể chốt chặn tại những hẻm nhỏ mà "nài" đi tắt qua. Tuy nhiên, việc ra quân chốt chặn rất khó vì lực lượng mỏng, không thể làm thường xuyên, chưa kể mỗi lần ra quân đều bị "động" vì có tai mắt theo dõi nên hiệu quả không cao. Từ đầu năm đến nay, công an xã đã bắt và chuyển giao công an huyện hơn 30 vụ.
Với xe đưa đón công nhân, người dân bức xúc từ lâu nhưng các ngành chức năng chưa chấn chỉnh được. "Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 (Khu 4, thuộc Sở GTVT TP HCM) nhanh chóng lắp đặt các biển báo quy định tốc độ, kẻ vạch phân làn xe hai bánh và ô tô để CSGT có cơ sở xử lý đoàn xe này nhưng họ chưa làm" - ông Sang nói.
Hằng ngày, rất đông "nài" chở thuốc lá lậu phóng bạt mạng trên Tỉnh lộ 10, bất chấp sự an toàn của người đi đường. Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Hai, lo ngại: "Năm 2012, xã Phạm Văn Hai đứng đầu số vụ tai nạn giao thông của cả huyện, trong đó nhiều vụ liên quan đến xe đưa đón công nhân. Bây giờ, đường mở rộng, chính quyền xã càng lo hơn. Chúng tôi kiến nghị CSGT nên tăng cường tuần tra, chốt chặn trên đường đoàn xe này đi qua".
Chưa thể xử phạt lỗi vi phạm tốc độ
Trong khi đó, trung tá Hồ Văn Hồng, Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm (thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM), đơn vị phụ trách tuần tra, xử lý vi phạm trên tuyến Tỉnh lộ 10 và đường Trần Văn Giàu, cho biết Tỉnh lộ 10 khi chưa được nâng cấp mở rộng, đường hẹp, không có vạch sơn phân làn giữa ô tô và xe gắn máy, đường không quy định tốc độ, chỉ có thể xử lý vài hành vi của đoàn xe đưa đón công nhân, như tránh, vượt không đúng quy định, chở quá số người... Nay Tỉnh lộ 10 đã mở rộng nhưng dự án chưa hoàn thành, chủ đầu tư chưa lắp đặt các biển báo hạn chế tốc độ, kẻ vạch phân làn… nên vẫn chưa có cơ sở để xử lý.
Ghi nhận bức xúc của người dân, CSGT Phú Lâm lập tổ phụ trách chuyên đề xử lý xe đưa đón công nhân nhằm hạn chế việc phóng nhanh, vượt ẩu đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi lấn, vượt không đúng quy định; chở quá số người… "Để có thể xử lý mạnh đoàn xe vi phạm, chúng tôi kiến nghị Khu 4 sớm lắp đặt biển báo giao thông cần thiết, ngoài ra cũng kiến nghị Công ty Pou Yuen xem xét cho công nhân tan ca lệch giờ nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực" - ông Hồng nói.
Riêng việc xử lý "nài" thuốc lá lậu đang là vấn đề nan giải của CSGT bởi các đối tượng chở thuốc lá lậu rất liều lĩnh, chạy tốc độ cao, không đội mũ bảo hiểm, nếu truy đuổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng của người đi đường, người thi hành công vụ và cả "nài" thuốc lá. Do đó, chỉ có thể xử lý nguội khi các "nài" dừng đèn đỏ hoặc lúc kẹt xe… Từ đầu năm đến nay, CSGT đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, xử lý "nài" chỉ giải quyết phần ngọn, muốn triệt để cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành để dẹp điểm cung cấp đầu nguồn ở Long An và điểm tiếp nhận cuối nguồn ở TP HCM.
Có trạm điều hành vẫn vi phạm Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty Pou Yuen Việt Nam, cho biết công ty hiện đang hợp đồng với hơn 240 xe khách bên ngoài, cùng với 92 xe của công ty để đưa rước 81.500 công nhân. Để hạn chế tình trạng chạy ẩu, chở quá tải, công ty đã hợp đồng với một trạm điều hành xe tại tỉnh Long An, giao toàn bộ quyền quản lý xe đưa đón công nhân cho đơn vị này. "Khi ký hợp đồng, chúng tôi buộc trạm điều hành cam kết các điều kiện: không được chở quá tải, chạy ẩu, phóng nhanh, lạng lách; đưa công nhân đi tới nơi về tới chốn, không được bỏ dọc đường; không được đón công nhân hoặc thu phí bên ngoài công ty… Tuy nhiên, họ vẫn vi phạm, không làm tốt. Hiện công ty đang làm việc với trạm điều hành để có biện pháp xử lý triệt để, nếu họ vẫn tái phạm, công ty sẽ ngưng hợp đồng. Ngoài ra, thời gian tới, chúng tôi sẽ gom một nửa số xe về tự quản lý" - ông Nghiệp nói. |
Gần 5 năm chưa xong 8 km đường Dự án mở rộng, nâng cấp Tỉnh lộ 10 được khởi công từ cuối năm 2008, sau 5 năm thi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Vì tiến độ bị kéo dài nên tổng vốn đầu tư dự án đã tăng từ 772 tỉ đồng lên 998 tỉ đồng. |