Ám ảnh làng ung thư tử thần ở Trung Quốc

Trong hàng chục năm trời, nhà máy tinh chế asen đã biến ngôi làng yên bình thành một làng ung thư tiêu điều đầy ám ảnh.

Ngày 16/2, tờ Bưu điện Đông phương Buổi sáng cho biết ngành công nghiệp khai thác hùng hoàng (một loại muối khoáng thiên nhiên có thành phần chủ yếu là arsen disulfua) đang gây ra một thảm họa ghê gớm ở huyện Shimen, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, khiến ít nhất 500 công nhân qua đời vì ung thư.

Đã có một thời người dân ở đây sống nhờ vào cây lúa và các loại nông sản khác trên mảnh ruộng của mình. Nhưng sau khi người ta phát hiện ra những mỏ hùng hoàng lớn nhất châu Á tại khu vực này và một nhà máy tinh chế mọc lên vào năm 1950, người dân bắt đầu từ bỏ hết ruộng vườn để “đầu quân” vào mỏ và nhà máy.

Những mỏ hùng hoàng này thực sự là cơ hội đổi đời của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, và đời sống của họ khá giả lên trông thấy từ khi ngành công nghiệp khai thác và tinh chế hùng hoàng nở rộ. Thế nhưng khi họ nhận ra rằng số người chết vì bệnh ung thư trong làng mình tăng lên chóng mặt, họ mới biết cái giá quá đắt mà mình phải trả cho sự thịnh vượng đó.

Ám ảnh làng ung thư tử thần ở Trung Quốc - 1

Làng Heshan nhìn từ phía mỏ hoàng hùng

Cho tới năm 2001, khi nhà máy tinh chế hùng hoàng ở đây phá sản, người ta đã ghi nhận được gần 400 trường hợp công nhân mỏ qua đời vì nhiều căn bệnh ung thư khác nhau. Tuy nhiên sau khi được một công ty tư nhân bơm vốn, nhà máy này đã hồi sinh, và trong vòng 10 năm qua, cứ một năm trung bình lại có 10 người chết vì ung thư. Có một năm, số người chết vì ung thư lên tới 30 người, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Hùng hoàng là loại khoáng chất thiên nhiên được sử dụng rất nhiều trong ngành công nghiệp chế tạo pháo hoa. Từ năm 1956, người ta bắt đầu sản xuất chất asen gây ung thư bằng cách đốt hoặc nung chảy hùng hoàng tại khu vực này.

Ông Sheng Fangxun, một công nhân làm việc cho nhà máy tinh chế asen từ năm 1958 cho biết: “Lúc đó chúng tôi không hề biết gì về các điều kiện đảm bảo an toàn.” Mặc dù các công nhân vẫn đeo khẩu trang, tuy nhiên tro bụi chứa asen vẫn xộc vào mồm vào mũi họ. Một số người thậm chí còn cởi trần khi vác quặng, mặc kệ bột hùng hoàng trộn lẫn với mồ hôi thấm bết vào người.

Ám ảnh làng ung thư tử thần ở Trung Quốc - 2

Ông Sheng kể lại chuỗi ngày làm việc ở nhà máy tinh chế asen

Ông Zhao Guangming về làm bác sĩ tại nhà máy này từ năm 1977, và ông phát hiện ra rằng công nhân tại nhà máy thường xuyên bị tiêu chảy, đau bụng và kích ứng da. Người dân ở làng Heshan cách mỏ khoảng 100 mét cũng xuất hiện các triệu chứng tương tự.

Để sản xuất được 20 gam asen, nhà máy tinh chế sẽ phải thải ra 80 gam chất thải, và số chất thải này được xả thẳng ra một dòng sông chảy qua làng Heshan. Ngoài ra, tro bụi độc hại xả ra trong quá trình sản xuất cũng bay thẳng tới ngôi làng này.

Các tài liệu y tế lưu trữ cho thấy 286 trên tổng số 700 dân làng Heshan đã được chẩn đoán ngộ độc asen. Cụ bà Gong Zhaoshu 76 tuổi cho biết: “Cứ mỗi sáng mở cửa ra là tôi lại ngửi thấy mùi pháo hoa. Mùi này vô cùng khó chịu.”

Bà Gong cho biết dân làng từng lấy nước từ dòng sông để ăn uống, giặt giũ, và trẻ con cũng thường xuyên xuống đó tắm mỗi ngày mặc dù họ nhận ra nước sông đã chuyển sang màu đỏ ngầu. Thế nhưng khi họ nhận ra những người xung quanh mình ngày một ốm yếu, họ đã phải tránh xa dòng sông đó.

Ám ảnh làng ung thư tử thần ở Trung Quốc - 3

Làng Heshan dần dần trở thành một ngôi làng chết

Không chỉ có thể, cả mùa màng của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những cây lúa cứ héo úa dần đi, và cả những con côn trùng trên đồng ruộng cũng biến mất.

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đến mức nhà máy tinh chế hoàng hùng buộc phải ngừng sản xuất asen từ năm 1978, thay vào đó bằng việc chiết xuất các chế phẩm khác như axit sunfuric và phân bón phốt-phát.

Tuy nhiên, tình trạng xả thải độc hại vẫn không chấm dứt. Các tài liệu điều tra cho thấy chất thải không qua xử lý đã gây “ô nhiễm nghiêm trọng” 9 km vuông xung quanh nhà máy.

Cách đây 20 năm, một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Bắc Kinh đã tới đây để khảo sát về môi trường. Tại làng Heshan, họ nhận thấy trong mỗi kg đất ở đây có chứa tới 300 milligram asen, trong khi mức cho phép theo tiêu chuẩn quốc gia chỉ là 30 milligram.

Ám ảnh làng ung thư tử thần ở Trung Quốc - 4

Một bệnh nhân mắc ung thư vì nhiễm độc asen

Đến năm 2011, nhà máy tinh chế asen tại Heshan đã bị đóng cửa vĩnh viễn, và chính phủ Trung Quốc đã phải phát động một chiến dịch quy mô lớn để xử lý ô nhiễm độc hại tại đây, trong một nỗ lực khôi phục khoảng 8000 hecta đất nông nghiệp bị nhiễm độc.

Tuy nhiên, người dân địa phương lại không được chính phủ quan tâm đúng mức trong chiến dịch này, và các công nhân bị nhiễm độc asen vẫn không được nhà máy bồi thường.

Người dân làng Heshan cũng không được ngó ngàng tới, mặc dù rất nhiều người ở đây vẫn đang nằm chờ chết bởi căn bệnh ung thư quái ác, trong khi hệ thống bảo hiểm y tế không chấp nhận chi trả cho các trường hợp nhiễm độc asen.

Niềm an ủi duy nhất của họ là một chính sách của chính quyền huyện, trong đó những người bị nhiễm độc asen kinh niên sẽ được hỗ trợ 1000 tệ, còn các bệnh nhân ung thư sẽ nhận được 10.000 tệ (gần 35 triệu đồng).

Bà Chen Deqing năm nay 62 tuổi, và cả cuộc đời bà gắn bó với khu mỏ này. Bố mẹ, con cái bà đều là công nhân làm việc trong mỏ. Trong cuộc kiểm tra y tế hồi năm ngoái, 5 thành viên trong gia đình bà bị phát hiện nhiễm độc arsen, còn bà được chẩn đoán ung thư da. Giờ đây, bà chỉ còn nằm chờ chết trong chuỗi ngày đầy đau đớn của mình.

Ám ảnh làng ung thư tử thần ở Trung Quốc - 5

Người phụ nữ này đang chờ chết vì căn bệnh ung thư da quái ác

Một thanh niên ở Heshan cho biết anh là người duy nhất trong làng đủ tiêu chuẩn sức khỏe để nhập ngũ vào năm 1995, còn tất cả bạn bè anh đều bị loại vì “có vấn đề về sức khỏe”.

Ông Gong Zhaoshu, một viên chức ở làng Heshan than thở: “Chúng tôi đều già cả rồi, nên chết cũng không có gì to tát. Nhưng còn con cháu chúng tôi thì sao?”

Những công trình bên trong nhà máy từng một thời xả khói độc mù mịt này giờ đây đã bị kéo sập, và những chiếc hố từng được sử đụng để đựng chất thải độc hại đã được phủ đá để ngăn chặn asen bị nước mưa làm tràn ra ngoài.

Cạnh những hố chất thải asen độc hại đó là nghĩa địa của làng, nơi yên nghỉ của hàng trăm công nhân chết vì ung thư. Một số người trong làng đã bỏ đi tha hương cầu thực ở các thành phố lớn, và họ chẳng bao giờ quay trở về ngôi làng ung thư đang chết dần chết mòn này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Sina) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN