8 HS chết đuối: Môn bơi bị "bỏ qua"

Hàng loạt vụ trẻ em đuối nước thương tâm trên cả nước liên tiếp xảy ra. Nạn nhân đều là các em học sinh tiểu học, trung học. Các em thường chơi đùa ở những nơi như ao, hồ, sông, đập nhưng lại không biết bơi, và thiếu những kỹ năng tối thiểu để bảo vệ bản thân mình.

Câu chuyện 8 em học sinh bị chết đuối ở Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 12/9 vừa qua một lần nữa đặt ra câu hỏi bức thiết về trách nhiệm của gia đình cũng như ngành giáo dục trong việc trang bị kỹ năng sống cơ bản cho trẻ.

Những tai nạn thương tâm

Tại tỉnh Nghệ An, chỉ trong vòng 5 ngày cuối tháng 8 vừa qua đã xảy ra 3 vụ chết đuối liên tiếp. Ngày 28/4, một nhóm học sinh rủ nhau đi tắm sông để hạ nhiệt. Khoảng 20 phút sau đó, nhiều người dân nghe thấy tiếng kêu cứu, khi chạy đến thì đã quá muộn. Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm mới vớt được hai thi thể học sinh.

Trước đó, chiều ngày 20/4, sau khi đá bóng, nhóm 4 học sinh THPT xuống sông Lam (TP. Vinh) tắm. Do không biết bơi, các em đã bấu víu vào nhau và chết đuối.

Trong một tai nạn khác vào ngày 23/4, tại xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, sau giờ học, hai học sinh theo mẹ ra biển bắt ốc, hàu đã bị nước cuốn trôi.

Còn rất nhiều vụ tại nạn trên sông nước không đáng có đã gây rúng động dư luận mấy ngày qua.

8 HS chết đuối: Môn bơi bị "bỏ qua" - 1

Các vụ trẻ em bị đuối nước vẫn tiếp tục xảy ra (Ảnh minh họa)

Vào chiều ngày 11/9, tại thôn Quảng Lộc, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp, sau giờ thể dục ở trường, 3 học sinh trường THCS Võ Văn Kiệt, cùng đi xe máy kẹp 3 về nhà. Khi thấy cảnh sát giao thông tuần tra trên đường, sợ bị thổi phạt, các em vội vàng phóng xe máy bỏ trốn. Trong quá trình bỏ chạy, xe máy lao xuống dốc đập nước thôn Quảng Lộc. Hai trong ba em học sinh bị chết đuối. 

Mới đây nhất, chiều ngày 12/9, 11 em học sinh Trường cấp II An Mỹ rủ nhau đi chơi rồi xuống hồ chứa nước Tuy Lai (Mỹ Đức, Hà Nội) để tắm và 8 em không may bị chết đuối. Người dân ở đây cho biết, năm nào hồ này cũng có trẻ chết đuối. Năm 2010, có 2 em học sinh trường THPT Mỹ Đức đã chết thảm khi xuống tắm hồ ở đây.

Báo động về giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

Hàng loạt các vụ đuối nước xảy ra do các em học sinh không biết bơi cũng như không được trang bị các kĩ năng mềm để thoát thân khi xảy ra các tình huống xấu khi ở dưới nước. Câu hỏi đặt ra là phải chăng trẻ em ở VN đang thiếu những kĩ năng sống cơ bản?

Được biết, nhằm giúp trẻ em nâng cao sức khỏe, hoàn thiện kỹ năng sống và phòng tránh tai nạn đuối nước, năm 2010, Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học ở các tỉnh, thành phố của cả nước giai đoạn 2010- 2015.

Thế nhưng, vì nhiều lí do về kinh phí, cơ sở vật chất, đề án này vẫn chưa mang lại hiệu quả sâu rộng. Trong khi đó, số trẻ em bị chết đuối ngày càng tăng. So với các nước đang phát triển, tỉ lệ trẻ bị chết đuối ở Việt Nam cao gấp 10 lần.

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, có 4 giải pháp cần tập trung để phòng chống đuối nước ở trẻ. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước. Thay đổi, cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng mô hình gia đình an toàn, cộng đồng an toàn. Thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh đuối nước. Phát triển kỹ năng sơ cấp cứu và dạy bơi cho trẻ em.

Trong đó, ông Hữu cho rằng giải pháp quan trọng là trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em, khẩn trương khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông.

Theo khuyến cáo, trong khi nhà trường chưa có kế hoạch cụ thể để đưa môn giáo dục kĩ năng sống vào giảng dạy thì các bậc phụ huynh nên có biện pháp dạy dỗ con cái mình một cách thông minh hơn.

Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng sống Smile's House (Hà Nội) cho biết: "Thực tế, trẻ em ở nước ta, nhất là ở các thành phố, kỹ năng tự bảo vệ rất kém, mà lỗi chính là ở người lớn. Vì lo ngại con cái có thể gặp những nguy hiểm ở môi trường bên ngoài nên các bậc cha mẹ "nhốt" con ở nhà nhưng lại không cho trẻ va chạm thực tế, nên trẻ kém các kĩ năng xử lý tình huống"

Bà Thủy cũng cho rằng, các trường học cũng nên khẩn trưởng triển khai có chương trình chính khóa về các kỹ năng cụ thể dạy trẻ cách tự bảo vệ mình, quản lý bản thân.

Cách sơ cứu nạn nhân bị đuối nước

Bước 1: Khi thấy một người đang hốt hoảng trên mặt nước hãy nhanh chóng thảy cho họ bất cứ thứ gì có thể giúp họ bám vào và nổi lên được. Nên ném cho nạn nhân một phao nổi trước cho nạn nhân bám vào, sau đó mới cho nạn nhân bám vào ngưới cứu hộ.

Bước 2: Sau khi đem nạn nhân lên bờ, hãy nhanh chóng gọi điện thoại số cấp cứu 115 và tiến hành làm hô hấp nhân tạo bằng phương pháp miệng qua miệng.

Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì nhanh chóng dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra hết;  sau đó đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, ngửa cổ nạn nhân ra sau, móc hết đàm nhớt, dị vật trong miệng nạn nhân ra, một tay đặt lên trán nạn nhân, bịt mũi nạn nhân bằng bằng ngón trỏ và ngón cái, sau đó hít sâu, áp miệng người cấp cứu vào miệng nạn nhân thổi 2 hơi đầy; để lồng ngực tự xẹp và thổi tiếp lần thứ hai.

Thực hiện cho đến khi nạn nhân thở được hoặc có xe cấp cứu đến. Nếu nạn nhân bị ngưng tim nên tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực song song với hô hấp nhân tạo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Anh (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN