6 căn cứ “vạch mặt” hành vi của TQ ở Biển Đông

Quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển đó là quyền cấp phép, cho phép khai thác, lắp đặt các đảo công trình ở trên biển. Giàn khoan Hải Dương-981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đã đưa vào thềm lục địa của Việt Nam nhưng không được sự đồng ý của Việt Nam.

Ngày 13/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức buổi chia sẻ thông tin về Biển Đông. Tại đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao, đã đưa ra 6 căn cứ “vạch mặt” những luận điệu của Trung Quốc khi đặt giàn khoan Hải Dương-981 ở thềm lục địa, thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

6 căn cứ “vạch mặt” hành vi của TQ ở Biển Đông - 1

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao

Tiến sĩ Lan Anh nêu: Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 nằm hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giàn khoan Hải Dương-981 đặt cách điểm cơ sở là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 119 hải lý, cách đảo Tri Tôn (một đảo gần nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý. Theo Công ước Luật Biển 1982, tại điều 57 quy định, chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia ven biển không được quá 200 hải lý.

Đồng thời, tại điều 76 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển cũng quy định, thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m.

Như vậy, theo 4 cách xác định trên, chiều rộng của thềm lục địa 200 hải lý là cách xác định nhỏ nhất. Nếu chiếu theo ranh giới 200 hải lý đó thì sẽ thấy vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan nằm sâu trong thềm lục địa thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người phát ngôn của Trung Quốc nói rằng đây là vùng biển Tây Sa của Trung Quốc, nhưng thực chất vị trí này không phải thuộc vùng biển Tây Sa của Trung Quốc mà là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tây Sa là tên Trung Quốc tự đặt cho đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý chứng minh chủ quyền đối với Hoàng Sa từ thế kỷ XII qua các hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời vua nhà Nguyễn. Các hoạt động này được thực thi liên tục thông qua những tuyên bố cho đến ngày hôm nay.

Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp quần đảo Hoàng Sa qua việc sử dụng vũ lực vào năm 1974. Năm 1945, Hiến chương Liên Hợp Quốc đã ra đời với mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới và trong đó có quy định rằng, dùng hòa bình để giải quyết tranh chấp là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên không được sử dụng vũ lực và cấm đe dọa sử dụng vũ lực. Trung Quốc là thành viên của Liên Hợp Quốc. Nhưng hiện tại, hành động của Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc nói rằng họ có chủ quyền (phi lý, phi pháp) với quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Tri Tôn. Trung Quốc coi đảo Tri Tôn này là một điểm mốc để tính phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và lý luận rằng giàn khoan Hải Dương-981 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế này.

Tuy nhiên, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), đảo Tri Tôn thực ra chỉ là một cồn cát nhỏ, không có thềm lục địa riêng và không thể sử dụng để tính vùng đặc quyền kinh tế. Như vậy, luận điệu của Trung Quốc rằng giàn khoan Hải Dương-981 đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.

Trung Quốc vi phạm nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Tại điều 56, 76 Công ước Luật Biển 1982 đều quy định chung về quyền chủ quyền của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Theo đó, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền với tài nguyên thiên nhiên. Ở đây, Trung Quốc hạ giàn khoan, nhằm thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đó là Việt Nam.

Quyền tài phán của quốc gia trong vùng biển này đó là quyền cấp phép, cho phép khai thác, lắp đặt các đảo công trình ở trên biển. Giàn khoan Hải Dương-981 là một công trình nổi trên biển mà Trung Quốc đã đưa vào thềm lục địa của Việt Nam nhưng không được sự đồng ý của Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc đã vi phạm quyền tài phán của Việt Nam. Đồng thời, trong Công ước cũng nói rằng mọi hoạt động khoan, thăm dò, hay bất kỳ mục đích gì trên thêm lục địa phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Và Việt Nam chưa cho phép Trung Quốc hoạt động khai thác ở vùng biển của mình. Như vậy, Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

6 căn cứ “vạch mặt” hành vi của TQ ở Biển Đông - 2

Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn phun vào tàu công vụ của Việt Nam

Trung Quốc vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp, vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực và de dọa sử dụng vũ lực.

Nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế nêu, các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, những đoạn video Việt Nam công bố cho thấy, Trung Quốc đã nhiều lần dùng vòi rồng công suất lớn phun vào tàu của Việt Nam, sử dụng tàu hộ vệ tên lửa, sử dụng máy bay tuần tiễu, nguy hiểm hơn, vũ khí, pháo luôn được mở bạt để ở chế độ sẵn sàng.

Hành động đó của Trung Quốc là một hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực đối với lực lượng chấp pháp, có thẩm quyền, quyền tài phán trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chính vì vậy, Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đó là nguyên tắc dùng hòa bình giải quyết tranh chấp và nguyên tắc đe dọa sử dụng vũ lực và dùng vũ lực.

Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do hàng hải và đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam, các nước trên thế giới.

Ngày 5/5/2014, Cục Hải sự của Trung Quốc ra văn bản 14034 thông báo rằng ngoài việc giàn khoan Hải Dương-981 sẽ đặt ở địa điểm nêu trên, sẽ cấm tàu biển cấm đi vào trong phạm vi 3 hải lý. Nhưng tin từ Cảnh sát biển Việt Nam chuyển về cho hay, tàu Cảnh sát biển Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến địa điểm khoảng 7 hải lý (tính từ khu vực đặt giàn khoan) mà tàu của Trung Quốc đã đe dọa, tấn công. Như vậy, hành động này đã xảy ra với tàu Cảnh sát biển Việt Nam thì chắc chắn sẽ lặp lại với bất kỳ tàu nào đi qua ngang khu vực này. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do hàng hải. Đây là một quyền được Công ước Luật Biển ghi nhận tại điều 58, quyền dành cho tất cả các quốc gia, tất cả các tàu thuyền, phương tiện bay.

Trung Quốc bằng hành động của mình đã vi phạm nghiêm trọng cam kết đến ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong nội dung tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc thể hiện rằng không sử dụng vũ lực và đe dọa vũ lực, thể hiện kiềm chế không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới, phải giải quyết bất đồng. Nhưng ngược lại với những tuyên bố đó, Trung Quốc lại đưa giàn khoan ra khu vực Biển Đông, làm phức tạp thêm tình hình.

Đặc biệt hơn, trong tuyên bố 6 điểm mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận vào năm 2011 có nêu quan hệ láng giềng giữa hai bên được gói gọn trong 16 chữ vàng và 4 tốt. 16 chữ vàng là: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. 4 tốt là: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Nhưng Trung Quốc lại đi ngược với ký kết của lãnh đạo cấp cao. Tất cả những lời nói của Trung Quốc đã bị xóa nhòa chỉ bằng một hành vi đơn phương khiêu khích trên Biển Đông, hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN