2/3 ĐBQH lần đầu trúng cử, Quốc hội “tươi trẻ” hơn
Chiều 9/6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp báo công bố chính thức kết quả bầu cử ĐBQH.
Một kỳ họp của Quốc hội
Chiều 9/6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp báo công bố chính thức kết quả bầu cử ĐBQH và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV.
Theo kết quả được công bố, với tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 99,35%, bầu ra 496 người làm ĐBQH khóa XIV, trong số đó có 21 người ngoài Đảng và 2 người tự ứng cử. Đáng chú ý, tất cả 19 Uỷ viên Bộ Chính trị, gần 100 Ủy viên T.Ư, 13 Bộ trưởng, trưởng ngành đều trúng cử ĐBQH với số phiếu tín nhiệm cao; Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt tỷ lệ phiếu bầu cao nhất 99,48%.
Bầu hộ, bầu thay không ảnh hưởng đến kết quả
Tại buổi họp báo, khi báo giới đặt câu hỏi về việc liệu với tình trạng bầu hộ, bầu thay vẫn còn tồn tại trong cuộc bầu cử vừa qua thì kết quả bầu cử liệu có đúng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển xác nhận có một số đơn thư của công dân gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia phản ánh tình trạng bầu hộ, bầu thay.
Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã giao Ủy ban bầu cử các tỉnh kiểm tra thì thấy có một số ý kiến là nặc danh. Cũng có một số cử tri nêu hiện tượng trong gia đình mình, do không hiểu biết nên khi có người đi làm ăn xa thì người ở nhà bầu thay. Tuy nhiên, theo ông Hiển, những sai phạm này không nghiêm trọng nên không ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử, vì số lượng người đi bầu thay rất ít, chỉ trong phạm vi một gia đình.
Ứng cử tại tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa là người có tỷ lệ phiếu cao nhất tại Đơn vị bầu cử số 3 (gồm các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên). Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa được 180.811 phiếu cử tri bầu, đạt tỷ lệ 81,88%.
Trả lời câu hỏi Hội đồng Bầu cử Quốc gia bình luận thế nào về việc Quốc hội khóa XIV lần này có tới gần 100 Ủy viên T.Ư trúng cử ĐBQH và 96% ĐBQH là người trong Đảng, ông Hiển phân tích, tất cả những cơ cấu thành phần khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được dự kiến. Các đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng và các cơ quan; Các Ủy viên T.Ư Đảng được giới thiệu ứng cử, trúng cử phần lớn ở các cơ quan quan trọng, các Bộ, ngành, địa phương và cũng nằm trong dự kiến cơ cấu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thống nhất hiệp thương.
Về việc số đại biểu ngoài Đảng trúng cử thấp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lúc ứng cử có 97 người (tương đương 11%), lúc bầu xong thì được 21 người (4,2%). Dù tỷ lệ người ngoài Đảng được giới thiệu cao như vậy nhưng kết quả như thế là hoàn toàn do cử tri lựa chọn.
Tại cuộc bầu cử lần này Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã quyết định hủy kết quả bầu cử ở điểm bỏ phiếu số 2, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (đã bầu lại trong ngày 5/6) vì có hiện tượng gom phiếu đi bầu thay. Trả lời bên lề cuộc họp báo, ông Phúc khẳng định, vi phạm đã rõ và ai gây ra sai phạm sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự, thẩm quyền thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tỷ lệ tái cử chỉ chiếm 36%
Theo kết quả bầu cử, Quốc hội khóa XIV có 317 đại biểu tham gia lần đầu (tỷ lệ 63,9%). Đây được xem là một trong những thách thức của Quốc hội khóa mới khi 2/3 đại biểu lần đầu tiếp xúc với nghị trường, chất lượng hoạt động của Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, con số này cũng tương đương với các khóa trước. “Những đại biểu mới lần đầu trúng cử đều là những người có đủ tiêu chuẩn, trải qua thực tiễn công tác, kể cả công tác ở các cơ quan dân cử ở địa phương. Điều này không làm ảnh hưởng mà còn làm cho Quốc hội tươi trẻ hơn”, ông Hiển nhấn mạnh.
Về trường hợp 15 ứng viên do T.Ư giới thiệu không trúng cử, ông Trần Văn Tuý, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, 9 người trong số 15 người không trúng cử này là ĐBQH chuyên trách nhưng việc bầu thiếu bước đầu ảnh hưởng đến công tác bố trí, sắp xếp nhân sự, dù không nhiều”, ông Tuý nói.