1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng

Sự kiện: Thời sự

Hình ảnh cha chong đèn đợi tin con, vợ đội đơn khắp cửa kêu cứu cho chồng, tiếng con gọi cha lúc nửa đêm... ám ảnh trong mỗi căn nhà thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt giữ. Tận cùng tuyệt vọng, như có phép nhiệm màu, các con tin bất ngờ được phóng thích, hồi hương.

1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - 1

Anh Xuân quây quần bên vợ con

Trở về

Cuộc sống tối tăm, thiếu thốn của 26 con tin bị hải tặc giam cầm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, vợ con giúp họ kiên trì, chịu đựng, chờ đợi và hy vọng một phép màu sẽ đến. Anh Phương nói: “Sự sống trở lại với chúng tôi khi bất ngờ được thông báo sẽ được thả tự do. Lúc đó không ai dám tin, chúng tôi nhờ thuyền viên Philippines biết tiếng Anh kia hỏi cho rõ ngọn nguồn, sợ nghe lầm mà. Cả đêm đó không ai ngủ được cứ mong trời sáng để biết điều người kia nói có phải sự thật hay không.

Khoảng 5 giờ sáng hôm sau, chúng tôi được đưa lên xe, mãi nửa đêm xe chạy đến một thị trấn. Lúc được thả xuống có người đón nhưng không mang súng, họ nói cướp biển đã được trả tiền, chúng tôi được tự do. Mọi người mừng quá ôm nhau khóc!”. Kể đến đây, Phương gục đầu vào vai cha. Những người ngồi vây quanh lặng đi. Để chịu đựng, vượt qua chuỗi ngày kinh hoàng kia, anh ấy đã mạnh mẽ lắm rồi. Sự buồn tủi, nỗi kinh hoàng rồi sẽ biến tan và giờ đây mái ấm gia đình là nơi các anh cần được che chở.

Như bọn cướp biển đã hứa, có một nhà báo người Việt Nam đến gặp gỡ các thuyền viên, phỏng vấn và cho biết mọi người sẽ được về nhà. Vài ngày sau, thuyền viên được đưa lên xe chở lên đến đồn công an và được lên máy bay. Trở lại đời thường, bắt nhịp cuộc sống là khó khăn, nhưng ba thuyền viên vẫn lạc quan đón nhận. Mỗi sáng khi thức giấc không còn là tiếng súng đạn, tiếng côn trùng mà là tiếng con trẻ nô đùa vọng vào. Phan Xuân Phương cho biết: “Trở trời tôi vẫn bị đau đầu, tức ngực, chân tay run rẩy đi không vững. Bị ám ảnh nên thường hay giật mình giữa đêm”.

Nhâm nhi bát nước chè xanh, ông Linh mê mẩn nhìn con, đôi mắt chan hòa ấm áp. Điều kỳ diệu đã đến với gia đình ông. “Nhưng tui vẫn thấy lo. Thằng Phương đã trở lại bình thường đâu. Đi ngủ phải có bố ngủ cùng giường, nhiều lúc mê man nói sảng và còn hay giật mình hoảng hốt. Đêm đầu tiên về nhà mệt quá nên nó ngủ sớm. Mới 22 giờ mà tôi nghe tiếng động, chạy vào xem thì thấy con từ trên giường rơi xuống đất. Hoảng quá, tôi phải gọi con dậy. Nó gãi đầu bảo ở bên Somalia trải bạt ngủ giữa sa mạc quen rồi nên giờ ngủ trên giường thấy không hợp. Thế là tôi phải trải chiếu giữa nhà cho con ngủ”, ông Linh buồn bã kể.

Cứ thế vào mỗi đêm, khi đến giờ đi ngủ là ông Linh lại nằm ngoài, canh chừng khi con mình tỉnh giấc. Hằng ngày, Phương phải theo bố tập làm những việc nhỏ nhất trong nhà từ nấu ăn, dọn rửa hay sửa lại vật dụng sinh hoạt. Cuộc sống đảo lộn, ngược dòng thời gian trở lại cái thời Phương còn bé, bố mẹ phải cầm tay chỉ việc. Bốn năm sống bên họng súng cướp biển, trở về nhà Phương như đứa con bé bỏng chưa biết làm gì.

“Tiếng Việt nó nói còn ấp úng, khó nói, khó nghe. Có bữa tôi nấu cháo mà nó lấy đũa gắp, buồn lắm con à! Mẹ bị tai biến nên muốn con ở bên chăm sóc nhưng thấy con chưa bình thường nên tôi luôn ngó chừng. Bạn bè tới chơi cũng không dám cho ra khỏi khu vực nhà. Đi đâu thì bố phải chở. Con chưa hòa nhập thì mọi việc bố phải lo”, ông Linh kể.

Sự can trường lặng lẽ

Trở lại với căn nhà của anh Nguyễn Văn Xuân. Cuộc điện thoại nửa đêm hơn bốn năm trước như tiếng sét giáng xuống ngôi nhà trống cùng ba đứa con nheo nhóc giữa miền quê nghèo. Bốn năm đằng đẵng, chị Quỳnh không nhớ mình đã viết bao nhiêu lá đơn, đi Hà Nội bao lần để kêu cứu cho chồng. Chị liêu xiêu đi vào gian nhà trong lục lọi một hồi, đưa ra tập hồ sơ được gói ghém cẩn thận trong túi bóng. Lần dở những tờ giấy ghi chi chít địa chỉ của Cty XKLĐ, Bộ LĐ-TB&XH, Đại sứ quán, chị nói: “Khoảng gần 100 lá đơn kêu cứu được gửi đi nhưng tất cả đều không có hồi âm, hoặc có hồi âm cũng hứa hẹn tiếp tục chờ đợi”.

Chồng ra đi món nợ chưa kịp trả thì bị cướp biển bắt giữ, chị Quỳnh cùng ba đứa con nhỏ hằng ngày xoay miếng ăn đã khó nay lấy tiền đâu để ra Hà Nội kêu cứu? Tình yêu thương, nỗi nhớ nhung của người vợ đối với chồng đang gặp nguy hiểm thúc giục chị mạnh mẽ hơn, can trường hơn. Chị Quỳnh xin đi phụ hồ, tối về xin làm thêm chân bưng bê, rửa bát ở quán nhậu chắt chiu thêm tiền lộ phí. “Cứ ứng trước hoặc người ta trả tiền công em lại bắt xe ra Hà Nội. Bao nhiêu lần Cty cứ hứa đang đàm phán và khuyên về nhà chờ đợi. Chờ thế nào được khi chồng mình đang gặp nguy hiểm?”, chị Quỳnh nhớ lại.

Mỗi lần bắt xe ra Hà Nội, người phụ nữ quê mùa thường xuyên phải đi bộ dọc phố phường và ngủ ở hành lang của Cty để chờ câu trả lời. “Mỗi lần dọn cơm ra ăn, nhìn ba đứa con nước mắt mình lại chực trào ra. Không nhẽ ông trời lại bắt ba đứa nhỏ mồ côi cha? Cha nó là người nghèo, lấy tiền đâu ra mà bọn cướp biển bắt giữ đòi tiền chuộc và giết hại chứ!”, chị Quỳnh bật khóc. Nhiều đêm nằm các con cứ hỏi mẹ tại sao cướp biển lại bắt bố, cướp biển là gì hả mẹ làm ruột gan chị như thắt lại. “Thấy con dâu vất vả đi kêu cứu cho chồng, vợ chồng già thấy đau lắm. Mỗi lần đi hết mấy triệu bạc phải chạy vạy vay mượn khắp người thân, hàng xóm. May mắn ông trời cũng có mắt đưa thằng Xuân trở về với gia đình”, ông Nguyễn Văn Hòa, bố thuyền viên Xuân vui mừng nói trong nước mắt.

Hơn bốn năm qua, trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng người vợ trẻ đã khóc hết nước mắt chờ chồng. Thiếu ăn, đói mặc, ba đứa con của anh Xuân và chị Quỳnh nheo nhóc. Cháu đầu Nguyễn Thị Hà Giang năm nay học lớp bốn nhưng do bệnh tật không được chữa trị đến nơi đến chốn nên người gầy guộc. “Cháu không được hoạt bát như những đứa trẻ cùng trang lứa. Bố không ở nhà, mẹ suốt ngày chạy đi làm bên ngoài nên ba chị em tá túc và tự lập cạnh ông bà và người thân. Thương con nhưng đành phải cắn răng nuốt nước mắt vào trong vì không biết kêu với ai nữa”, chị Nguyễn Thị Quỳnh nhớ lại câu chuyện hơn bốn năm chị đã trải qua.

Ước mơ giản dị

Trở về với gia đình, anh Xuân dường như chưa bắt kịp với cuộc sống hiện tại. Bệnh tật, ký ức kinh hoàng của hơn bốn năm trong tay bọn cướp biển cứ vảng vất, ẩn hiện. “Hôm trước hai vợ chồng đi mua ít đồ sinh hoạt trong gia đình. Khi trả tiền xong về mọi người hỏi, tự nhiên tôi không nhớ được giá cả gì hết. Mấy đêm nay không thể nào chợp mắt được”, anh Xuân nói.

Từ nhỏ cho đến khi bước chân xuất ngoại, chưa bao giờ anh Xuân hút một điếu thuốc. Thế nhưng từ khi trở về từ tay cướp biển, mọi người bất ngờ khi thấy anh Xuân rít thuốc lào liên tục. “Hơn bốn năm nằm giữa đồng hoang, ban ngày nóng ran người, ban đêm trời lạnh buốt. Mọi người cắt cử nhau đi nhặt những xác thuốc của bọn cướp biển về cuốn lại với lá cây để hút cho đỡ buồn. Thế là thành quen”, anh Xuân kể.

1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Tôi ơi, đừng tuyệt vọng - 2

Chị Quỳnh, vợ anh Xuân hơn ngàn ngày đội đơn đi kêu cứu cho chồng

Hỏi về những dự định tương lai, chị Quỳnh ngồi cạnh chồng không ngần ngại nói bắt chồng nghỉ ngơi ít tháng khi đó mới cho trở lại với công việc để nuôi con. “Anh đang quá yếu nên phải nghỉ ngơi một thời gian dài lấy lại sức. Nhiều đêm nhìn chồng trăn trở khó ngủ làm cả nhà thêm lo. Hơn bốn năm qua cố được giờ cố thêm vài tháng chẳng sao hết, miễn anh Xuân có sức khỏe và mừng nhất là anh ấy đã trở về!”, chị Quỳnh tâm sự.

Nguyễn Văn Xuân cho biết sẽ không đi xuất khẩu lao động nữa mà ở nhà tìm việc phù hợp để được sống bên vợ con. “Tôi sẽ sắm thuyền, mua ngư cụ để trở về với nghề nghiệp trước lúc đi xuất khẩu lao động. Số mình sinh ra là để bám sông, bám biển rồi nên có nghèo khổ thêm một chút cũng đành nhưng sớm hôm có vợ, có con”, anh Xuân nói.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh cho biết, sau sự cố môi trường do Formosa gây ra, cá biển một thời gian đánh về không ai mua nên mọi người rất lo lắng. Thế nhưng gần đây, mọi người bắt đầu sử dụng cá biển trở lại nên chị đồng ý với chồng sẽ vay mượn sắm thuyền đi đánh cá. “Giá cá, mực, thời gian gần đây mọi người đánh về bán được giá khá cao. Vợ chồng em sẽ trở lại với nghề biển muôn đời của cha ông! Thà nghèo chút, nhưng bình yên!”, dứt lời, người phụ nữ lại nắm chặt lấy tay chồng.

“Thực sự không ai nghĩ anh Xuân trở về được với mẹ con em. Giờ anh về bằng da bằng thịt đây rồi không đi đâu nữa hết. Vợ chồng ở nhà bám sông bám biển. Có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo cùng nhau. Bốn năm qua sống trong sợ hãi thế là quá đủ rồi”, chị Nguyễn Thị Quỳnh vợ thuyền viên Nguyễn Văn Xuân vừa nói chuyện vừa giữ chặt tay chồng, như thể lơi ra sợ bàn tay anh vuột mất lần nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thùy - Quang Long - Cảnh Huệ (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN