1001 chiêu “cướp khách” của lái xe
Các lái xe khách chèn, ép nhau trên đường thậm chí hành xử như giang hồ để có được khách hàng.
Hàng ngày trên tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái thường xuyên xảy ra tình trạng xe khách vi phạm tốc độ, chạy ẩu để tranh giành bắt khách dọc đường. Nhiều tài xế, nhà xe vì đồng tiền mà bất chấp pháp luật và coi thường tính mạng của hành khách...
Cho đi mới được đi
Theo phản ánh của người dân, việc chạy đua, tranh giành khách của các hãng xe HL, HA, TB, ĐP... và một vài hãng xe khác ở Hải Phòng vẫn thường xuyên xảy ra trên Quốc lộ 5, gây bức xúc dư luận. Nhiều chủ xe đò đồng loạt chuyển sang kinh doanh xe chất lượng cao và từ đó bắt đầu nảy sinh những kiểu cạnh tranh không giống ai.
Có mặt tại bến xe Lương Yên (Hà Nội) vào lúc 8h, như bao hành khách khác, chúng tôi lên xe ôtô của Công ty TNHH vận tải HL chạy tuyến Lương Yên (Hà Nội) - Hải Phòng. Chúng tôi chứng kiến thực tế hoàn toàn chính xác như những gì người dân đã phản ánh. Trên xe có khoảng ba mươi khách, khi đến gần phố Nối (Hưng Yên) thì có một chiếc xe khách 24 chỗ chạy ép ở bên phải, một chiếc xe khách loại 16 chỗ ép ở bên trái, như để yểm trợ cho xe kia. Lái xe 16 chỗ cho xe lạng lách, đánh võng và đi rất chậm, cố tình không cho xe chúng tôi vượt để các “đồng đội” của họ bắt khách.
Quá hoảng sợ với chiếc xe 16 chỗ kia, nhiều hành khách trên xe chúng tôi đã đề nghị lái xe dừng lại khoảng 10 phút để hai xe kia đi trước rồi mới tiếp tục lộ trình. Nhưng chưa đầy 5 phút sau, một chiếc xe 24 chỗ khác lại chắn ngang ngay đầu xe chúng tôi, cùng lúc chiếc xe 16 chỗ vừa vượt lên cũng đỗ khựng lại. Lập tức, từ trên hai chiếc xe, ba, bốn thanh niên với vẻ mặt đằng đằng sát khí nhảy xuống dọa đánh tài xế xe HL. Nguyên nhân là do phụ xe của xe HL đã có mâu thuẫn tranh giành khách với hai xe trên từ trong bến.
Tình trạng này còn diễn ra ở tuyến Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Đoạn đường từ bến xe Móng Cái đến Hạ Long không bao xa nhưng lái xe cho xe “bò” gần 6 tiếng để bắt khách. Anh Hải Đăng, một hành khách ở Hà Nội cho biết: “Do tính chất công việc, tôi thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội - Hạ Long - Móng Cái. Tôi cũng như vợ đã không ít lần gặp chuyện bực mình, ức chế, nhiều khi lỡ việc do xe chậm, có lúc lại hết hồn vì xe lạng lách vượt ẩu".
Nhiều hành khách luôn cảm thấy bất an khi ngồi trên những chuyến xe như như thế này
Tìm mọi cách che mắt công an
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các chủ xe đều đặt ra một mức khoán nhất định đối với lái, phụ xe. Nhiều chủ xe sau khi khoán đã không còn quan tâm, chú ý đến việc quản lý mọi hoạt động của xe. Họ chỉ thu tiền theo từng tháng, quý. Xe bị hỏng hóc đã có bảo hiểm, còn tai nạn xảy ra, lái xe là người chịu hết trách nhiệm. Bị chịu sức ép về mức khoán, lái xe phải quay vòng xe nhanh để thu lợi nhuận cao. Vì thế, việc xe chở quá tải, phóng nhanh vượt ẩu, đua tốc độ tranh giành khách là đương nhiên.
Tuy nhiên, theo quan sát của người viết, tại các điểm giao thông có lực lượng công an làm nhiệm vụ thì lái xe đi đúng quy định. Nhưng ngay sau khi qua khỏi các chốt giao thông, tài xế lại đua nhau bắt khách và tình trạng chèn ép lại diễn ra. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây trên các tuyến quốc lộ. Để bắt được nhiều khách ở các bến cóc, lái xe khách cố tình phóng nhanh vượt ẩu, bất chấp việc có thể gây ra tai nạn giao thông.
Trao đổi với PV, Đại tá Phí Văn Minh, Trưởng công an thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: Đi sai phần đường, vượt sai quy định, vi phạm tốc độ, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông. Hầu hết các vụ tại nạn giao thông thảm khốc chủ yếu thuộc về lỗi vi phạm chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định.
Việc phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, tranh giành khách trên tuyến đường trên cho thấy rõ việc đào tạo, giáo dục đạo đức đội ngũ lái xe vẫn đang là một vấn đề cần được quan tâm cấp bách. Ngoài nguyên nhân trực tiếp là lái xe không chấp hành luật giao thông thì vấn đề đáng bàn nữa là quản lý vận tải còn nhiều bất cập, đặc biệt là quản lý đội ngũ lái xe.
Chính phủ đã có văn bản nêu rõ, năm 2012 là Năm an toàn giao thông quốc gia với chủ đề: Thiết lập kỷ cương trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có hàng chục xe khách đang vi phạm luật với chiều hướng tăng dần và rất phức tạp. Tình trạng trên diễn ra liên tục đã đe dọa vấn đề an toàn giao thông, trật tự công cộng và tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn giao thông ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Phương tiện gây TNGT chủ yếu là xe khách Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an), có tới 80% số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, chủ quản lý xe là tư nhân; 97% số vụ do vi phạm tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát. |