"1001 câu hỏi" về Covid-19 và câu trả lời ngắn gọn nhất

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Mọi thắc mắc về dịch bệnh Covid-19 cũng như virus SAR-CoV-2 gây ra dịch bệnh này đều được giải đáp tại đây.

CÂU HỎI CƠ BẢN

1. Dịch bệnh Covid-19 là gì?

Dịch Covid-19 viết tắt của cụm từ “Coronavirus disease 2019”, là dịch bệnh do virus Corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (viết tắt là SARS-CoV-2) gây ra. Dịch bệnh này xuất hiện đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trong đó nhiều người cùng bị viêm đường hô hấp cấp.

2. Tại sao có nhiều cái tên như Covid-19, 2019-nCoV, SAR-CoV-2,…?

- Covid-19 là tên gọi của dịch bệnh này (từ ngày 12/2 đến nay).

- nCoV-2019 là tên gọi cũ của dịch bệnh này (trước ngày 12/2).

- SAR-CoV-2 là tên của virus gây ra dịch bệnh Covid-19.

3. Nguồn gốc của Covid-19 từ đâu?

Virus Corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi. Đến nay, đã có ba bệnh dịch đặc biệt nguy hiểm do virus Corona có nguồn gốc từ động vật lây sang người là SARS, MERS và COVID-19.

Các phân tích đang được thực hiện để biết nguồn gốc cụ thể của virus SAR-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Trước đó, SARS là một loại virus Corona từng xuất hiện và lây nhiễm cho người, bắt nguồn loài từ cầy hương; trong khi MERS là một loại virus Corona khác lây nhiễm cho người, bắt nguồn từ lạc đà.

Dịch Covid-19 do virus SAR-CoV-2 gây ra.

Dịch Covid-19 do virus SAR-CoV-2 gây ra.

4. Virus SAR-CoV-2 trông như thế nào?

Khi nhìn dưới kính hiển vi điện tử, chúng có các gai nhô ra ở mặt ngoài trông như hình chiếc vương miện.

5. Đã có thuốc điều trị và vắc-xin phòng bệnh Covid-19 chưa?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh Covid-19, vì vậy chủ yếu điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác nếu có.

CÂU HỎI VỀ SỰ LÂY NHIỄM

6. Virus SAR-CoV-2 lây nhiễm vào con người như thế nào?

Mỗi loại virus có các cấu trúc đặc trưng trên bề mặt hoạt động như những “móc câu” để virus bám vào các cấu trúc phù hợp với loại móc câu ấy (được gọi là thụ thể - receptor) trên bề mặt tế bào chủ để virus chui vào bên trong tế bào. Tế bào nào có cấu trúc giúp các “móc câu” của virus “móc” vào được sẽ là tế bào “nhạy cảm” với virus và bị virus nhiễm vào.

Virus SAR-CoV-2 sử dụng protein S làm “móc câu” để gắn vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ, qua đó virus xâm nhập và nhân lên gây bệnh cho cơ thể.

Do các tế bào của đường hô hấp là mục đích tấn công của virus SAR-CoV-2 (trong đó các tế bào niêm mạc ở mũi, họng được cho là cửa ngõ đầu tiên để virus SAR-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể) nên thường xuyên uống nước ấm, không để họng bị khô là một biện pháp được khuyến cáo để bảo vệ họng, giảm bớt khả năng tấn công của virus vào các tế bào niêm mạc họng.

7. Virus SAR-CoV-2 gây bệnh cho cơ quan nào?

Biểu hiện bệnh chủ yếu của người nhiễm Covid-19 là viêm đường hô hấp cấp có nghĩa là Covid-19 gây bệnh cho đường hô hấp.

Một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 còn có biểu hiện tiêu chảy và xét nghiệm có virus trong phân. Dù chưa chắc chắn nhưng không loại trừ khả năng Covid-19 gây tổn thương cho các tế bào niêm mạc khác, trong đó có đường tiêu hóa.

Trong số các bệnh nhân bị bệnh kết hợp còn thấy hiện tượng tổn thương chức năng của các tạng khác như gan, thận... Tuy nhiên, đây là hậu quả trực tiếp do virus tấn công hay hậu quả gián tiếp từ tổn thương phổi còn đang được các nhà khoa học làm rõ hơn.

8. Cơ chế lây lan của SAR-CoV-2 như thế nào?

Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế khẳng định, chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm: Qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp; lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh); và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn.

9. Virus SAR-CoV-2 có nhân lên trong môi trường tự nhiên không?

Không! SAR-CoV-2 nói riêng và virus nói chung không tự nhân lên được. Virus phải “mượn” tế bào sống để nhân lên bằng cách “khống chế” tế bào chủ “làm việc” cho virus. Sau khi nhiễm được vào tế bào, virus sẽ kiểm soát tế bào chủ bằng cách cài các gen của virus vào bộ gen của tế bào chủ, bắt tế bào bị nhiễm virus tạo ra các thành phần của virus. Khi đã đủ các thành phần cần thiết, các thành phần này lắp ghép lại với nhau để hình thành nhiều virus mới, đồng thời làm tổn thương cho tế bào bị nhiễm virus.

Trong môi trường tự nhiên, virus chỉ tồn tại nguyên dạng và không nhân lên, do vậy thời gian sống của virus trong môi trường tự nhiên là thời gian tồn tại của một thế hệ virus. Thời gian này là bao lâu sẽ phụ thuộc vào bản chất của virus và các điều kiện tự nhiên. Thông thường, ở nhiệt độ lạnh virus sẽ tồn tại lâu hơn, nhất là nhiệt độ lạnh âm sâu; các yếu tố khác như độ ẩm, chất liệu bề mặt (đất, gỗ, sắt...) cũng ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của virus; đặc biệt ánh sáng mặt trời có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả.

Đã có một số nghiên cứu cho thấy virus SAR-CoV-2 có thể sống được đến vài ngày, thậm chí đến 9 ngày trong môi trường tự nhiên. Vì thế, các biện pháp vệ sinh môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc triệt tiêu nguồn tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Không nên chủ quan cho rằng virus đã bị tiêu diệt bởi các yếu tố từ môi trường. Mặt khác, môi trường sống thông thoáng, có ánh nắng mặt trời cũng có ý nghĩa rất tốt làm giảm bớt các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus SAR-CoV-2 trong môi trường.

Cả thế giới đang chung tay chiến đấu với dịch bệnh Covid-19.

Cả thế giới đang chung tay chiến đấu với dịch bệnh Covid-19.

10. Virus SAR-CoV-2 có thể tồn tại ở vùng khí hậu nóng ẩm không?

Có! Virus này đã lan sang cả các quốc gia có khí hậu nóng và ẩm, cũng như lạnh và khô.

Dù ở bất cứ nơi nào và điều kiện thời tiết ra sao, điều quan trọng là cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Mặc dù vậy, vẫn nên tiêm vắc-xin phòng các bệnh về đường hô hấp để bảo vệ sức khỏe của minh.

11. Bắt tay có làm lây Covid-19 không?

Cho đến nay chưa có bằng chứng virus SAR-CoV-2 có thể xâm nhập qua da vào cơ thể. Tuy nhiên, bắt tay là hành động có nguy cơ cao. Khi tay một người bị nhiễm Covid-19 chạm vào tay người khác có thể truyền virus sang tay người này. Từ bàn tay có virus có thể nhiễm tiếp vào đường hô hấp do các hành động khác như dụi mắt, ngoáy mũi, cho tay lên miệng hoặc kể cả chạm tay lên mặt, tạo cơ hội (dù nhỏ) để virus “bay” vào mũi. Do vậy, thực hành rửa tay/sát trùng tay và không chạm tay vào vùng mặt (đặc biệt là sau khi bắt tay) là biện pháp hiệu quả để ngăn nguy cơ lây nhiễm do bắt tay.

12. Sinh hoạt tình dục có làm lây Covid-19 không?

Chưa có nghiên cứu chứng minh Covid-19 có lây qua niêm mạc đường sinh dục hay không. Tuy nhiên, do sinh hoạt tình dục có nhiều hình thức, mức độ và động tác khác nhau nên sinh hoạt tình dục là hành vi có nguy cơ. Nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp tùy thuộc mức độ tương tác giữa những người bạn tình tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm Covid-19.

13. Covid-19 có lây qua đường máu không?

Chưa có thông tin về vấn đề này. Trên quan điểm dự phòng, bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, mọi khuyến cáo về bảo hộ nhân viên y tế đều được đặt lên ở mức cao nhất trước nguy cơ phơi nhiễm với máu của người bệnh.

14. Covid-19 có lây từ mẹ sang con không?

Trong đợt dịch này, các nhà khoa học Trung Quốc đã theo dõi 9 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 và đã sinh con. Các xét nghiệm dịch ối, máu dây rốn trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm Covid-19 và sữa mẹ không thấy có virus SAR-CoV-2. Cùng thêm các thông tin về SARS-CoV và MERS-CoV không lây truyền dọc từ mẹ sang con khiến cho các nhà khoa học tạm kết luận rằng Covid-19 không lây truyền dọc từ mẹ sang con. Mặc dù vậy, các quan sát mới chỉ thực hiện ở 9 ca bệnh nên cần có số liệu của nhiều người hơn để có thể kết luận chắc chắn về vấn đề này.

Lưu ý: Lây nhiễm dọc được hiểu là lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Việc cách ly con khỏi mẹ để tránh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc đường tiếp xúc trực tiếp vẫn là cần thiết.

15. Khi nào một người được xác định là nhiễm bệnh hay khỏi bệnh Covid-19?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cần sử dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử để khẳng định các trường hợp mắc Covid-19. Quy trình xét nghiệm theo khuyến cáo của WHO hoặc cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC).

Tính tới ngày 21/3, đang có 22 đơn vị được thực hiện xét nghiệm khẳng định đối với các trường hợp mắc Covid-19:

1) Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương;

2) Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh ;

3) Viện Pasteur Nha Trang;

4) Viện Vệ sinh dịch Tễ Tây Nguyên;

5) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội;

6) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng;

7) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ;

8) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Yên Bái;

9) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai;

10) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh;

11) Bệnh Viện Bệnh nhiệt đới Trung ương;

12) Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh;

13) Bệnh viện Chợ Rẫy;

14) Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên;

15) Bệnh viện Trung ương Huế;

16) Bệnh viện Nhi Trung ương;

17) Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ;

18) Bệnh viện Bạch Mai;

19) Bệnh viện Nhi đồng 1;

20) Viện Y học dự phòng quân đội;

21) Trung tâm nhiệt đới Việt Nga;

22) Bệnh viện Trung ương quân đội 108;

Trường hợp các mẫu phẩm cho kết quả dương tính nhưng không phải do các đơn vị đã được chỉ định nêu trên thực hiện, họ phải tiếp tục chuyển mẫu về để xét nghiệm khẳng định. Nếu kết quả vẫn cho cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, thì khi đó mới khẳng định bệnh nhân bị bệnh Covid-19.

Tương tự, việc xét nghiệm để khẳng định một người đã khỏi bệnh cũng phải được thực hiện tại các đơn vị đã được cấp phép nói trên. Chẳng hạn với hai ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam là cha con người Trung Quốc, bệnh nhân đã được Viện Pasteur TP.HCM khẳng định âm tính qua nhiều lần xét nghiệm trước khi xuất viện.

CÂU HỎI CÁCH PHÒNG TRÁNH

16. Làm thế nào để bảo vệ bản thân?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt nhiều biện pháp như:

- Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.

- Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.

- Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ.

- Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

- Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.

- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.

Nguồn: Bộ Y tế

Nguồn: Bộ Y tế

17. Tại sao lại cần giám sát thân nhiệt để kiểm soát dịch bệnh?

Giám sát thân nhiệt chỉ là một biện pháp kiểm soát dịch bước đầu để phát hiện người có sốt khi nhập cảnh, khám bệnh. Hầu hết các ca bệnh nhiễm Covid-19 đều có sốt nên đây là bước sơ bộ để kiểm soát dịch vì đơn giản và dễ thực hiện. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng vẫn là phát hiện sớm, cách ly và phòng ngừa trong lây nhiễm Covid-19.

Ngoài giám sát thân nhiệt còn phải kê khai các yếu tố dịch tễ như đến từ vùng dịch và theo dõi các triệu chứng hô hấp; quản lý và cách ly các người đến từ vùng dịch, tiếp xúc người bệnh và nghi ngờ mắc bệnh.

18. Sử dụng nước rửa tay có tỉ lệ cồn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Các chất rửa tay sát khuẩn chuyên dụng thường có độ cồn trên 60 độ, cao nhất chỉ 70 độ, được sản xuất cùng với gel để giữ sự tồn tại của chất cồn đủ lâu trên tay trong quá trình rửa tay. Nó giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn, virus bám trên tay chứ không làm sạch bụi bẩn, đất cát, song đây là chất rửa tay hiệu quả và được khuyên dùng (trường hợp tay quá bẩn, người dân nên rửa bằng xà phòng và nước để làm sạch).

Trong khi đó, cồn 70 độ trở lên không giúp tăng hiệu quả trong việc làm sạch tay khỏi các loại vi khuẩn, virus. Ngược lại, cồn có độ quá cao sẽ càng dễ bay hơi trong không khí khiến việc rửa tay không hiệu quả, chưa kể khả năng gây bỏng rát cho da tay.

19. Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có giúp ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 không?

Không có bằng chứng cho thấy việc rửa mũi thường xuyên bằng nước muối có thể bảo vệ không bị nhiễm virus SAR-CoV-2. Một số bằng chứng hạn chế cho thấy, thường xuyên rửa mũi bằng nước muối có thể giúp mọi người phục hồi nhanh hơn khi mắc cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, việc làm này chưa được chứng minh là có khả năng ngăn ngừa các nhiễm trùng đường hô hấp.

20. Có ai có đề kháng tự nhiên với Covid-19 hay không?

Hoàn toàn có thể có! Những người có đột biến gen mã hóa thụ thể dành cho virus làm cho virus không thể chui được vào bên trong tế bào là người có khả năng đề kháng tự nhiên với virus.

Tuy nhiên, còn quá sớm để tìm ra người có đề kháng tự nhiên với Covid-19. Hi vọng công nghệ giải mã bộ gen người hiện nay đã rất phát triển cho phép giải trình tự toàn bộ bộ gen người trong thời gian ngắn và giá thành thấp sẽ tạo điều kiện sàng lọc trong số những người nhiễm hoặc phơi nhiễm với Covid-19 nhưng không bị bệnh. Bằng cách đó có thể sẽ tìm ra được những người có đột biến gen tạo khả năng đề kháng tự nhiên với Covid-19.

21. Người mắc Covid-19 một lần đã khỏi, liệu có mắc lại bệnh này nữa không?

Có thể mắc lại. Nếu Covid-19 tạo được miễn dịch bền vững như virus sởi hoặc quai bị thì không bị lại; tuy nhiên điều này chưa thể khẳng định được vì còn quá sớm. Nếu miễn dịch không bền vững, trong giai đoạn đầu mới khỏi bệnh, lượng kháng thể đủ mạnh thì có thể không bị lại; nhưng đến giai đoạn sau, lượng kháng thể đặc hiệu mất dần đi thì vẫn có thể bị lại.

22. Cơ thể người đề kháng với Covid-19 như thế nào?

Là một virus hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện ở người nên chưa ai có đề kháng đặc hiệu với virus. Vì vậy, cơ thể người mới nhiễm Covid-19 lần đầu tiên sẽ đề kháng chống virus bằng những phương thức tự nhiên không đặc hiệu trước (chủ yếu là các yếu tố hóa học trong dịch tiết của niêm mạc đường hô hấp). Nếu cơ chế này chiến thắng thì người đó không bị bệnh. Nếu cơ chế này thất bại thì người đó bị nhiễm mầm bệnh vào bên trong các tế bào.

Đây là cuộc chạy đua giữa một bên là sức tấn công hủy diệt của virus, với một bên là sức đề kháng của cơ thể khống chế sự nhân lên và loại bỏ virus cộng với khả năng tái tạo lại các tế bào đã bị tổn thương do virus. Nếu virus thắng thì bệnh sẽ tiến triển, nếu hệ miễn dịch thắng thì người bệnh khỏi bệnh.

23. Thế nào là tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người bệnh?

Tiếp xúc trực tiếp là “da - chạm - da”, hôn hoặc quan hệ tình dục với người bệnh. Tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của cơ thể người bệnh được coi là tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh.

Tiếp xúc gần là tiếp xúc với bệnh nhân trong cự ly 2m hoặc ở trong cùng một phòng hay khu vực chăm sóc một ca bệnh được khẳng định có bệnh hoặc khả năng bị bệnh trong thời gian kéo dài.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn phân loại người tiếp xúc gián tiếp, đó là những người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19.

24. Những người nào phải cách ly vì dịch Covid-19?

Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không thông báo đến tất cả hành khách từ các nước trên thế giới nhập cảnh vào Việt Nam sẽ phải cách ly 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh từ 00h00 ngày 21/3/2020.

Người đi về từ vùng có dịch dù không có biểu biện bị bệnh hoặc nghi ngờ tiếp xúc với mầm bệnh vẫn phải cách ly. Lý do là những người này hoàn toàn có thể đã bị lây nhiễm virus từ vùng có dịch nhưng chưa có biểu hiện bệnh. Nhóm người này cần cách ly để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Nếu không cách ly nhóm người này mà họ có xuất hiện triệu chứng bệnh thì số người phải cách ly tiếp theo là rất lớn và rất khó kiểm soát triệt để.

Người nhiễm Covid-19 (F0) được điều trị, theo dõi tại bệnh viện chuyên khoa. Qua điều tra dịch tễ F0, những người tiếp xúc trực tiếp (F1) sẽ được cách ly tại cơ sở y tế. Trong khi đó, những người tiếp xúc gián tiếp (người tiếp xúc với F1 là F2, với F2 là F3, với F3 là F4, với F4 là F5) cũng được khuyến nghị cách ly tại cơ sở y tế hoặc tự cách ly tại nhà.

Bộ Y tế đã công bố số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Covid-19 là 1900322819009095, miễn phí mọi cuộc gọi. Người dân cũng có thể liên hệ qua các đường dây nóng của các cơ sở y tế tại địa phương, báo cáo các thông tin về dịch bệnh qua ứng dụng NCOVI trên điện thoại thông minh.

Nguồn: Bộ Y tế

Nguồn: Bộ Y tế

25. Sử dụng chất khử trùng nào để lau các bề mặt, giúp bảo vệ khỏi Covid-19?

Nếu các bề mặt bị bẩn, trước tiên hãy lau sạch bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường và rửa sạch bằng nước. Sau đó sử dụng một chất khử trùng thường dùng trong gia đình như nước tẩy, vì hoạt chất của nó (sodium hypochlorite) có thể giết chết vi khuẩn, nấm và virus. Hãy nhớ luôn bảo vệ tay khi sử dụng thuốc tẩy (như đeo găng tay cao su), và pha loãng thuốc tẩy với nước theo hướng dẫn trên bao bì.

26. Cần vệ sinh nhà cửa như thế nào để hạn chế lây nhiễm Covid-19?

Nên để nhà thoáng khí, hạn chế hoặc không sử dụng điều hòa vì làm không khí tù đọng trong nhà. Nếu có điều kiện nên mở cửa để cho không khí lưu thông. Quét dọn, lau chùi nhà cửa thường xuyên. Đặc biệt, khi có ánh nắng mặt trời nên mở cửa để thông khí và cho ánh nắng mặt trời chiếu vào trong nhà có tác dụng tiêu diệt virus.

Những đồ vật cần vệ sinh thường xuyên để hạn chế lây nhiễm Covid-19 là những đồ vật nhiều người cùng sử dụng: Tay nắm cửa, nút bấm thang máy, tay vịn cầu thang, nút bấm điện thoại dùng chung, mặt bàn dùng chung, thậm chí cả tiền mặt luân chuyển giữa người này với người khác. Các đồ vật của cá nhân nhưng tần suất tiếp xúc cao với bàn tay hay vùng mặt như điện thoại di động, bàn phím máy tính, mặt bàn làm việc,…

CÂU HỎI VỀ TRIỆU CHỨNG

27. Người bị bệnh Covid-19 có biểu hiện gì?

Các triệu chứng lâm sàng ban đầu hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ. Một số trường hợp có thể có đau họng, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Những trường hợp nặng xuất hiện viêm phổi; khó thở do viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS); suy chức năng các cơ quan.

Người nhiễm Covid-19 có thể tiến triển ở nhiều mức độ khác nhau, nặng có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tiến triển, suy chức năng các cơ quan dẫn tới tử vong. Bệnh diễn biến nặng thường xuất hiện ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Tại thời điểm này, các kiểm tra chẩn đoán Covid-19 chỉ có thể được thực hiện tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng virus SAR-CoV-2 đó là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp có người nghi nhiễm Covid-19, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Nguồn: Bộ Y tế

Nguồn: Bộ Y tế

28. Nếu nghi ngờ nhiễm Covid-19, có nên đến các bệnh viện tuyến trung ương để khám và xét nghiệm?

Đối với bệnh Covid-19, người nghi ngờ nhiễm bệnh được tiếp nhận và theo dõi cách ly triệt để, điều trị ở bệnh viện tuyến huyện trở lên. Khi cần thiết, người bệnh sẽ được chuyển tuyến trên. Do đó, nếu nghi bị mắc bệnh Covid-19, người bệnh hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc đường dây nóng tiếp nhận thông tin dịch bệnh Covid-19 (1900322819009095) để được hướng dẫn, thăm khám, không nhất thiết phải đến thẳng các bệnh viện lớn tuyến trung ương để khám và làm xét nghiệm.

Nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp hơn, tùy theo cấp độ dịch, Bộ Y tế và Cục Quân y có thể sẽ đưa ra các quy định khác về phân tuyến, chuyển tuyến cách ly và điều trị người bệnh.

29. Covid-19 có gây quái thai không?

Một số virus nhiễm vào phụ nữ mang thai ảnh hưởng đến thai nhi như virus cúm gây sứt môi hở hàm ếch, virus Zika gây bệnh đầu nhỏ, một số virus có thể gây sẩy thai như Rubella. Chưa thể trả lời được liệu Covid-19 có thể gây ảnh hưởng gì lên thai nhi hay không? Trên thực tế, cần theo dõi dài ngày hậu quả thai sản của những trường hợp bệnh nhân là phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 ở các giai đoạn sớm của thai kỳ.

30. Có thể lấy huyết tương của người bị bệnh Covid-19 đã khỏi bệnh để chữa cho người đang bị bệnh hay không?

Có. Vì trong huyết tương (thành phần dịch lỏng của máu) người bị bệnh đã khỏi có các kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh. Chính các kháng thể này là “vũ khí” giúp cơ thể người bệnh chống lại các tác nhân gây bệnh, góp phần giúp người đó khỏi bệnh.

Truyền huyết tương (hoặc sản phẩm kháng thể tinh chế) của người bị bệnh đã khỏi cho người đang bị bệnh chính là truyền các yếu tố đã giúp người này khỏi bệnh sang cho người khác đang bị bệnh, tương tự như cung cấp “vũ khí” cho người ấy để đánh giặc. Phương pháp này đã được các bác sĩ Hồng Kông áp dụng với bệnh nhân SARS trước đây.

Điều này đòi hỏi người khỏi bệnh phải thực sự khỏi bệnh (không còn virus trong người), xét nghiệm máu có kháng thể trung hòa được virus SAR-CoV-2 và người đó đủ sức khỏe có thể hiến máu tách huyết tương chứa kháng thể kháng Covid-19 để truyền cho bệnh nhân. Ngoài ra, còn phải xem xét các yếu tố khác, bao gồm cả hòa hợp nhóm máu ABO và các xét nghiệm an toàn truyền máu khác, để tránh các tai biến trong điều trị bằng huyết thanh. Thực tế hiện nay, các bác sĩ Trung Quốc cũng đang bắt đầu nghiên cứu thí điểm biện pháp này cho các bệnh nhân nặng.

Diễn tập chuyển bệnh nhân vào khu cách ly. (Ảnh: hcmcpv)

Diễn tập chuyển bệnh nhân vào khu cách ly. (Ảnh: hcmcpv)

CÂU HỎI THƯỜNG NGÀY

31. Phun cồn hoặc clo lên khắp cơ thể có diệt được virus SAR-CoV-2 hay không?

Không! Xịt các chất này lên người có thể gây hại cho quần áo và niêm mạc (mắt, miệng,…). Lưu ý rằng, cồn và clo có thể hữu ích để khử trùng bề mặt, nhưng chúng cần được dùng theo các khuyến cáo phù hợp.

32. Máy sấy tay có hiệu quả trong việc diệt virus SAR-CoV-2 hay không?

Không! Để bảo vệ bản thân khỏi virus Corona chủng mới, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, hoặc dùng dung dịch rửa tay có cồn. Sau khi rửa tay, nên lau khô tay bằng khăn giấy hoặc bằng máy sấy tay.

33. Virus SAR-CoV-2 chỉ gây bệnh ở người già hay người trẻ cũng bị?

Mọi người ở tất cả các lứa tuổi đều có thể bị nhiễm virus SAR-CoV-2.

Những người lớn tuổi và những người có các bệnh nền (như hen, đái tháo đường, bệnh tim) có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng bởi virus mới hơn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người dân ở tất cả các độ tuổi chủ động phòng bệnh cho mình, ví dụ bằng cách thực hiện tốt vệ sinh tay và vệ sinh hô hấp.

34. Vật nuôi trong nhà có truyền virus SAR-CoV-2 hay không?

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, hiện tại, không có bằng chứng cho thấy vật nuôi trong nhà như chó, mèo hay các thú cưng khác có thể nhiễm virus này. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo luôn luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Điều này còn bảo vệ bạn khỏi các vi khuẩn phổ biến và nguy hiểm khác có thể lây cho người như E.coli hay Salmonella.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Bảng cập nhật số ca nhiễm, tử vong và khỏi bệnh liên quan đến dịch Covid-19

Những số liệu về các ca nhiễm, tử vong và khỏi bệnh liên quan đến dịch Covid-19 (virus Corona) tại Trung Quốc, thế giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm (tổng hợp từ tài liệu của Bộ Y tế, Học viện Quân y và WHO) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN