1 giờ, cháy cả 10 năm trồng rừng

Trong đợt nắng nóng kéo dài mấy ngày qua, mức độ cảnh báo cháy rừng ở hầu hết các tỉnh miền Trung đều nâng lên báo động cấp 4-5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Công tác phòng, chống cháy rừng đã được chủ động triển khai, phân công túc trực nghiêm ngặt, nhưng những vụ cháy lớn vẫn xảy ra...

Nguy cơ cháy luôn rình rập

Điển hình là vụ cháy ở tiểu khu 4A, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng chiều 2/5. Đám cháy rộng 25m, dài 2km ở độ cao hơn 540m, đã thiêu rụi hơn 100ha rừng. Chính quyền Đà Nẵng và Quân khu V đã huy động hơn 1.100 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, công an và dân quân để chữa cháy. Đến 2h sáng 3/5, đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.

Trước đó 1 tuần, Hạt trưởng kiểm lâm Liên Chiểu - ông Phan Tiến Dũng - cho biết, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đã triển khai sớm các phương án phòng, chống cháy rừng năm 2012. Riêng các rừng đặc dụng như Hải Vân, nơi có nhiều hoạt động du lịch, tham quan, gần đường giao thông... nên đã nâng mức báo động cháy lên cao nhất. Song, mọi dự lường đã không tránh khỏi cháy. Nguyên nhân vụ cháy ban đầu được xác định do thời tiết khô hanh, độ ẩm thấp, tạo điều kiện cho bom napan (còn sót lại trong chiến tranh) phát nổ, gây cháy.

Hạt phó kiểm lâm Liên Chiểu - ông Phạm Văn Rộng - kể lại, trong đám cháy đã liên tục phát ra những tiếng nổ lớn, vị trí cháy ở trên đỉnh cao của dãy đèo, lại trùng với khu vực sân bay dã chiến của Mỹ ngày xưa, nên có thể khẳng định cháy là do nổ bom mìn sót lại sau chiến tranh. Đây là vụ cháy lớn thứ 3 liên tiếp xảy ra từ năm 2010 đến nay tại rừng Nam Hải Vân.

1 giờ, cháy cả 10 năm trồng rừng - 1

Một vụ cháy rừng ở xã Hoà Định Tây (Phú Hoà, Phú Yên). Ảnh: Hà Thanh

Tại TT-Huế, chiều 30/4 cũng đã xảy ra cháy rừng, thiêu rụi 5ha rừng keo và thông tại thôn Vĩnh Nguyên, thị trấn Phong Điền, cũng cùng nguyên nhân phát nổ một số quả bom napan còn sót lại sau chiến tranh, gây cháy. Còn tại Quảng Ngãi, cũng trong ngày 2/5, trên núi Thiên Ấn, huyện Sơn Tịnh đã xảy ra cháy lớn, thiêu rụi hơn 2ha rừng bạch đàn. Nguyên nhân do trẻ con nghịch lửa...

Theo ông Đặng Đình Nguyên - Chi cục phó KL tỉnh Quảng Nam - hầu hết diện tích các cánh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đều nằm ở khu vực rất xa xôi, hẻo lánh, ngoài trùng điệp cây cổ thụ còn có dây leo bụi rậm, lá cây khô rơi rụng dày đặc trong rừng, chỉ cần có lửa là có thể phát tán nhanh, việc khống chế ngọn lửa không dễ dàng chút nào, bởi trong điều kiện hiện nay, các phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng quá thô sơ.

Trong khi đó, đối tượng khai thác khoáng sản, lâm sản vẫn đang hoành hành, “tiếp tay” cho nguy cơ cháy rừng. Không ít khoảnh rừng trở thành nơi trú ẩn bất hợp pháp của lâm tặc, vàng tặc. Họ sinh sống, dùng lửa nấu ăn dài ngày trong rừng. Bên cạnh đó là việc người dân phát dọn thực bì, đốt rừng làm rẫy.

Thực tế, hầu hết trong hơn chục vụ cháy rừng năm 2011 đều xuất phát từ các nguyên nhân này. Dù với lý do khách quan như bom đạn sót lại sau chiến tranh, tự cháy nổ dưới thời tiết nắng nóng, hay sự vô tình của con người, đều gây nên hậu quả cháy rừng nghiêm trọng. Chính vì thế, ngoài việc đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, kiểm lâm các tỉnh đều nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp 4 (rất nguy hiểm), cấp 5 (cực kỳ nguy hiểm).

1 giờ, cháy cả 10 năm trồng rừng - 2

Sự vô ý của người dân khi đốt rừng làm rẫy, đốt than, đốt ong... đã gây ra nhiều vụ cháy rừng. Ảnh: Thanh Hải

Một giờ cháy cả trăm hécta

Dù chỉ trong vài giờ phát cháy, ngọn lửa đã thiêu rụi hơn cả trăm ha rừng, nhưng việc chữa cháy tại rừng Nam Hải Vân, Đà Nẵng đêm 2/5 được đánh giá rất thành công. Dưới sự chỉ huy trực tiếp tại hiện trường của Thiếu tướng Lê Chiêm - Tư lệnh Quân khu V - hàng ngàn binh sĩ đã xả thân dập lửa chỉ bằng dao rựa và cành cây, nhưng đã dập tắt hoàn toàn đám cháy. Đây là nỗ lực rất lớn bởi đám cháy xảy ra trên núi cao, không có đường lên, không có nước nên các lực lượng chữa cháy chỉ có thể dập cháy bằng phương pháp thủ công thô sơ như làm đường băng cản lửa, cành cây...

Nhưng dẫu sao, rừng Hải Vân vẫn nằm gần trung tâm TP, việc huy động lực lượng cứu hộ đã kịp thời, đông quân số nên mới có thành quả này. Còn lại, những cánh rừng ở TT-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... thì nếu xảy ra cháy, thiệt hại sẽ khôn lường.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh TT-Huế - cho biết: “Hiện nguy cơ cháy rừng ở các địa phương trên toàn tỉnh đang ở cấp 4-5”. TT-Huế hiện có khoảng 294.000ha rừng, trong đó có 90.000ha rừng trồng. Khoảng 20.000ha rừng thông có nguy cơ dễ cháy tập trung ở các huyện A Lưới, Hương Trà và TP.Huế. Nếu để xảy ra cháy, công sức của nhân dân bỏ ra từ 3 - 10 năm nay sẽ phút chốc thành tro bụi.

Bởi vậy, trong các phương án phòng cháy rừng, chính quyền đều tăng cường lực lượng kiểm lâm trên toàn địa bàn (hiện có 239 người, ở địa bàn cấp xã có 80 người). Hiện có 600 tổ với 8.700 người dân thuộc các đội PCCCR sẵn sàng “tham chiến”.

Ông Nguyễn Đại - Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, 11 vụ cháy rừng năm 2011 đều có nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, làm khô nở thực bì cục bộ tại các khu rừng, trong khi, người dân địa phương bất cẩn khi sử dụng lửa đốt nương rẫy, làm vệ sinh rừng sau khai thác, dẫn đến cháy rừng. Quảng Ngãi còn hơn 225.000ha rừng, trong đó, hơn 155.000ha rừng tự nhiên, ở 104 xã có nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào, phương án phòng cháy cũng lấy tuyên truyền làm chính.

Tại Quảng Nam, Chi cục KL tỉnh đặt 14 trạm quan trắc khí tượng cảnh báo cháy rừng, đang phát huy tác dụng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm phương tiện, dụng cụ, bảo hộ PCCCR cho 55 xã trọng điểm cháy rừng. Các địa phương có rừng cũng thành lập được Đội phản ứng nhanh về PCCCR, diễn tập, giả định mọi tình huống cháy rừng. Ngoài ra, đã ký hợp đồng PCCCR với dân tại 107 xã trong vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao.

Ngày 3/5, Bộ NNPTNT đã có công điện gửi các UBND tỉnh, TP có rừng nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Dự báo thời tiết trong thời gian tới tiếp tục nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Các địa phương cần tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức thường trực 24/24h trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm; không để phát sinh nguồn lửa... Vinh Hải

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN