Tìm hiểu về xu hướng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện nay

Đứng thứ 3 về mức độ gây tử vong và thứ 5 về gánh nặng bệnh tật, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hiện là bệnh lý đang được các chuyên gia cảnh báo: cần được phát hiện bệnh sớm và chữa trị đúng cách để giảm thiểu các biến chứng nặng nề.

Thông thường, chúng ta chỉ hay cảnh giác với những bệnh lý nghiêm trọng như: tim mạch, ung thư... mà quên mất rằng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng là căn bệnh nguy hiểm cần đề phòng. Do đó, bài phỏng vấn sau đây với PGS. TS. BS. Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Nguyên Phó trưởng khoa Y, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm, cũng như phương pháp điều trị đúng để COPD không còn là gánh nặng.

Chào bác sĩ, bác sĩ có thể giải thích cho bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) không ạ?

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý gây viêm phế quản mạn tính, phá hủy nhu mô phổi dẫn đến tình trạng tắc nghẽn luồng khí khi thở ra. Nếu không được điều trị kịp thời, theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng.

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh là ho khạc đàm kéo dài 2 năm liên tục. Càng về sau, người bệnh càng có những triệu chứng khó thở khi gắng sức lúc đi bộ, hoạt động nhiều. Bệnh sẽ nặng hơn khi xuất hiện các đợt cấp, bệnh nhân ho khạc đàm nhiều hơn, có khi là đàm mủ.

 Bác sĩ có thể cho biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nguy hiểm như thế nào mà chúng ta không được chủ quan không?

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc: Đầu tiên là bệnh rất nguy hiểm vì gây ra nhiều gánh nặng bệnh tật. Người bệnh vì khó thở mà sẽ bị giới hạn sự vận động, từ đó giảm sức lao động, giảm chất lượng cuộc sống. Nếu trở nặng, bệnh còn có thể gây teo cơ, dẫn đến tàn phế.

Thứ hai là nếu bệnh không được phát hiện và điều trị ngay từ sớm sẽ tiến triển rất nhanh và dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao như: suy hô hấp, tràn khí màng phổi, bệnh tim mạch, đái tháo đường...

 Infographic cung cấp thêm số liệu chứng minh gánh nặng bệnh tật mà COPD mang lại.

 Infographic cung cấp thêm số liệu chứng minh gánh nặng bệnh tật mà COPD mang lại.

Nguy hiểm là vậy, nhưng không biết liệu COPD có thể được điều trị dứt điểm không thưa bác sĩ?

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc: Cũng như hầu hết các bệnh mạn tính khác, COPD không điều trị dứt điểm được, người bệnh phải sống chung với nó bằng cách không chủ quan mà nên thăm khám để được phát hiện bệnh sớm và cần tuân thủ theo sự điều trị của bác sĩ.

Hiện nay, xu hướng điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên thế giới đang áp dụng 2 nhóm biện pháp, và cả 2 đều quan trọng là dùng thuốc và không dùng thuốc. Riêng với biện pháp dùng thuốc hiện nay thì rất may là tất cả các thuốc tốt nhất trên thế giới cũng đều có tại Việt Nam, đặc biệt là những thuốc giãn phế quản có thể tác dụng kéo dài đến 24 giờ, giữ cho bệnh nhân không khó thở, từ đó hỗ trợ việc điều trị bệnh ở Việt Nam hiện nay không thua gì các nước khác.

Infographic tóm tắt 2 nhóm biện pháp điều trị COPD phổ biến hiện nay

Infographic tóm tắt 2 nhóm biện pháp điều trị COPD phổ biến hiện nay

Bác sĩ có lời khuyên hay lưu ý gì cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính để việc điều trị được hiệu quả hơn không?

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc: Thứ nhất là bệnh nhân cần kiên trì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Thứ hai là sử dụng đúng kỹ thuật dụng cụ hít là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta có những loại thuốc tốt nhất nhưng nếu không hít được vào trong phổi thì tác dụng sẽ giảm đi. Do đó bác sĩ phải hướng dẫn cặn kẽ cho bệnh nhân biết cách sử dụng. Có loại dạng xịt phải phối hợp đồng bộ giữa động tác hít vào và động tác bóp ở tay để thuốc đi vào sâu trong phổi. Nếu sử dụng không đúng, không đồng bộ thì thuốc sẽ đọng lại ở vùng hầu họng, không vào phổi được. Mỗi lần bệnh nhân tái khám thì bác sĩ cũng phải kiểm tra lại xem bệnh nhân có làm đúng không, đánh giá lại tình trạng bệnh để điều chỉnh lại động tác của bệnh nhân.

Đặc biệt, với những người trong độ tuổi trung niên có thói quen hút thuốc lá, sống trong môi trường ô nhiễm hay thường làm việc trong những nhà máy có các dấu hiệu như ho, khạc đàm kéo dài thì cần đi khám để phát hiện và điều trị bệnh từ sớm giảm các nguy cơ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Với những lời khuyên hữu ích của PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc kể trên, bạn đọc hẳn đã có cái nhìn tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, từ đó tránh chủ quan và đi khám thường xuyên để có thể phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.

Chương trình giáo dục công chúng do Hội hô hấp và VPĐD GSK thực hiện. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và hiểu hơn về bệnh."

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN