Xung đột Nga - Ukraine: Rạn nứt giữa Mỹ và đồng minh Trung Đông?

Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine trở thành chủ đề chính trong các cuộc bàn luận toàn cầu, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực tập hợp quốc tế để chống lại Mátxcơva. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông đang theo đuổi lợi ích của riêng họ.

Ả-rập Xê-út và UAE

Cuộc xung đột đã phơi bày rạn nứt trong những quan hệ liên minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông, nhất là Ả-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Rạn nứt đó thể hiện rõ ràng khi UAE đón Tổng thống Syria Bashar al-Assad sang thăm vào tuần trước, bất chấp việc Washington nhiều lần cảnh báo chớ bình thường hoá quan hệ với chính phủ ở Damascus. Đó là chuyến thăm đầu tiên của ông Assad đến một quốc gia Ả-rập từ khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011, và sau khi nhà lãnh đạo Syria bày tỏ ủng hộ hoàn toàn chiến dịch của Nga ở Ukraine.

“Ông Assad đến UAE không lâu sau khi UAE bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chiến dịch của Nga ở Ukraine. Điều này nói với chúng ta rằng UAE đang rất nghiêm túc về việc khẳng định sự tự chủ của mình đối với Mỹ”, ông Giorgio Cafiero, nhà phân tích tại hãng tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (Mỹ), nói với Al Jazeera.

Việc Abu Dhabi bỏ phiếu trắng với nghị quyết diễn ra sau khi báo chí đưa tin lãnh đạo của UAE và Ả-rập Xê-út đã từ chối nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đầu tháng này, Wall Street Journal đưa tin Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Thái tử Tiểu vương quốc Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã từ chối cuộc gọi của ông Biden. Nhà Trắng nói đây là thông tin “không chính xác”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ với Ả-rập Xê-út và UAE. Tuần trước, Wall Street Journal đưa tin Ả-rập Xê-út đang bàn với Trung Quốc về việc nhận thanh toán tiền bán dầu mỏ bằng nhân dân tệ, thay vì đồng đô la Mỹ.

Lính Ukraine đi trong một ngôi làng đổ nát ở ngoại ô thủ đô Kiev ngày 21/3 Ảnh: Reuters

Lính Ukraine đi trong một ngôi làng đổ nát ở ngoại ô thủ đô Kiev ngày 21/3 Ảnh: Reuters

“UAE và Ả-rập Xê-út có vẻ đang gửi thông điệp đến Mỹ, rằng chúng tôi đang hành động vì lợi ích của chúng tôi chứ không phải lợi ích theo cách nghĩ của Mỹ”, ông Kristian Coates Ulrichsen, một chuyên gia về Trung Đông tại ĐH Rice (Mỹ), nói với Al Jazeera. Ông Cafiero cho rằng UAE không quay lưng với Mỹ, vì Washington vẫn là bên bảo đảm an ninh cho Abu Dhabi. Theo nhà nghiên cứu này, UAE đang có vị thế rất mạnh ở Mỹ, nhất là sau khi đi đầu để thúc đẩy các nước Ả-rập bình thường hoá quan hệ với Israel thông qua Hiệp định Abraham. “Lãnh đạo Abu Dhabi tự tin rằng họ có thể đi những bước khiến Washington thất vọng, như chào đón ông Assad đến Dubai và Abu Dhabi, mà không phải trả giá trong quan hệ với Mỹ”, ông Cafiero nhận định.

Tuy nhiên, Washington đã chỉ trích công khai Abu Dhabi vì chuyến thăm của ông Assad. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói rằng Mỹ “thất vọng sâu sắc”, cho rằng chuyến thăm của ông Assad là “nỗ lực rõ ràng nhằm hợp pháp hoá” chính quyền Syria hiện nay.

Việc Abu Dhabi thúc đẩy bình thường hoá với ông Assad đã diễn ra mấy năm nay, bất chấp phản đối của Mỹ. Tuy nhiên, nỗi bận tâm chính của UAE với Mỹ là vấn đề Yemen chứ không phải Syria, giới phân tích nhận định.

Khác biệt lợi ích

Phiến quân Houthi ở Yemen gia tăng số vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào UAE và Ả-rập trong tháng 1 và 2 năm nay, trong khi hai quốc gia này quan ngại về điều họ cho là “phản ứng kiềm chế của Mỹ”, Wall Street Journal đưa tin. Lãnh đạo của UAE và Ả-rập Xê-út muốn chính quyền Biden dán nhãn cho lực lượng Houthi là nhóm “khủng bố”, bước đi mà các tổ chức nhân quyền cảnh báo là sẽ càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen.

Bất chấp những mâu thuẫn đó, chính quyền Biden khẳng định vẫn muốn duy trì và cải thiện quan hệ với các đối tác vùng Vịnh. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 10/3 rằng, ông Biden đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman vào tháng 2 và khẳng định “trọng tâm của Tổng thống là đưa quan hệ song phương tiến về phía trước”.

Theo ông Cafiero, Tổng thống Mỹ đang cố tránh đối đầu với các đối tác vùng Vịnh vì ông cần thống nhất các đồng minh để đối phó với Nga.

Từ năm ngoái Mỹ đã kêu gọi tăng cường nguồn cung cấp dầu để hạ giá. Tuy nhiên, nhóm OPEC+, bao gồm Nga, Ả-rập Xê-út và UAE, khẳng định hồi đầu tháng này rằng họ sẽ vẫn duy trì kế hoạch sản xuất hiện tại. Ngày 9/3, Đại sứ quán UAE ở Washington bày tỏ ủng hộ việc bơm thêm dầu. Nhưng vài giờ sau đó, Bộ trưởng Năng lượng UAE viết trên Twitter rằng, nước này sẽ tuân thủ thoả thuận với OPEC+.

Ông Ulrichsen cho biết, UAE và Ả-rập Xê-út hành động như thể họ có vị thế mặc cả với ông Biden, khi nhà lãnh đạo Mỹ đang phải chịu nhiều sức ép trong nước từ việc giá nhiên liệu tăng vọt. “Họ có thể cảm thấy vị thế yếu của ông Biden. Và họ có thể nghĩ rằng, chơi rắn sẽ giúp họ nhận được nhiều nhượng bộ hơn. Đó có thể là một phần trong tính toán”, ông Ulrichsen nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Điện Kremlin nói về kịch bản có thể dùng đến vũ khí hạt nhân

Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói Nga chưa đạt được mục tiêu ở Ukraine, cũng như đưa ra quan điểm về việc trong trường hợp nào Nga cần dùng tới vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN