Truy tìm 'Bệnh X' lây nhanh như COVID-19, nguy hiểm như Ebola

Một bệnh nhân ở Congo xuất hiện triệu chứng ban đầu của Ebola nhưng cho kết quả âm tính khiến chuyên gia cảnh báo về nguy cơ bùng phát "Bệnh X" còn nguy hiểm hơn COVID-19.

Xuất hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết như sốt cao và tiêu chảy, nữ bệnh nhân ngồi lặng lẽ trên giường ôm hai đứa trẻ trong phòng một bệnh viện ở Ingende, một thị trấn xa xôi của Cộng hòa Dân chủ Congo để chờ kết quả xét nghiệm Ebola.

Căn bệnh bí ẩn lây nhanh như COVID-19,  nguy hiểm như Ebola

Cô chỉ có thể giao tiếp với người thân thông qua một cửa sổ quan sát bằng nhựa trong. Danh tính của cô được giữ bí mật để tránh bị người dân địa phương kỳ thị vì lo ngại nhiễm Ebola. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm Ebola của cô và hai con đều âm tính, theo đài CNN.

Bác sĩ Dadin Bonkole làm việc tại Vùng đỏ Ebola của bệnh viện Ingende. Ảnh: CNN

Bác sĩ Dadin Bonkole làm việc tại Vùng đỏ Ebola của bệnh viện Ingende. Ảnh: CNN

“Chúng tôi tiếp nhận những trường trường hợp có biểu hiện rất giống Ebola, nhưng khi chúng tôi làm xét nghiệm thì cho kết quả âm tính” – người đứng đầu dịch vụ y tế ở Ingende, bác sĩ Christian Bompalanga cho biết.

“Chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm bổ sung để tìm hiểu xem điều gì đang thực sự xảy ra” – ông nói thêm.

Tuy vậy, câu hỏi lẩn quẩn trong tâm trí của mọi người là: Điều gì sẽ xảy ra nếu người phụ nữ này không mắc Ebola? Thay vào đó, điều gì sẽ xảy ra nếu cô là bệnh nhân số 0 mắc “Bệnh X”- căn bệnh lây nhiễm mới có khả năng lây lan nhanh khắp thế giới giống như COVID-19 và có tỉ lệ tử vong 50% - 90% giống như Ebola?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “Bệnh X” có tồn tại, một bệnh mà các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng lo ngại có thể dẫn tới một dịch bệnh trầm trọng khắp thế giới một khi bùng phát. Đây không phải là một viễn cảnh của khoa học viễn tưởng, mà là một mối lo có cơ sở khoa học.

“Tất cả chúng tôi đều lo sợ. Ebola cũng không phải. COVID-19 cũng không phải. Chúng ta phải lo ngại những căn bệnh mới” – bác sĩ Dadin Bonkole điều trị cho nữ bệnh nhân trên nói.  

Mối đe dọa cho nhân loại

Nhân loại đối mặt với vô số loại virus mới có khả năng gây tử vong xuất hiện từ các khu rừng mưa nhiệt đới của châu Phi, theo Giáo sư Professor Jean-Jacques Muyembe Tamfum, người giúp phát hiện virus Ebola năm 1976.

“Chúng ta hiện nay đang ở trong một thế giới nơi các mầm bệnh mới sẽ xuất hiện. Và đó là những gì sẽ tạo thành mối đe dọa cho nhân loại” – ông Muyembe nói.

Tại một phòng thí nghiệm ở TP Mbandaka (Congo), các nhà sinh thái học chuẩn bị lấy mẫu máu từ một con dơi bắt được trong rừng. Ảnh: CNN

Tại một phòng thí nghiệm ở TP Mbandaka (Congo), các nhà sinh thái học chuẩn bị lấy mẫu máu từ một con dơi bắt được trong rừng. Ảnh: CNN

Khi còn là một nhà nghiên cứu trẻ tuổi, ông Muyembe đã lấy những mẫu máu đầu tiên của các bệnh nhân mắc một căn bệnh bí ẩn gây xuất huyết và giết chết khoảng 88% bệnh nhân và 80% nhân viên làm việc tại bệnh viện Yambuku Mission (Congo) khi căn bệnh được phát hiện lần đầu.

Các mẫu máu được gửi đến Bỉ và Mỹ. Tại đây, các nhà khoa học phát hiện một loại virus có hình con giun. Họ gọi đó là Ebola, theo tên con sông gần với ổ dịch ở Zaire.

Việc xác định Ebola dựa vào một chuỗi liên kết giữa những vùng xa xôi nhất ở châu Phi với các phòng thí nghiệm công nghệ cao của phương Tây. Hiện nay, phương Tây phải dựa vào các nhà khoa học ở Congo và những nơi khác để dự báo và cảnh báo về những căn bệnh có thể bùng phát trong tương lai.

Tại Ingende, nỗi lo về sự bùng phát của một loại virus mới chết người vẫn còn hiện hữu dù nữ bệnh nhân có các triệu chứng tương tự Ebola đang hồi phục. Các mẫu của cô đã được xét nghiệm tại chỗ và được gửi tới Viện Nghiên cứu Y sinh quốc gia Congo (INRB) ở thủ đô Kinshasa. Tại đây, các mẫu được xét nghiệm thêm để kiểm tra có mắc những bệnh khác hay không nhưng tất cả đều cho kết quả âm tính. Căn bệnh mà người phụ nữ này mắc phải vẫn còn là ẩn số.

Trả lời CNN, ông Muyembe cảnh báo nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người có nguy cơ bùng phát.

Bệnh sốt da vàng, các dạng cúm khác, bệnh dại, bệnh brucellosis và bệnh Lyme là những căn bệnh lây từ động vật sang người và thường là qua động vật gặm nhấm hoặc côn trùng.

Sự lây lan của virus HIV bắt nguồn từ một loại tinh tinh và trở thành đại dịch toàn cầu. SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nặng), MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) và COVID-19 tất cả đều là virus truyền sang người từ các “ổ chứa” không xác định – thuật ngữ các nhà virus học dùng để chỉ các vật chủ tự nhiên của virus trong giới động vật. COVID-19 được cho có nguồn gốc từ loài dơi ở Trung Quốc.

Ông Muyembe cho rằng các đại dịch trong tương lai có thể tồi tệ hơn cả COVID-19.

Cảnh báo hậu quả khó lường từ việc buôn bán thú hoang

Ông Muyembe hiện điều hành INRB ở Kinshasa.

Trong khi một số nhà khoa học vẫn ngồi trong văn phòng chật chội ở khuôn viên INRB cũ kĩ, nơi ông Muyembe lần đầu nghiên cứu về virus Ebola, các phòng thí nghiệm hoàn toàn mới đã mở cửa hồi tháng 2. IRNB được Nhật, Mỹ, WHO, Liên minh châu Âu (EU) và những nhà tài trợ quốc tế khác như các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức và học viện hỗ trợ.

Chợ bán thịt rừng ở cảng Kinshasa (Congo). Cá xông khói cũng được bán ở đây. Ảnh: CNN

Chợ bán thịt rừng ở cảng Kinshasa (Congo). Cá xông khói cũng được bán ở đây. Ảnh: CNN

Được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ và WHO hỗ trợ, những phòng thí nghiệm ở INRB là hệ thống cảnh báo sớm của thế giới về những đợt bùng phát dịch bệnh mới chẳng hạn như Ebola và có lẽ quan trọng hơn là những căn bệnh mà chúng ta vẫn chưa phát hiện.

“Nếu có một mầm bệnh xuất hiện từ châu Phi thì nó sẽ cần thời gian để lây lan khắp thế giới. Vì vậy, nếu loại virus này được phát hiện sớm – giống như tại tổ chức của tôi đây thì châu Âu và phần còn lại của thế giới sẽ có cơ hội phát triển chiến lược mới để chống những mầm bệnh mới này” – ông Muyembe nói.

Cách thức chính xác con người mắc Ebola đến nay vẫn còn là ẩn số, song giới khoa học tin rằng các bệnh lây truyền từ động vật sang người như Ebola hay COVID-19 sẽ tăng vọt khi ngày càng nhiều động vật hoang dã bị giết thịt.

Cái gọi là “thịt rừng” (bushmeat) là nguồn cung cấp protein truyền thống cho những người sống ở những khu rừng mưa. Tuy nhiên, hiện nay, “thịt rừng” đã được buôn bán bên ngoài khu vực bắt nguồn và được xuất khẩu trên toàn cầu. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 5 triệu tấn thị rừng được khai thác từ lưu vực sông Congo mỗi năm.

“Bệnh X” có thể đang tiềm ẩn bên trong bất kỳ động vật nào bị săn bắt để giết thịt. Nguồn thịt này được người nghèo mang đến những khu thành thị phục vụ nhu cầu khẩu vị và thú cưng của người giàu.

Các nhà khoa học từng liên hệ hình thức chợ bán đồ tươi sống này với những căn bệnh truyền nhiễm từ động vật. Virus cúm H5N1 và SARS cả hai đều có nguồn gốc từ chúng. Nguồn gốc chính xác của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, mối nghi ngờ lớn nhất vẫn tập trung vào các khu vực bán đồ tươi sống, nơi bán động vật sống và giết thịt.

Khỉ đột ở khu rừng giáp Congo và Rwanda. Ảnh: Simon Maina/ Getty Images

Khỉ đột ở khu rừng giáp Congo và Rwanda. Ảnh: Simon Maina/ Getty Images

Việc thương mại hóa về buôn bán thịt rừng là con đường tiềm ẩn để dịch bệnh lây lan. Đây còn là dấu hiệu của sự tàn phá rừng mưa nhiệt đới Congo – khu rừng lớn thứ hai thế giới sau Amazon. Hầu hết sự tàn phá rừng do nông dân địa phương gây ra. Ước tính khoảng 84% việc phá rừng là để nhường chỗ cho nông nghiệp quy mô nhỏ.

“Nếu các bạn đi vào rừng… các bạn sẽ thay đổi hệ sinh thái; các loài côn trùng và chuột sẽ rời khỏi nơi này và đi vào làng… Vì vậy, đây là sự lây truyền virus, lây truyền mầm bệnh mới” – ông Muyembe nói.

Một khi có loại virus mới lây sang người, hậu quả có thể vô cùng tàn khốc. COVID-19 đã cho thấy điều đó và Ebola là minh chứng xác thực. Hầu hết các ấn phẩm khoa học đều giả định rằng sẽ xuất hiện thêm mầm bệnh khi con người tiếp tục tàn phá môi trường sống hoang dã.

Nga điều tra Bệnh X ở Congo

Cơ quan giám sát an toàn người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) đang theo dõi thông tin về sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm mới, và đặc biệt theo dõi tình hình ở Cộng hòa Dân chủ Công sau khi có báo cáo về Bệnh X, theo hãng tin TASS.

“Rospotrebnadzor đang theo dõi chặt chẽ các báo cáo về khả năng bùng phát bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào, cả bệnh truyền nhiễm mới lẫn bệnh truyền nhiễm tái phát, trên khắp thế giới. Không có trường hợp nào có triệu chứng tương tự được phát hiện tại Nga” – Rospotrebnadzor cho biết.

Rospotrebnadzor chỉ ra rằng không có đủ thông tin để xác định nguồn gốc của Bệnh X tại Congo, song cho rằng bệnh này “có bản chất virus”. Bên cạnh đó, dữ liệu không đủ để đưa ra giả định về mức độ lây lan và chết người của bệnh này cũng như nguy cơ bùng phát, nhưng “không nên đánh giá thấp mối đe dọa”.

“Sự xuất hiện của dịch bệnh mới, kể cả những bệnh có khả năng xảy ra đại dịch, là một phần của quá trình tiến hóa tự nhiên. Vì thế, sự đa dạng hóa của vi sinh vật xung quanh chúng ta phải được nghiên cứu thường xuyên và có hệ thống” – Rospotrebnadzor cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

3 dịch bệnh quái ác ”ngóc đầu” trở lại khi thế giới đang quay cuồng vì Covid-19

Tác động của dịch Covid-19 đang khiến lao phổi – căn bệnh quái ác khiến hơn 1,5 triệu người trên thế giới tử vong mỗi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRI TÚC ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN