Trận xe tăng hạng nặng Mỹ lần đầu đấu hỏa lực huyền thoại T-34 Triều Tiên

Trong bối cảnh quân đội Triều Tiên và Mỹ giao tranh ác liệt, lính thủy đánh bộ Mỹ lần đầu đưa đến phòng tuyến số ít xe tăng hạng nặng M-26 Pershing và mẫu xe tăng này có cơ hội đọ hỏa lực với T-34 của Triều Tiên.

Trận xe tăng hạng nặng Mỹ lần đầu đấu hỏa lực huyền thoại T-34 Triều Tiên - 1

Mỹ từng đưa các xe tăng hạng nặng M-26 chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Quân đội Triều Tiên đã có lúc tưởng chừng sắp quét sạch lực lượng Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Mỹ khỏi bán đảo trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Lực lượng Mỹ và Hàn Quốc ở giai đoạn đầu khá yếu, không có sự chuẩn bị và không có khí tài tương xứng, dẫn đến kết cục là bị đẩy lùi đến Vành đai Pusan, mạng lưới phòng thủ được Mỹ xây dựng xung quanh thành phố cảng, nằm ở phía đông nam của bán đảo Triều Tiên. 

Nhưng lính thủy đánh bộ Mỹ đã làm nên điều thần kỳ khi gia cố phòng tuyến này trong thời gian ngắn. Hàng loạt các trang thiết bị vũ khí được Mỹ đổ vào khu vực này khiến đợt tấn công như vũ bão của quân Triều Tiên chững lại.

Một trong những lực lượng được đưa đến Vành đai Pusan là Lữ đoàn lính thủy đánh bộ tạm thời số 1, trong khi sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1 vẫn đang hình thành.

Lữ đoàn này được trang bị số ít các xe tăng hạng nặng M-26 Pershing. Mẫu xe tăng xuất hiện từ cuối Thế chiến 2. Ở thời điểm đó, xe tăng T-34 của Triều Tiên gần như bất khả chiến bại trước mọi loại xe tăng hạng nhẹ và vũ khí chống tăng.

Các tướng lĩnh Mỹ chưa hề biết nếu hai mẫu xe tăng này gặp nhau thì chuyện gì xảy ra, nhưng họ hi vọng vào pháo chính cỡ nòng 90mm của M-26 Pershing.

Sức ép của quân Triều Tiên lên Vành đai Pusan yếu dần khi Mỹ tăng cường sức mạnh đến khu vực này. Từ giữa tháng 8.1950, người Mỹ dần đẩy lùi quân Triều Tiên.

Trận xe tăng hạng nặng Mỹ lần đầu đấu hỏa lực huyền thoại T-34 Triều Tiên - 2

Xe tăng M-26 của Mỹ thể hiện ưu thế vượt trội trong Chiến tranh Triều Tiên.

Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ được giao nhiệm vụ chiếm sườn núi Obong-Ni, hay còn gọi là “Sườn núi Không tên”. Yểm trợ cho họ là 4 xe tăng M-26 do Trung úy Granville Sweet chỉ huy.

Sư đoàn bộ binh số 4 của Triều Tiên đưa đến khu vực này một tiểu đoàn xe tăng thuộc đơn vị 109. Ban ngày, giao tranh diễn ra ác liệt và người Mỹ dựng hàng rào phòng thủ khi đêm đến. Các xe tăng cũng được rút về tiếp nhiên liệu.

Nhưng vào lúc 8 giờ tối, lính Mỹ nhận được cảnh báo màu tím, nghĩa là xe tăng đối phương tấn công. Trung úy Sweet ra lệnh cho 4 xe tăng M-26 của mình tiến lên phía trước với đội hình 3 xe tăng đi đầu để nếu như bị phá hủy thì xác xe tăng cũng sẽ chặn đường đối phương.

Xe tăng chỉ huy của Sweet có một chút trục trặc nên phải đi phía sau. Con đường mòn với nhiều khúc cua tạo cơ hội để xe tăng Mỹ phát hiện ra kẻ thù trước.

Ở cuối đường, 4 chiếc T-34 tiến đến gần hơn, đe dọa cô lập lực lượng bộ binh Mỹ đang giao tranh ác liệt. Lính Mỹ chống trả bằng súng không giật và bazooka. Bình xăng phụ xe tăng Triều Tiên bốc cháy nhưng không hề hấn gì.

4 chiếc T-34 tiếp tục tiến lên phía trước, đến nơi xe tăng hạng nặng M-26 của Mỹ đã chờ sẵn. Đây được coi là trận đấu tăng đầu tiên giữa lính thủy đánh bộ Mỹ và quân Triều Tiên.

Trung sĩ Cecil Fullerton phát hiện ra chiếc T-34 đầu tiên và khai hỏa bằng đạn xuyên thép siêu tốc (HVAP). Fullerton phàn nàn với đồng đội rằng mình bắn trượt, nhưng không phải như vậy.

Cả 3 phát đạn đều xuyên qua xe tăng T-34. Một trong những phát đạn trúng vào giữa thân T-34, giết chết pháo thủ xe tăng Triều Tiên và làm bị thương người nạp đạn.

Mảnh đạn xuyên qua chiếc T-34, văng đến ngọn đồi gần đó khiến lính Mỹ đóng quân ở đó tưởng rằng họ bị tấn công. Chiếc T-34 trúng đạn dần dần dừng lại.

Trận xe tăng hạng nặng Mỹ lần đầu đấu hỏa lực huyền thoại T-34 Triều Tiên - 3

Xác xe tăng T-34 của Triều Tiên.

Xe tăng T-34 thứ hai di chuyển sang một bên để tìm góc bắn và bị trúng nhiều phát đạn, bao gồm cả loạt đạn vào nòng pháo, khiến nó mất khả năng chống trả.

Chiếc T-34 thứ ba đã có thời gian chuẩn bị nên bắn trả nhiều phát đạn vào xe tăng M-26, nhưng cũng nhanh chóng bị loại khỏi vòng chiến đấu vì hỏa lực yếu thế hơn.

3 trong số kíp lái xe tăng T-34 nhảy ra ngoài và biến mất trong đêm tối. Chiếc T-34 cuối cùng, có chỉ huy tiểu đoàn xe tăng Triều Tiên, rút lui nhưng cũng bị bộ binh Mỹ vây chặt và vô hiệu hóa.

Những chiếc M-26 kết liễu xe tăng này bằng loạt đạn liên hồi, khiến nó bốc cháy trong đêm, đến mức Trung úy Sweet phải ra lệnh ngừng bắn.

Trong cuộc đấu xe tăng, một vài chiếc M-26 bị trúng đạn và bốc cháy, nhưng không quá nghiêm trọng. Các xe tăng này nhanh chóng được đưa về sửa chữa để sẵn sàng cho các trận đánh tiếp theo.

Có thể nói, trận đánh xe tăng ở Vành đai Pusan cho thấy giáp bọc thép của T-34 không thể chống đỡ được pháo chính cỡ nòng 90mm trên chiếc M-26.

Giai thoại về huyền thoại xe tăng T-34 Triều Tiên cũng chấm dứt từ đó. Nhưng cuộc đấu tăng sau này chỉ càng khẳng định rằng xe tăng Mỹ vượt trội hơn hẳn mẫu xe tăng Triều Tiên do Liên Xô sản xuất.

Trận đánh Triều Tiên bắt sống tướng chỉ huy quân đội Mỹ

Thiếu tướng Mỹ chỉ huy sư đoàn bộ binh số 24 có lẽ không bao giờ ngờ rằng ông có ngày bị quân địch bắt sống, giam...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN