Thêm quốc gia châu Âu tuyên bố "không giữ được trung lập"

Việc người dân Đan Mạch đồng ý tham gia Chính sách an ninh và phòng thủ chung (CSDP) của Liên minh châu Âu (EU) đánh dấu một "bước ngoặt” đối với tình hình an ninh châu Âu, Bloomberg nhận xét.

Thủ tướng Đan Mạch – bà Mette Frederiksen (ảnh: SCMP)

Thủ tướng Đan Mạch – bà Mette Frederiksen (ảnh: SCMP)

Hôm 1.6, chính phủ Đan Mạch cho biết khoảng 2/3 cử tri nước này đã ủng hộ việc tham gia CSDP – động thái nhiều khả năng dẫn đến bước thay đổi lớn của nước này về chính sách quốc phòng.

“Khi xung đột xảy ra trên lục địa của chúng ta, chúng ta không còn có thể giữ được trung lập”, Thủ tướng Đan Mạch – bà Mette Frederiksen – phát biểu từ Copenhagen.

Đan Mạch hiện là quốc gia duy nhất trong số 27 nước thành viên EU chưa tham gia CSDP của khối. Trước khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Đan Mạch đã nhiều lần tìm cách né tránh những lời thúc giục của ban lãnh đạo EU về việc tham gia CSDP.

Là một trong những thành viên sáng lập NATO, nhưng hàng thập kỷ qua, Đan Mạch vẫn cố gắng duy trì thái độ trung lập trước các cuộc xung đột trên thế giới và không tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với khối. Ngân sách quốc phòng của Đan Mạch thậm chí còn không đạt 2% GDP, mức yêu cầu tối thiểu mà NATO đề ra, theo Bloomberg.

Đài truyền hình DR của Đan Mạch hôm 1.6 đưa tin, trong cuộc trưng cầu dân ý mới nhất, 66,9% cử tri nước này đã thể hiện nguyện vọng tham gia CSDP, trong khi 33,1% còn lại phản đối.

“Đây là sự ủng hộ lớn nhất từ trước đến nay ở Đan Mạch về việc tham gia CSDP”, bà Mette Frederiksen nhấn mạnh.

Đan Mạch nhiều khả năng sẽ tham gia CSDP giữa xung đột Nga – Ukraine (ảnh: SCMP)

Đan Mạch nhiều khả năng sẽ tham gia CSDP giữa xung đột Nga – Ukraine (ảnh: SCMP)

Hồi tháng 3, chính quyền của bà Mette Frederiksen tuyên bố, Đan Mạch phải đóng một vai trò lớn hơn trong các hoạt động quân sự để mang lại ổn định cho châu Âu.

“Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy sự thay đổi lớn về chính sách an ninh và quốc phòng của Đan Mạch trong tình hình mới. Tương tự như những gì chúng ta thấy ở Đức”, Lykke Friis – giám đốc Trung tâm phân tích Europa – nhận xét.

Trước đó, hôm 29.5, chính phủ Đức và phe đối lập đã đạt thỏa thuận giải ngân 107 tỷ USD nhằm tạo một khoản ngân sách đặc biệt nhằm hiện đại hóa quân đội. Phần Lan và Thụy Điển – 2 nước Bắc Âu vốn có truyền thông trung lập – gần đây cũng tỏ thái độ quyết tâm gia nhập NATO.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 1.6, không có cử tri nào ở Đan Mạch lo ngại về việc tham gia CSDP sẽ khiến ngân sách nước này gặp khó khăn. Mới đây, Đan Mạch đã cam kết tăng chi tiêu quân sự từ 1,3% GPD lên 2% GPD vào năm 2033 để đạt yêu cầu mà NATO đề ra cho mỗi thành viên.

“Đan Mạch đang phát tín hiệu rất rõ ràng rằng, chúng tôi sẽ không đi sau các đối tác và láng giềng khi họ cùng có sự thay đổi. Đó là tín hiệu quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov phát biểu trước quốc hội nước này hôm 1.6.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo Nga nêu 3 câu hỏi lớn với Ukraine

Xung đột Nga – Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 với những cuộc giao tranh khốc liệt ở phía bắc, phía nam và phía đông Ukraine, nhưng chiến trường quyết định nhất vẫn là Donbass.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – Bloomberg ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN