Thế giới cán mốc 300 triệu ca COVID-19, chuyên gia nói số ca không còn nhiều ý nghĩa

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Thế giới mất hơn một năm để cán mốc 100 triệu ca mắc COVID-19 đầu tiên, nhưng lại chỉ mất chưa đầy 5 tháng để tăng từ 200 triệu lên 300 triệu ca.

Ảnh minh hoạ: Reuters

Ảnh minh hoạ: Reuters

Kể từ khi đại dịch bùng phát cuối năm 2019 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 luôn được coi là một trong những chỉ số quan trọng, là tiêu chí để các quốc gia đánh giá nguy cơ lây lan trong cộng đồng, từ đó ban hành các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Tuy nhiên, việc số ca bệnh vượt mốc 300 triệu vào ngày 6/1 - theo thống kê của Đại học Johns Hopkins đã khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu chúng ta có nên ngừng tập trung vào việc kiểm đếm số ca bệnh hay không.

“Khi dịch bệnh kéo dài và các ca bệnh trở nên nhẹ hơn, tốt hơn hết là chúng ta nên tập trung theo dõi số ca nhập viện”, bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của chính phủ Mỹ cho biết trên ABC News.

Đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nặng, và vắc xin vẫn là tấm khiên chắn hiệu quả để bảo vệ người dân khỏi nguy cơ nhập viện/tử vong.

Tại Mỹ, Úc, Pháp và nhiều quốc gia khác, số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng nhanh hơn bao giờ hết và liên tục chạm mốc kỷ lục. Ngày 5/1, Liên minh Châu Âu (EU) ghi nhận thêm 1,02 triệu ca mắc COVID-19, phá kỷ lục gần 900.000 ca của ngày 4/1. Nhưng số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 lại tăng chậm hơn.

Trong một tháng qua, số ca mắc mới hằng ngày ở Mỹ đã tăng gấp 5 lần, nhưng số ca nhập viện lại chỉ tăng gấp đôi. Tại Pháp, số ca mắc mới tăng gấp 4 lần và chạm mức kỷ lục, trong khi số ca nhập viện tăng 70% và số ca tử vong tăng gấp 2 lần.

Xu hướng này cho thấy công thức “tăng số ca bệnh, sau đó tăng số ca nhập viện và tử vong” đã thay đổi, phần lớn là do sự bảo vệ của vắc xin.

Ngoài ra, do kit test nhanh tại nhà đang trở nên phố biến và nhiều người nhận kết quả dương tính nhưng không báo cho cơ quan chức năng, nên số ca bệnh được kiểm đếm đôi khi không phản ánh đúng tình hình thực tế. Ngay cả trước khi Omicron xuất hiện, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ước tính rằng số ca bệnh được báo cáo ở nước này chỉ tương đương khoảng 25% con số thực.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số ca tử vong ở các quốc gia tính đến thời điểm hiện tại thì chắc chắn không ít người vẫn không khỏi giật mình. Hơn 830.000 người đã chết ở Mỹ, 620.000 người ở Brazil và gần nửa triệu người ở Ấn Độ.

Biến thể Omicron có thể không khiến số ca tử vong ở các nước giàu tăng đột biến, nhưng sự lây lan của nó vẫn sẽ khiến các nước nghèo - nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp - phải lao đao.

Phát biểu hôm 6/1, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus lặp lại lời kêu gọi về sự công bằng trong việc phân phối và tiếp cận vắc xin trên toàn cầu. Vì với tốc độ hiện tại, khoảng 109 quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ không đạt được mục tiêu của WHO là tiêm chủng đủ liều cho 70% dân số trước tháng 7/2022.

Cố vấn của WHO - ông Bruce Aylward cho biết hiện có 36 quốc gia/vùng lãnh thổ thậm chí chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 10%. Ông nói thêm, rằng trong số những bệnh nhân nặng trên toàn thế giới, 80% không được tiêm chủng.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo TQ: Có hỗn loạn ở thành phố 13 triệu dân bị phong tỏa

Vụ việc sản phụ mang thai 8 tháng mất con vì quy định ngừa Covid-19 chỉ là một trong số nhiều vấn đề mà giới chức Tây...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Hạnh - Straitstimes ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN