Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc và khoảng cách với Mỹ

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Trung Quốc những năm qua liên tục tuyên bố đạt được các thành tựu trong ngành hàng không vũ trụ nhưng so với Mỹ thì chênh lệch vẫn còn rất lớn.

Ngày 17-6, Trung Quốc (TQ) tuyên bố phóng thành công tàu vũ trụ Thần Châu-12, đưa ba phi hành gia nước này vào khoang lõi Thiên Hòa của trạm vũ trụ Thiên Cung do TQ đưa vào vận hành hồi tháng 4, theo Reuters.

Các phi hành gia dự kiến sẽ ở trên trạm trong ba tháng tới để thực hiện các nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì, chuyển đổi thiết bị và thí nghiệm khoa học. Đây cũng là sứ mệnh ngoài vũ trụ dài nhất từ trước đến nay của các phi hành gia nước này.

Sau Thần Châu-12, sẽ có thêm tàu chở hàng Thiên Châu-3 và tàu vũ trụ Thần Châu-13 dự kiến được phóng đi vào tháng 9 và tháng 10 năm nay.

Trung Quốc và tham vọng thành cường quốc vũ trụ

Sau đợt phóng tàu vũ trụ Thần Châu-11 hồi tháng 10-2016, chuyến bay của Thần Châu-12 lần này được đánh giá là bước tiến lớn trong tham vọng duy trì hiện diện thường trực ngoài vũ trụ của TQ. Tuy phóng tên lửa có người lái chậm hơn Mỹ và Nga hàng chục năm, Bắc Kinh lâu nay vẫn không hề giấu giếm ý muốn cạnh tranh với Washington.

Trong một cuộc nói chuyện với các phi hành gia trên tàu vũ trụ Thần Châu-10 hồi năm 2013 qua video, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình từng nói: “Giấc mơ không gian là một phần trong giấc mơ giúp TQ mạnh hơn. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của ngành hàng không vũ trụ, người TQ có những bước tiến lớn hơn, xa hơn trong khám phá không gian và trở thành thủ lĩnh của nhân loại trong lĩnh vực này”.

Trong khi đó, một bài xã luận đăng hôm 17-6 khi Thần Châu-12 vừa rời đi của tờ Hoàn Cầu thời báo, trực thuộc tờ Nhân Dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản TQ, tiếp tục khẳng định đây là một cột mốc mới cho ngành hàng không vũ trụ TQ.

Tàu vũ trụ Thần Châu-12 được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi, phía tây bắc Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Tàu vũ trụ Thần Châu-12 được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi, phía tây bắc Trung Quốc. Ảnh: REUTERS

Sau khi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025 sau 27 năm hoạt động, Thiên Cung sẽ trở thành trạm vũ trụ duy nhất trong không gian. TQ sẽ trở thành quốc gia duy nhất sở hữu trạm không gian có người cư trú hoạt động thường xuyên xung quanh Trái đất. 

“Khi tên lửa đưa tàu Thần Châu-12 lên không trung, nó giống như một mũi giáo xuyên thủng sự bao vây công nghệ nghiêm ngặt của Mỹ. Đây không chỉ là giây phút phấn khích của người dân TQ, mà còn là thời khắc thất vọng đối với phe ủng hộ phong tỏa và tách rời TQ và Mỹ” - Hoàn Cầu thời báo tuyên bố. Việc phóng Thần Châu-12 diễn ra gần một tháng trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập đảng Cộng sản TQ. Do đó, sự kiện không chỉ mang ý nghĩa to lớn về mặt khoa học mà còn mang thông điệp chính trị, thể hiện rõ “niềm tự hào dân tộc của TQ”.

Theo báo South China Morning Post, xương sống cho tham vọng chinh phục vũ trụ của TQ là loạt tên lửa đẩy Trường Chinh cùng một số loại tên lửa khác. Các tên lửa Trường Chinh được dùng để đưa một tàu thăm dò lên phần tối của Mặt trăng trong cuộc hạ cánh lịch sử năm 2019, đưa tàu thăm dò lên Sao Hỏa hồi năm ngoái và đưa tàu Thần Châu-12 lên trạm Thiên Cung mới đây. Những tên lửa này cũng được sử dụng để đưa gần như tất cả vệ tinh hiện có của TQ lên quỹ đạo.

Tổng cộng, theo Sách trắng về khoa học công nghệ và hàng không vũ trụ 2020, TQ tính đến năm ngoái đã thực hiện 340 vụ phóng tàu, vệ tinh lên vũ trụ; riêng trong năm ngoái TQ đã triển khai 39 vụ phóng, nhiều hơn Mỹ năm vụ. Các bệ phóng của TQ trong 10 năm qua là những bệ phóng được sử dụng nhiều nhất thế giới.

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng trước, Giám đốc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đã chính thức lên tiếng cảnh báo về tốc độ phát triển đáng lo ngại của chương trình vũ trụ của TQ. “Họ đã sắp sửa đưa được người lên Mặt trăng. Đã đến lúc chúng ta phải đứng lên và làm cho chương trình phi hành gia của chúng ta tiến bộ trở lại” - ông Nelson kêu gọi. Trước đó, Bắc Kinh từng tuyên bố trước năm 2030 sẽ đưa được phi hành gia lên Mặt trăng.

Khoảng cách giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn lớn

Rõ ràng việc TQ đạt được các thành quả đáng kể trong chương trình vũ trụ của mình là một sự thật cần phải nhìn nhận nhưng đặt cạnh Mỹ thì khoảng cách giữa hai bên vẫn còn khá xa, về cả quy mô lẫn công nghệ.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) - có trụ sở ở Washington, tên lửa mạnh nhất mà TQ đang sở hữu là Trường Chinh 5 chỉ mang được tải trọng tối đa 25 tấn lên tầng quỹ đạo thấp của Trái đất. Do đó, Trường Chinh 5 có thể sánh ngang với tên lửa của các nước châu Âu hay Nga nhưng chưa thể theo kịp mẫu tên lửa mạnh nhất thế giới hiện nay của Mỹ là Falcon Heavy với tải trọng đến 63,8 tấn.

TQ cũng tụt hậu luôn so với Mỹ về vệ tinh. TQ đang vận hành 13,6% số vệ tinh trên quỹ đạo, tương đương 363 chiếc, tính đến tháng 3-2020. Con số này lớn hơn gấp đôi số vệ tinh của Nga nhưng chưa là gì so với Mỹ - nước sở hữu một nửa số vệ tinh đang quay quanh Trái đất.

Về vấn đề ngân sách, chính quyền TQ đã đầu tư rất mạnh tay vào chương trình không gian và họ hiện là nước chi nhiều thứ hai thế giới cho tham vọng này nhưng vẫn tiếp tục bị Mỹ bỏ xa. Đơn cử, theo thống kê của trang Statista, TQ trong năm ngoái chi 8,9 tỉ USD cho chương trình không gian, trong khi Mỹ chi tới 47,7 tỉ USD.

Chuyên gia quân sự Hong Kong - ông Song Zhongping cũng cho rằng khoảng cách giữa Washington và Bắc Kinh vẫn rất lớn và dù TQ đang đạt được những tiến bộ nhanh chóng, họ vẫn có thể mất nhiều năm nữa mới bắt kịp Mỹ. “Dù chinh phục vũ trụ là một phần quan trọng trong chiến lược cạnh tranh tổng thể với Mỹ, song sức mạnh vũ trụ của TQ thực sự dừng ở mức lý thuyết chứ chưa phải một mối đe dọa quá đáng kể cho Mỹ” - ông Song cho hay.

Mỹ và NATO lo ngại

Trong những năm gần đây, TQ tiến hành hiện đại hóa quân đội với tốc độ rất nhanh, khiến Mỹ và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại. Dù TQ khẳng định sẽ phát triển chương trình vũ trụ một cách hòa bình trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng nhau, nhiều người vẫn nhắc lại vụ việc vào tháng 1-2007, khi TQ cho phóng một tên lửa đạn đạo lên vũ trụ để phá hủy một vệ tinh thời tiết của nước này không còn hoạt động.

Bên cạnh đó, hãng tin Reuters cũng cho biết hầu như tất cả phi hành gia TQ từ trước đến nay đều được tuyển từ quân đội trước rồi mới được đào tạo về khoa học - kỹ thuật sau. Điều này cho thấy mối liên quan mật thiết giữa chương trình vũ trụ với các kế hoạch quân sự của TQ.

Trên thực tế, việc nổ ra một cuộc chiến tranh trên vũ trụ không phải chuyện trong phim ảnh mà là một kịch bản được giới chuyên gia quan sát và cảnh báo nhiều năm gần đây. Chỉ cần một vệ tinh bị tấn công và phát nổ cũng sẽ tạo ra một loạt mảnh vỡ hủy hoại các vệ tinh khác theo hiệu ứng dây chuyền, chưa kể khiến mảnh vỡ rơi xuống những khu vực dân cư đông đúc.

Hồi tháng 3-2019, Liên Hợp Quốc từng tổ chức một phiên họp nhằm tìm cách hạn chế hoạt động chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao Mỹ lo ngại cánh tay robot nâng được 20 tấn của TQ ngoài vũ trụ?

Việc Trung Quốc triển khai một cánh tay robot gắn với module lõi của trạm vũ trụ Thiên Cung đã làm dấy lên lo ngại ở Mỹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN