Tàu sân bay Mỹ không đối thủ

Bắc Kinh đang tập trung mạnh vào việc chế tạo tàu sân bay nhưng năng lực tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc chỉ bằng 4% so với hải quân Mỹ

Báo chí Mỹ hôm 30-7 đã đồng loạt đưa tin USS Gerald R. Ford - gọi tắt là Ford, tàu sân bay mới nhất của hải quân Mỹ trị giá 12,9 tỉ USD - vừa thực hiện thành công việc phóng và hạ cánh máy bay bằng hệ thống điện từ ngoài khơi bang Virginia.

Làm nên lịch sử

"Ford đã làm nên lịch sử qua việc phóng và hạ cánh máy bay sử dụng hệ thống phóng máy bay điện từ (EMAILS) và hệ thống bánh răng tiên tiến (AAG). Đội ngũ thủy thủ và kỹ sư trên tàu đã làm việc cật lực để giúp con tàu sẵn sàng cho bước ngoặt này" - Đô đốc Phil Davidson, tư lệnh các lực lượng hạm đội Mỹ, đánh giá.

Ford đã bắt đầu được đóng từ năm 2009 và lẽ ra đã hoàn tất vào tháng 9-2015 với giá 10,5 tỉ USD. Tuy nhiên, Ford chỉ mới được hạ thủy trước sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump sau 8 năm chế tạo, phát triển và thử nghiệm. Hải quân Mỹ chê trách sự chậm trễ này, chưa kể trị giá con tàu đội lên do được trang bị các hệ thống tối tân. Tuy nhiên, theo đài CNN, Ford còn phải trải qua thêm nhiều tháng thử nghiệm để sửa chữa các khiếm khuyết trước khi bắt đầu chính thức nhận nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2020.

Là tàu sân bay có thiết kế mới đầu tiên trong 40 năm, Ford nặng 100.000 tấn, dài hơn 335 m, kết hợp công nghệ và các hệ thống vận hành tiên tiến giúp máy bay cất - hạ cánh nhanh chóng hơn, cần số lượng thủy thủ ít hơn, cải thiện khả năng tồn tại trước các mối đe dọa. "Sự khác biệt cơ bản là thành phần thủy thủ đoàn. Nhiều công việc chúng tôi làm đã được tự động hóa" - thuyền trưởng Brent Gaut tiết lộ. Ford có 2.600 thủy thủ, ít hơn 600 người so với các tàu sân bay thuộc lớp Nimitz.

Các hệ thống vận hành có tác dụng hợp lý hóa hoạt động bay nên Ford có thể phóng số lượng máy bay nhiều hơn 33% so với các tàu sân bay trước đó. Điều đó có nghĩa là nó có khả năng tung ra đòn tấn công mạnh hơn. Mỹ hiện có 10 tàu sân bay lớp Nimitz, mỗi tàu chở 90 máy bay cùng với 5.000 thủy thủ.

23 hệ thống mới hoặc được chỉnh sửa đã mang lại khác biệt cho Ford, giúp cải thiện sự an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của thủy thủ đoàn, sàn đậu máy bay, hệ thống đẩy, thiết bị điện, các hệ thống điều khiển máy móc và chiến đấu tích hợp. Ngoài ra, Ford còn có khả năng hoạt động trong suốt 20 năm mà không cần vào bờ để tiếp nhiên liệu - theo kênh Fox News.

Về hỏa lực, Ford được trang bị 2 bệ phóng tên lửa Mk.29 với tổng cộng 16 tên lửa và 2 bệ phóng tên lửa RAM. Ngoài ra, Ford còn có 4 hệ thống vũ khí Phalanx chống lại máy bay, tên lửa và tàu chiến cùng với 4 ụ súng máy M2. Không có gì lạ khi ông Donald Trump ca ngợi tàu sân bay Ford là "thông điệp nặng 100.000 tấn gửi đến thế giới".

Tàu sân bay Mỹ không đối thủ - 1

Chiến đấu cơ được phóng từ tàu sân bay USS Gerald R. Ford hôm 28-7. Ảnh: Hải quân Mỹ

Nga, Trung Quốc còn kém xa

Không muốn tụt lại quá xa, Nga gần đây đã thông báo kế hoạch đóng tàu sân bay lớn nhất thế giới lớp Shtorm thuộc dự án 23E000E nhằm thách thức thế hệ tàu lớp Nimitz của Mỹ. Với chi phí có thể lên đến 17,5 tỉ USD, tàu này có thể đi vào hoạt động vào năm 2030. Các tàu sân bay lớp Shtorm có kích thước bằng 3 sân bóng đá với 4.000 thủy thủ, được vận hành bằng các lò phản ứng hạt nhân và có thể chở đến 90 máy bay, kể cả loại T-50 có thiết kế mới.

Tờ Daily Mail nhận định các đặc điểm của con tàu này có vẻ tương tự các tàu sân bay lớp Nimitz hiện nay của Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Nga Vadim Kozyulin nhận định tàu sân bay mới này dựa trên cơ sở thiết kế dành cho tàu sân bay Ford của Mỹ. "Đó sẽ là một sân bay nổi có kèm theo cả một đội tàu" - ông Kozyulin nhấn mạnh.

Dù vậy, các tàu sân bay lớp Shtorm (chưa ra đời) của Nga được cho là vẫn chưa thể sánh được với tàu sân bay Ford của Mỹ. Có chăng, nó chỉ có thể so với tàu sân bay lớp Nimitz.

Bản thân người Nga đã tự thừa nhận điều đó. Theo nguồn tin của trang Russia Beyond The Headlines, "đối với người Mỹ, tàu sân bay của chúng ta chẳng nghĩa lý gì vì họ hiện có đến 11 chiếc (tính luôn Ford) trong khi Nga sẽ có 1, tối đa là 2 chiếc". Tuy nhiên, các chuyên gia Nga cho rằng trong tình hình địa chính trị hiện nay, sự hiện diện của Moscow trên các đại dương là cần thiết để tự bảo vệ mình trước những kẻ xâm lược tiềm tàng.

Nga hiện có 1 tàu sân bay, gọi là đô đốc Kuznetsov. Với tàu này, thời gian cất cánh của máy bay mất vài phút. Để so sánh, trên tàu sân bay Mỹ, 3 máy bay cất cánh chỉ trong 1 phút. Hơn nữa, tàu sân bay Nga này hiện không thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ.

Trong khi đó, Trung Quốc gần đây đã hạ thủy tàu sân bay tự đóng đầu tiên, được gọi là Type-001A và đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Đại Liên. Tàu có lượng choán nước khoảng 70.000 tấn, dài 315 m, lớn hơn một chút so với tàu sân bay Liêu Ninh mua lại từ Ukraine.

Giới phân tích quân sự nhận định Bắc Kinh đang tập trung mạnh vào chế tạo tàu sân bay. Thế nhưng, năng lực tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc chỉ bằng 4% so với hải quân Mỹ. 

Chuyện hai đặc công Việt Nam đánh chìm tàu sân bay Mỹ

Hai đặc công Việt Nam bí mật xâm nhập vào cảng Sài Gòn, mỗi người mang theo 40kg thuốc nổ và các bộ phận cần thiết...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lục San (Người lao động)
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN