Tàu lặn Trung Quốc giúp tiết lộ bí mật từ rãnh sâu bậc nhất Trái đất

Trên tàu lặn do Trung Quốc chế tạo, nhóm các nhà khoa học từ Trung Quốc và New Zealand đã thực hiện chuyến đi mạo hiểm tới rãnh Kermadec – một trong những địa điểm bí ẩn nhất Trái đất.

Tàu lặn Fendouzhe chuẩn bị lặn xuống rãnh Kermadec (ảnh: SCMP)

Tàu lặn Fendouzhe chuẩn bị lặn xuống rãnh Kermadec (ảnh: SCMP)

Nằm ở Thái Bình Dương, phía bắc New Zealand, rãnh Kermadec là một trong những nơi sâu nhất Trái đất. Rãnh đại dương này dài hơn 1.000km và điểm sâu nhất của nó, Scholl Deep, nằm dưới mực nước biển tới 10.047m. Để so sánh, đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất, Everest, chỉ cao hơn 8848m.

Rất ít người từng lặn xuống rãnh Kermadec để khám phá. Nơi này vẫn còn ẩn giấu nhiều bí mật mà con người chưa biết đến.

“Chúng tôi và các nhà khoa học tới từ New Zealand đều vui mừng khi biết mình có cơ hội khám phá rãnh Kermadec. Đây là nơi có địa chất và hệ sinh thái đa dạng nhưng ít người biết đến”, Peng Xiaotong – chuyên gia từ Viện Khoa học và Kỹ thuật Biển sâu Trung Quốc (IDSSE) – cho biết.

“Đây là cơ hội rất tuyệt vời vì không phải ai cũng có thể tới Kermadec và lấy mẫu vật”, Daniel Leduc – chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển New Zealand – cho biết.

Phương tiện đưa các nhà thám hiểm xuống rãnh Kermadec là tàu lặn Fendouzhe. Đây là loại tàu lặn sâu đủ chỗ cho 3 người tiên tiến bậc nhất do Trung Quốc chế tạo. Tàu này từng đưa một số nhà khoa học tới rãnh Mariana (rãnh sâu nhất Trái đất) vào năm 2020.

Ông Daniel Leduc và 2 chuyên gia người Trung Quốc mất khoảng 3 giờ để lặn tới độ sâu 9.110m thuộc rãnh Kermadec. Nếu ra khỏi tàu lặn trong môi trường này, cơ thể người sẽ lập tức bị bẹp bởi áp lực nước.

Trên đường lặn sâu xuống rãnh Kermadec, nhóm chuyên gia đã bắt gặp nhiều sinh vật biển kỳ lạ và hiếm thấy. Trong đó có một con cá chụp đèn màu đỏ. Khi lặn sâu hơn, họ bắt gặp các sinh vật nhỏ như hải sâm, hải quỳ, giun lông biển và sứa.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn bắt gặp nhiều sinh vật kỳ lạ mà khó có thể phân biệt bằng mắt thường do ánh sáng dưới đáy biển không đủ tốt. Trong chuyến thám hiểm, các nhà khoa học đã thu thập một số mẫu bùn để kiểm tra dưới kính hiển vi điện tử.

Đáy đại dương là nơi sinh sống của những sinh vật kỳ lạ (ảnh: SCMP)

Đáy đại dương là nơi sinh sống của những sinh vật kỳ lạ (ảnh: SCMP)

Ông Leduc cho biết, kích thước nhỏ bé là một lợi thế đối với những sinh vật sống dưới rãnh sâu. Nơi này rất ít thức ăn và có thể xảy ra những trận lở đất, động đất.

“Một số người nghĩ rằng rãnh sâu là nơi kỳ lạ, thậm chí là đáng sợ. Trên thực tế, đối với những sinh vật dưới đáy biển, con tàu lặn lớn của chúng tôi mới là thứ đáng sợ. Chúng tôi đã lấy mẫu nhiều sinh vật sống dưới rãnh Kermadec hàng nghìn năm, thậm chí là hàng triệu năm trước”, ông Leduc nói.

Số mẫu vật thu được từ chuyến thám hiểm rãnh Kermadec sẽ được chia cho cả các nhà khoa học tại Trung Quốc và New Zealand.

“Fendouzhe có lẽ là tàu lặn tốt nhất thế giới để lấy mẫu trong rãnh sâu. Nó có thể lặn rất sâu, chịu được áp lực lớn trong thời gian dài để chúng tôi thu thập đủ mẫu vật”, ông Leduc nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện sinh vật đột biến ở khu thảm họa hạt nhân Chernobyl

36 năm sau thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, các nhà khoa học phát hiện một loài vật đột biến, được cho là để thích nghi với môi trường phóng xạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN