Taliban thắng thế, Trung Quốc chuẩn bị chấp nhận thực tế phũ phàng

Tháng trước, báo chí Trung Quốc đăng các bức ảnh Ngoại trưởng Vương Nghị đứng cạnh người đại diện của lực lượng Taliban trong trang phục Hồi giáo, khiến dư luận nước này xôn xao trên mạng xã hội.

Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc gặp đại diện Taliban tại Thiên Tân hồi tháng 7. (Ảnh: Xinhua)

Ngoại trưởng Vương Nghị trong cuộc gặp đại diện Taliban tại Thiên Tân hồi tháng 7. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 13/6, Thời báo Hoàn cầu đăng bài phỏng vấn lãnh đạo một đảng đối lập ở Afghanistan nói rằng “chính phủ chuyển tiếp sẽ phải có cả Taliban”.

Taliban thắng thế khi Mỹ rút quân đã trở thành một thực tế xấu xí với Trung Quốc, vì Bắc Kinh lâu nay cho rằng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo là thế lực gây bất ổn ở vùng Tân Cương và lo ngại rằng vùng đất do Taliban kiểm soát sẽ trở thành nơi dung túng lực lượng đòi ly khai từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc có chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Bắc Kinh đang thắt chặt kiểm soát an ninh ở Tân Cương, tăng cường tuần tra biên giới ở khu vực mà các chuyên gia Liên Hợp quốc khẳng định có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những nhóm Hồi giáo thiểu số khác bị giữ trong những trại mà Trung Quốc gọi là trung tâm hướng nghiệp để đối phó với chủ nghĩa ly khai và cực đoan Hồi giáo.

Cuộc gặp của Ngoại trưởng Vương Nghị và đại diện Taliban tại TP Thiên Tân tháng trước tiếp nối chuyến thăm tương tự của một phái đoàn Taliban năm 2019, nhưng lần này diễn ra khi Taliban đã mạnh hơn nhiều. Lần này. ông Vương Nghị nói rằng ông hy vọng Taliban sẽ thực hiện “chính sách Hồi giáo ôn hoà”.

Để xử lý quan hệ với Taliban, một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh có thể tận dụng thực tế là Bắc Kinh chưa bao giờ có chiến tranh với lực lượng này, không như Nga hay Mỹ.

Khi Taliban cầm quyền từ năm 1996-2001, Trung Quốc đã đình chỉ quan hệ với Afghanistan, rút hết đại diện ngoại giao vào năm 1993 khi nội chiến nổ ra.

“Đây là việc cần thực dụng. Cách bạn cai trị quốc gia của mình như thế nào phần lớn là việc của riêng bạn, chỉ cần đừng để ảnh hưởng đến Trung Quốc”, Lin Minwang, một chuyên gia về Đông Nam Á tại ĐH Phúc Đán ở Thượng Hải, nói với Reuters.

“Khi một cường quốc lớn ở châu Á như Trung Quốc thừa nhận tính chính danh của Taliban bằng cách gặp gỡ họ công khai, Taliban đã nhận được một chiến thắng ngoại giao lớn”, ông Lin nói.

Báo chí nhà nước Trung Quốc tuần này đăng ít nhất hai bài phân tích nhấn mạnh rằng Afghanistan đã trở thành “nghĩa địa của các đế quốc” và cảnh báo Trung Quốc sẽ không sa lầy vào “trò chơi đế quốc”, nhấn mạnh thông điệp rằng Trung Quốc không có ý định đưa quân đến Afghanistan hay ảo tưởng sẽ lấp vào khoảng trống quyền lực mà Mỹ để lại.

Sau cuộc gặp với ông Vương, đại diện Taliban bày tỏ hy vọng Trung Quốc có thể đóng vai trò kinh tế lớn hơn ở nước này.

“Điều này thể hiện rằng Trung Quốc có thể đã đưa ra những hứa hẹn về viện trợ kinh tế và đầu tư vào Afghanistan hậu chiến tranh để làm củ cà rốt, nhằm khuyến khích hai phe dừng giao tranh và đạt được thoả thuận chính trị”, Zhang Li, một giáo sư về Đông Nam Á tại ĐH Tứ Xuyên, nhận định.

Những rủi ro mà Trung Quốc phải đối mặt khi tình hình khu vực bất ổn được thể hiện trong vụ 13 người, trong đó có 9 công dân Trung Quốc, mất mạng ở Pakistan trong vụ tấn công tự sát nhằm vào một xe buýt gần đây. Trung Quốc đang thực hiện các dự án hạ tầng lớn ở Pakistan trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường.

“Ưu tiên số một của Trung Quốc là dừng chiến sự, vì hỗn loạn nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố và cực đoan tôn giáo”, GS Zhang nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Người dân Kabul nói gì về Taliban và ông Biden

Với việc Taliban chỉ còn cách thủ đô Afghanistan khoảng 11 km, người dân Kabul sợ rằng thành phố này sẽ thất thủ. Họ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Phong trào Hồi giáo Taliban Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN