Sự thay đổi nhận thức về chiến tranh đường phố

Chưa khi nào kể từ Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay mà thế giới lại ở gần bờ vực chiến tranh như lúc này. Đã lâu rồi chúng ta mới thấy các cường quốc lại đối chọi nhau một cách thật căng thẳng và trực diện. Trước bối cảnh đó, bộ máy quân sự của không ít quốc gia đang ở trong trạng thái “quá tải” vì phải gấp rút lên kế hoạch đối phó với những kẻ thù tiềm năng.

Họ chắc chắn đang quan sát kỹ các cuộc chiến, đặc biệt là chiến tranh Nga - Ukraine và Israel - Hamas, để đo lường đối thủ và rút ra những bài học cho mình. Câu hỏi đặt ra là: Họ đã học được gì?

Đường phố hay rừng rậm?

Khi cuộc chiến Nga - Ukraine mới nổ ra, không ít nhà quan sát nghĩ rằng sẽ xuất hiện những trận đánh quy mô lớn diễn ra tại vùng nông thôn bằng phẳng của Ukraine. Thực tế khác hẳn với mong đợi của họ. Hai bên ít khi sử dụng xe bọc thép tấn công với quy mô lớn mà chỉ cầm cố phòng thủ, quyết không cho đối phương chiếm dù chỉ là một chiến hào.

Theo sử gia quân sự Mỹ Andrew J. Bacevich thì có hai nguyên nhân dẫn đến cục diện chiến trường như trên: “Quân đội Ukraine không đủ xe tăng lẫn các loại thiết giáp khác để đối đầu trực diện với Nga. Nếu họ được trang bị đầy đủ thì tôi tin chắc rằng Ukraine hẳn đã phát động nhiều trận đánh ở nông thôn... Khác với quân đội Mỹ hay dùng không vận, người Nga dựa nhiều vào mạng lưới xe lửa để chuyên chở nhu yếu phẩm và vũ khí cho cuộc chiến. Các thành phố mà người Nga dồn sức chiếm đóng như Bakhmut đều là những “mắt xích” quan trọng trên hệ thống đường ray xe lửa”.

Việc đi vào đường hầm do Hamas đào luôn là cơn ác mộng với binh lính Israel.

Việc đi vào đường hầm do Hamas đào luôn là cơn ác mộng với binh lính Israel.

Vậy là trong khi hai bên đào hầm hào cố thủ ở chỗ thảo nguyên, các trận đánh khốc liệt nhất lại diễn ra trong các đô thị. Đây là lần đầu tiên mà người nước ngoài nghe đến tên những thành phố Ukraine như Kherson, Severodonetsk hay Lysychansk. Quân Nga không bỏ qua bất kỳ thành phố nào và quân Ukraine cũng chẳng chịu rút quân khỏi những nơi này. Có một điều mà nhiều người nhận thấy là không phải thành phố Ukraine nào cũng có giá trị chiến lược như nhau, nhưng các bên tham chiến trong đa số trường hợp vẫn đổ quân vào các khu đô thị.

Nhà nghiên cứu chiến tranh đô thị John W. Spencer ở Học viện Quân sự West Point (Mỹ) nhận xét: “Không phải ai cũng nhận ra giá trị chính trị và tuyên truyền của các thành phố. Quân Nga có thể chiếm vài nghìn hecta ở Zaporizhzhia mà không ai để ý nhưng chỉ cần họ chiếm được một thành phố vỏn vẹn 70.000 người như Bakhmut là đã đủ để báo chí trong và ngoài nước đưa lên trang nhất. Ngược lại Ukraine mất mỗi thành phố là lại phải chịu thêm một cú giáng mạnh vào tinh thần quân dân lẫn lòng tin của các đồng minh”.

Nếu chiến tranh đường phố là điều không thể tránh được thì các nhà quân sự đã nghĩ ra phương sách gì? Trong quá khứ cũng như bây giờ, các khu đô thị luôn “thiên vị” phe phòng thủ. Một nhóm du kích nhỏ hoàn toàn có thể “cầm chân” đội quân lớn hơn mình 4, 5 lần nếu biết sử dụng lợi thế địa hình đô thị. Ngược lại những đội quân lớn rất “ngại” thành phố vì bị bó hẹp, không thể di chuyển nhanh, phải chia nhỏ lực lượng, v.v...

Trong các trận đánh ở Kyiv, Severodonetsk và Kherson, quân Ukraine đã khéo léo sử dụng địa hình tự nhiên lẫn nhân tạo để chia cắt lực lượng Nga ngay từ cửa ngõ thành phố, không cho đối phương một cơ hội nào đưa được tiếp tế vào trong lòng đô thị. Tuy vậy, cũng phải nhắc đến điểm yếu khách quan không chỉ của quân Ukraine mà còn của bất kỳ bên phòng thủ đô thị nào: Chiến tranh đường phố chỉ có thể cầm chân chứ không thể tiêu hao lực lượng đối phương một cách hiệu quả. Trong những trường hợp quân Nga hạ mục tiêu từ “chiếm giữ thành phố” xuống còn “phá vòng vây ra ngoài”, phía Ukraine không thể làm gì được.

Ném bom hay dùng pháo bắn phá thành phố nhiều khi chỉ tạo lợi thế cho phe phòng thủ. Một mặt thì quân địa phương có thêm gạch đá làm chướng ngại vật; mặt khác đạn bom thay đổi hoàn toàn bộ mặt thành phố, xóa sạch các địa danh, khiến đường phố trở nên không thể nhận ra được. Kể cả khi phe tấn công có bản đồ thành phố tường tận đến mức nào đi nữa thì cũng phải bỏ đi.

Hầm, địa đạo

Không thể không nhắc tới vai trò của hệ thống hầm và địa đạo của Hamas trong cuộc chiến với Israel. Theo Hamas thì tổng chiều dài các đường hầm của họ dài đến 500 km. Trong thời bình thì địa đạo làm nơi che chở cho Hamas và cho phép họ đi lại ở Israel hay là sang tận Ai Cập. Chiến tranh nổ ra thì quân Hamas lại phát động những cuộc tấn công từ đường hầm. Mặc cho quân đội Israel có ném bao nhiêu bom thì cũng không làm hại ai được ở dưới hầm (Hamas bao giờ cũng xây hầm ở những nơi có tầng đá dày). Quân Hamas có thể tự do đi lại dưới địa đạo chứ không phải liên tục tránh những đống đổ nát trên mặt đất như quân Israel. Những đống đổ nát còn che chở cho cửa hầm, quân Hamas có thể phục kích đối phương rồi rút xuống địa đạo mà không ai biết.

Hệ thống địa đạo khổng lồ ở dưới dải Gaza là thành quả gần 20 năm của Hamas. Dải Gaza là nơi bị theo dõi nhiều nhất trên thế giới. Toàn bộ diện tích dải Gaza chỉ bằng hai lần diện tích thủ đô Washington D.C. của Mỹ nhưng có đến gấp tám lần số camera theo dõi. Ngoài việc lắp camera theo dõi, phía Israel còn xây hàng rào, quân lính chốt chặn ở mọi nẻo đường ra vào dải Gaza. Các lãnh đạo Hamas hiểu ngay từ giữa thập niên 2000 rằng nếu muốn kháng chiến thắng lợi, họ chỉ còn cách trốn xuống đất.

Nhà nghiên cứu John Spencer nhận xét: “Tôi đã từng đi xuống địa đạo ở Triều Tiên, Iraq, Serbia, Lebanon và Palestine. Các đường hầm do Hamas đào luôn chỉ cao tầm hai mét và rộng một mét, tường làm từ những khối bê tông đúc sẵn. Binh lính chỉ có thể đi hàng một mà xuống hầm... Có những đường hầm của Hamas đi sâu xuống tới 70m tính từ mặt đất. Chúng tôi xuống hầm mà phải đem theo bình dưỡng khí. Tôi không thể hiểu nổi làm sao lính Hamas có thể đi xuống đường hầm đó mà chẳng đem theo gì”.

Một người lính kể cả được trang bị hiện đại nhất khi xuống dưới đường hầm thì cũng chẳng khác gì “kẻ mù”. Nhiều thiết bị ngắm bắn, nhìn trong đêm tối dựa vào tia tử ngoại, hồng ngoại để hoạt động. Nhưng dưới đường hầm thì không có kể cả một chút ánh sáng quang phổ nào để thiết bị nhìn đêm làm việc. Người lính cũng không thể dựa vào bộ đàm hay thiết bị GPS. Chưa hết, bất kỳ phát súng nổ trong không gian kín mít, đen kịt của đường hầm cũng sẽ khiến người lính bị mù và điếc tai tạm thời. Phát súng đầu tiên cũng có thể là phát súng cuối cùng.

Nói vậy nhưng không có nghĩa là quân đội Israel không có phương sách đối phó với địa đạo. Trong những tháng vừa qua, Israel đã ném GBU-28 để đánh sập công sự, địa đạo. Còn khi lính Israel phát hiện cửa hầm thì điều đầu tiên họ làm là cho robot điều khiển qua dây điện vào hầm để thám thính. Sau đó nếu điều kiện thuận lợi thì họ sẽ dùng xe bồn chở xi măng đóng chặt cửa hầm lại, hoặc đào đường ống chạy ra biển hay xuống cống ngầm để cho nước ngập địa đạo.

Trong trường hợp hãn hữu mà binh lính Israel buộc phải vào hầm, những người bước vào đầu tiên thường là thành viên của đơn vị đặc nhiệm “Yahalom” của công binh. Đây là những người đã được đào tạo và trang bị để chuyên về tiêu diệt kẻ địch và phá hủy công trình dưới lòng đất. Họ còn được trợ giúp bởi những chú chó thuộc đơn vị Oketz, lính trinh sát Sayeret Matkal, và lực lượng cảnh sát chống khủng bố Yamam. Sự hiệu quả của Yahalom trong chiến tranh địa đạo là không thể bàn cãi. Vẫn đề ở chỗ chỉ có một đơn vị Yahalom mà có đến hàng nghìn đường hầm.

Câu hỏi trình độ

Trong cả hai cuộc chiến ở Ukraine và dải Gaza, các bên tham chiến đều phải ra lệnh tổng động viên. Hiện nay chỉ Mỹ mới có thể mở một cuộc chiến tổng lực mà chỉ sử dụng mỗi binh lính chuyên nghiệp. “Giấc mơ” về những cuộc chiến ít thương tích còn lại từ thời Washington phát động chiến dịch chống khủng bố đã hoàn toàn bị xé bỏ. Điều này đã khiến quân đội các nước phải xem xét lại chương trình huấn luyện của mình.

Sử gia Andrew Bacevich nhận xét: “Cho dù không quân, hải quân có thiện chiến và trang bị hiện đại đến đâu đi chăng nữa, quyền quyết định chiến thắng trên chiến trường vẫn nằm trong tay bộ binh. Mà chiến thắng trên chiến trường hiện đại phụ thuộc và khả năng ứng biến và hợp đồng tác chiến”.

Nếu chỉ gói gọn trong vấn đề chiến tranh đường phố thì trình độ tác chiến của đa số những người lính nghĩa vụ ở phương Tây vẫn còn quá yếu và thiếu. Năm 2016, Học viện Quân sự West Point thực hiện một cuộc khảo sát về khả năng cận chiến trong đô thị của binh lính Mỹ. Một kết luận trong bản báo cáo của họ khiến nhiều người phải giật mình: 81% binh lính sẽ chết trong vòng vài giây kể từ lúc họ phá cửa bước vào một căn phòng có kẻ địch.

Nhà nghiên cứu John Spencer cho biết: “Chương trình huấn luyện tác chiến của quân đội các nước đồng minh NATO vẫn còn quá cứng nhắc. Các khoa huấn luyện thì thiếu thực tế, huấn luyện binh lính phá cửa kiểu gì mà sắp xếp tấm bia giả làm kẻ thù thì đúng chỗ đấy 10 lần giống 10. Có bao giờ kẻ thù đứng đúng một chỗ mà chịu đỡ đạn của anh đâu”.

Ngoài những đơn vị đặc công chống khủng bố có cơ hội được liên tục tập luyện cận chiến, đa phần lục quân các nước coi chiến tranh đô thị chỉ như khoa mục học để thi lấy bằng. Cứ giữ cái tâm lý này thì không thể tạo dựng một quân đội sẵn sàng đối đầu với các thử thách của chiến tranh đường phố. Đấy là một lý do mà vì sao các xe tăng Israel lại thường xuyên bị phục kích trên đường phố Gaza như vậy – đúng ra xe tăng bao giờ cũng có bộ binh đi bên cạnh để truy quét các ổ phục kích, nhưng quân đội Israel không dám cho lính nghĩa vụ thiếu kinh nghiệm đi cạnh xe tăng vì sợ thương vong.

Các nước đang tham chiến hiện sử dụng một số biện pháp khác nhau nhằm tăng tốc độ huấn luyện cho binh lính của họ, ví dụ như Kiev kêu gọi cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Iraq vừa tình nguyện tác chiến, vừa huấn luyện cho binh lính Ukraine; hay Israel sử dụng công nghệ thực tế ảo để tái hiện những tình huống chiến trường từng diễn ra. Nhưng giải quyết tận gốc vấn đề huấn luyện tác chiến đô thị thì là vấn đề lâu dài.

Nguồn: [Link nguồn]

Tác chiến điện tử là một trong những thế mạnh hàng đầu của quân đội Nga mà phương Tây khó có giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ Ukraine.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Công Vũ ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN