Siêu cảng trị giá 3,5 tỷ USD được Trung Quốc xây ở "sân sau" của Mỹ

Tại một thị trấn yên bình trên bờ biển Thái Bình Dương ở Nam Mỹ, Trung Quốc đang xây dựng một siêu cảng có thể thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại một khu vực giàu tài nguyên mà Washington từ lâu đã coi là "sân sau", báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) cho biết.

Cảng nước sâu Chancay đang được công ty Trung Quốc xây dựng ở Peru.

Cảng nước sâu Chancay đang được công ty Trung Quốc xây dựng ở Peru.

Cảng nước sâu Chancay ở Peru quan trọng với Trung Quốc đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên kế hoạch dự lễ khánh thành vào cuối năm nay. Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Tập tới Nam Mỹ kể từ khi có dịch bệnh Covid-19.

Được sở hữu phần lớn bởi tập đoàn vận tải biển khổng lồ Trung Quốc Cosco, cảng nước sâu Chancay hứa hẹn sẽ tăng tốc dòng chảy thương mại giữa châu Á và Nam Mỹ, mang lại lợi ích cho những khách hàng ở xa Trung Quốc như Brazil, với thời gian tàu hàng qua Thái Bình Dương được rút ngắn.

Cảng Chancay có thể mở ra thị trường cho xe điện và các mặt hàng xuất khẩu khác tới Nam Mỹ, nơi Trung Quốc từ lâu đã là đối tác thương mại hàng đầu.

Theo WSJ, Mỹ lo ngại việc Trung Quốc xây dựng cảng Chancay, nơi có thể trở thành trung tâm thương mại toàn cầu đầu tiên của Nam Mỹ. Dự án có thể giúp Bắc Kinh tăng cường hơn nữa khả năng kiểm soát các nguồn tài nguyên trong khu vực, gia tăng ảnh hưởng lên các nước láng giềng gần Mỹ và thậm chí triển khai lực lượng quân sự tới khu vực.

"Dự án sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng khai thác các nguồn tài nguyên ở khu vực, vì vậy điều này rất đáng lo ngại", tướng lục quân Laura Richardson, lãnh đạo Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ, nhận định vào tháng trước.

Các cựu quan chức Mỹ nói dự án đã phản ánh khoảng trống ngoại giao mà Mỹ tạo ra ở khu vực Mỹ Latin - Washington tập trung nguồn lực ở những nơi khác, gần đây nhất là Ukraine và Trung Đông.

"Cảng nước sâu Chancay đóng vai trò thay đổi cuộc chơi", Eric Farnsworth, cựu quan chức ngoại giao cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với WSJ. "Nó biến Trung Quốc thành của ngõ quan trọng để Nam Mỹ bước vào thị trường toàn cầu. Đây không còn là vấn đề thương mại nữa, mà đã trở thành vấn đề chiến lược".

Chancay là cảng nước sâu đầu tiên ở vùng biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu lớn nhờ độ sâu hơn 18 mét.

Chancay là cảng nước sâu đầu tiên ở vùng biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu lớn nhờ độ sâu hơn 18 mét.

Nằm cách thủ đô Lima của Peru 80km về phía bắc, cảng Chancay trị giá 3,5 tỷ USD sẽ là cảng đầu tiên trên bờ biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ có thể tiếp nhận các tàu lớn nhờ độ sâu hơn 18 mét. Phần lớn số tiền cần thiết để thực hiện dự án được tài trợ bởi các khoản vay từ ngân hàng Trung Quốc.

Cảng nước sâu Chancay cho phép vận chuyển hàng hóa trên những con tàu lớn từ Trung Quốc tới Peru và ngược lại, thay vì phải thuê những con tàu nhỏ hơn và phải cập cảng trung chuyển ở Mexico hay Mỹ.

Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc Cosco nói dự án ở Chancay hoàn toàn dựa trên mục đích thúc đẩy thương mại. "Đây là một dự án thương mại nhằm thúc đẩy phát triển, không có gì phải che giấu ở đây cả", Phó tổng giám đốc Cosco tại Peru, Gonzalo Rios nói, theo WSJ.

Ngay sau khi dự án được thông qua vào năm 2019, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa ra những dự đoán về tương lai của Peru như một trung tâm thương mại giữa Trung Quốc và Nam Mỹ. Dự án cũng có thể giúp Bắc Kinh hiện thực hóa những ưu tiên khác, ví dụ như xây dựng tuyến cáp ngầm dưới biển.

Dự án bắt đầu được khởi công từ năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Peru từng gạt bỏ những lo ngại của Mỹ. Ngoại trưởng Peru Javier Gonzalez-Olaecheas nói nếu Mỹ lo lắng về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở nước này thì Mỹ nên tăng cường đầu tư vào Peru. Ông khẳng định "mọi quốc gia đều được chào đón".

"Mỹ có mặt ở hầu hết mọi nơi trên thế giới với rất nhiều sáng kiến, nhưng không nhiều ở Mỹ Latin", ông Gonzalez-Olaecheas nói thêm "Mỹ giống như một người bạn rất quan trọng nhưng lại dành rất ít thời gian cho chúng tôi".

Với cảng Chancay, các tàu Trung Quốc khởi hành từ Thượng Hải chỉ mất 25 ngày để tới Nam Mỹ. Ảnh: WSJ.

Với cảng Chancay, các tàu Trung Quốc khởi hành từ Thượng Hải chỉ mất 25 ngày để tới Nam Mỹ. Ảnh: WSJ.

Theo WSJ, cảng nước sâu Chancay ở Peru giống như bản sao của một cảng mà Cosco xây dựng ở Hy Lạp vào năm 2016. Dự án giúp Trung Quốc có chỗ đứng ở miền nam châu Âu. Ngày nay, các công ty Trung Quốc kiểm soát hoặc vận hành khoảng 100 cảng biển nước ngoài.

Đầu tư xây dựng cảng biển được cho là đã mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy ngoại giao với các quốc gia khao khát vốn nước ngoài. Tàu hải quân Trung Quốc đã cập bến hơn 1/3 số cảng mà các công ty Trung Quốc sở hữu hoặc điều hành trên khắp thế giới.

Theo WSJ, Mỹ đã thảo luận với giới chức Peru về những lo ngại liên quan đến việc Trung Quốc kiểm soát các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cảng Chancay. Điều khiến Washington lo lắng là mối liên hệ giữa các công ty thương mại Trung Quốc và chính phủ. Các bến cảng và thiết bị có thể được Trung Quốc sử dụng cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự.

Luật Trung Quốc yêu cầu các công ty phải tính đến nhu cầu về an ninh quốc phòng trong hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty có thể phải cung cấp quyền tiếp cận ưu tiên cho tàu quân sự tại các bến cảng, chia sẻ thông tin có giá trị và hỗ trợ quốc phòng cũng như điều động lực lượng, Isaac Kardon, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington, nói với WSJ.

"Peru đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và khiến nước này dễ bị tổn thương trước sức ép từ Bắc Kinh", Leland Lazarus, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latin thuộc Đại học Quốc tế Florida, nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo Trung Quốc cho rằng, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm G7 nhắc đến Trung Quốc hơn 20 lần không phải là điều gây ngạc nhiên và đang tạo cơ sở cho một cuộc đối đầu trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - WSJ ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN