Đại hiệp cuối cùng của Trung Quốc, một đòn kết liễu “vua samurai” Nhật: Thực hư ra sao?

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Trong giới võ thuật cổ truyền Trung Quốc, Lã Tử Kiếm được xếp vào hàng tông sư. Võ công của ông được cho là sánh ngang với Hoắc Nguyên Giáp – cao thủ bậc nhất Trung Quốc cuối thời nhà Thanh.

Điện ảnh Trung Quốc đã làm hàng trăm bộ phim về các “đại hiệp” cuối thời Thanh, đầu thời Dân Quốc nổi tiếng như Hoàng Phi Hồng, Hoắc Nguyên Giáp, Trần Chân… Sự thật võ công của các nhân vật này thế nào? Liệu họ có thật giao đấu và đánh bại võ sĩ Nhật, võ sĩ phương Tây, “hành tẩu giang hồ” như trên phim?

Lã Tử Kiếm từng là đại sư võ thuật nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc (ảnh: Sina)

Lã Tử Kiếm từng là đại sư võ thuật nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc (ảnh: Sina)

1. Đại hiệp năm 13 tuổi đã cướp pháp trường?

Theo Sina, Lã Tử Kiếm sinh ngày 15/10/1893 tại tỉnh Hồ Bắc. Cha mẹ ông đều là võ sư nổi tiếng và là tiêu sư (người làm nghề vận chuyển, bảo vệ hàng hóa của thương nhân). Từ năm lên 7 tuổi, Lã Tử Kiếm đã học võ công phái Võ Đang.

Năm Lã Tử Kiếm 13 tuổi, cha ông bị chính quyền nhà Thanh bắt vì từng hỗ trợ một thủ lĩnh của quân khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc.

Trong cuốn tự truyện, Lã Tử Kiếm kể ông và mẹ đã cướp pháp trường, giải cứu cha. Sau biến cố này, gia đình Lã Tử Kiếm lưu lạc khắp nơi.

Năm 23 tuổi, Lã Tử Kiếm được cha đưa lên núi Võ Đang học võ. Trong tự truyện, Lã Tử Kiếm viết ông quen Hoắc Nguyên Giáp trong thời gian này. Hai người kết nghĩa huynh đệ. Lã Tử Kiếm là người giúp đỡ để Hoắc Nguyên Giáp mở võ đường đầu tiên tại Thượng Hải.

Lã Tử Kiếm tuổi cao nhưng vẫn có thể sử dụng thành thạo vũ khí nặng (ảnh: Sohu)

Lã Tử Kiếm tuổi cao nhưng vẫn có thể sử dụng thành thạo vũ khí nặng (ảnh: Sohu)

2. Danh xưng “Trường Giang đại hiệp”

Theo Sohu, trong giới võ lâm, Lã Tử Kiếm được xưng tụng là “Trường Giang đại hiệp”. Ông là một trong 3 đại hiệp nổi tiếng nhất làng võ Trung Quốc thời cuối nhà Thanh, cùng với Hoắc Nguyên Giáp (Tân Môn đại hiệp) và Đỗ Tâm Ngũ (Quan Đông đại hiệp).

Theo Zhuanlan Zhihu (trang tin điện tử Trung Quốc), ngày 1/6/1909, Lã Tử Kiếm, Hoắc Nguyên Giáp cùng võ lâm đồng đạo mở Tinh Võ thể dục hội (Tinh võ môn) tại quận Hồng Khẩu, thành phố Thượng Hải.

Tháng 9/1910, Hiệp hội Judo Nhật Bản đưa 10 cao thủ đến khiêu chiến Tinh Võ thể dục hội, bị Hoắc Nguyên Giáp và Lã Tử Kiếm đánh bại.

Theo Sina, Lã Tử Kiếm là người tinh thông tuyệt kỹ “Du thân bát quái liên hoàn chưởng”. Chưởng lực đánh ra có thể gây nội thương nghiêm trọng cho đối thủ. Năm 1920, tại Nam Kinh tổ chức đại hội võ thuật toàn quốc. Lã Tử Kiếm lần đầu tham dự đã giành chức vô địch.

Trong giới võ lâm, nhiều người biết danh hiệu của Lã Tử Kiếm là “Trường Giang đại hiệp”, nhưng ít người biết lý do ông có danh hiệu này.

Lã Tử Kiếm được cho là từng đánh bại samurai Nhật Bản (ảnh minh họa: Sina)

Lã Tử Kiếm được cho là từng đánh bại samurai Nhật Bản (ảnh minh họa: Sina)

Theo Sina, vào những năm 1930 (thời kỳ đầu Dân Quốc), các công ty Nhật Bản thống trị tuyến vận tải sông Trường Giang (Dương Tử). Bị người Nhật chèn ép, giám đốc công ty vận tải Dân Sinh là Lư Tác Phu đã mời Lã Tử Kiếm ra mặt.

Để bảo vệ doanh nghiệp Trung Quốc, Lã Tử Kiếm và các đệ tử đi khắp nơi kêu gọi, vận động người dân không đi tàu nước ngoài, không làm việc cho các công ty nước ngoài. Tàu thuyền nước ngoài di chuyển trên sông Trường Giang cũng bị nhóm người của Lã Tử Kiếm quấy phá.

Người Nhật quyết định dùng quyền cước để giải quyết mâu thuẫn.

Các công ty Nhật tuyên bố, chỉ cần Lã Tử Kiếm đánh bại Hideo Mitsui, người tự xưng là “vua samurai” Nhật Bản, thì họ sẵn sàng nhượng một phần quyền lợi trên sông Trường Giang.

Lã Tử Kiếm nhận lời thách đấu này.

Trên võ đài, Hideo Mitsui trúng một chưởng của Lã Tử Kiếm, chết ngay tại chỗ, theo Sina.

Một số nguồn tin khác cho rằng, Lã Tử Kiếm hạ gục Hideo Mitsui bằng kiếm.

Sau chiến thắng trước Hideo Mitsui, cái tên Lã Tử Kiếm “nổi như cồn” trong giới võ lâm.

Lã Tử Kiếm thi triển võ công (ảnh: China Daily)

Lã Tử Kiếm thi triển võ công (ảnh: China Daily)

3. Đánh bại “quyền vương” nước Mỹ?

Theo Sina, thời còn “tung hoành giang hồ” Lã Tử Kiếm từng trải qua nhiều trận quyết đấu nhưng chưa từng thất bại. Một trong những trận đấu nổi tiếng nhất của ông là lần tỉ thí với Tom Newham – cận vệ bên cạnh tướng Mỹ Marshall và tự xưng là “quyền vương” nước Mỹ.

Trận đấu xảy ra vào năm 1945, sau khi quân Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc. Lúc này, Lã Tử Kiếm được phong hàm thiếu tướng, chỉ huy một đội cận vệ bên cạnh Tưởng Giới Thạch.

Trong tự truyện, Lã Tử Kiếm mô tả Tom Newham là võ sĩ có thực lực, nhưng rất kiêu ngạo. Với ý đồ hạ thấp võ thuật Trung Quốc, Newham mở một sàn đấu ở thành phố Trùng Khánh, thách thức tất cả cao thủ người Trung Quốc.

Một số võ sư Trung Quốc đã giao đấu với Newham nhưng thất bại. Điều này khiến “quyền vương” người Mỹ càng thêm ngạo mạn.

Theo Sina, Lã Tử Kiếm nhiều lần xin Tưởng Giới Thạch cho phép quyết đấu với Newham, nhưng Tưởng từ chối. Tưởng Giới Thạch không muốn gây căng thẳng với tướng Marshall của Mỹ.

Tuy nhiên, trước thái độ ngày càng kiêu ngạo của Newham và một số binh sĩ Mỹ khác, Tưởng Giới Thạch cuối cùng đồng ý cho Lã Tử Kiếm lên đài.

Trong tự truyện, Lã Tử Kiếm viết, thời điểm quyết đấu với Newham, ông đã 52 tuổi. Sau vài hiệp đấu, Lã Tử Kiếm mệt muốn “đứt hơi” mà Newham vẫn còn di chuyển rất linh hoạt. Lã Tử Kiếm trúng nhiều đòn đau.

Trong khi nhiều người tưởng rằng trận đấu đã ngã ngũ, Lã Tử Kiếm nhân lúc Newham sơ hở, bất ngờ tung một chưởng cực mạnh. Đây là một chưởng nằm trong “Du thân bát quái liên hoàn chưởng” – tuyệt kỹ mà Lã Tử Kiếm tinh thông nhất.

Một chưởng này khiến Newham bị hạ gục ngay trên võ đài.

3 ngày sau trận đấu, Newham chết.

Theo Sina, để xoa dịu quân đội Mỹ, Tưởng Giới Thạch ra lệnh giáng chức Lã Tử Kiếm. Lã Tử Kiếm cũng từ chức ngay sau đó.

“Tôi cởi bỏ bộ quân phục thiếu tướng. Từ đó sống ẩn dật ở Trùng Khánh, hành nghề y và dạy võ thuật cho đến khi đất nước giải phóng”, Lã Tử Kiếm viết trong tự truyện.

Cuộc đời Lã Tử Kiếm trải qua không ít thăng trầm. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc (1966 – 1976), Lã Tử Kiếm bị bắt giam. Ông bị đưa tới một trại lao động cải tạo ở Tân Cương và phải ở đây hơn một thập kỷ, theo Sina.

Năm 1979, Lã Tử Kiếm được trả tự do. Ông trở về đoàn tụ với gia đình ở Trùng Khánh và tiếp tục dạy võ.

Theo Zhuanlan Zhihu, Lã Tử Kiếm có hàng nghìn đệ tử. Ông mở hàng chục trường dạy võ thuật trên khắp Trung Quốc và ở Hong Kong, Đài Loan, Mỹ…

Năm 1986, Lã Tử Kiếm được Hiệp hội Khí công Quốc tế bầu làm cố vấn trưởng. Ông cũng là phó Chủ tịch Trung tâm phát triển võ thuật Võ Đang ở California, Mỹ.

Năm 1982, Lã Tử Kiếm giành huy chương sư tử vàng trong cuộc thi Tinh hoa võ thuật Trung Quốc. Năm 1985, ông giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Kung Fu Quốc tế của Trung Quốc.

Năm 2000, Lã Tử Kiếm giành huy chương vàng trong hội thi Hội người cao tuổi Trung Quốc. Ông cũng được Tổng cục Thể thao Trung Quốc phong tặng danh hiệu “Đại sư võ thuật Trung Quốc”. Vào những năm cuối đời, Lã Tử Kiếm còn nhận thêm nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ngày 21/10/2012, Lã Tử Kiếm qua đời, thọ 118 tuổi. Có rất đông võ sư và người hâm mộ tới dự đám tang của ông tại Trùng Khánh.

Lã Tử Kiếm nhận được nhiều danh hiệu cao quý vào những năm cuối đời (ảnh: Sina)

Lã Tử Kiếm nhận được nhiều danh hiệu cao quý vào những năm cuối đời (ảnh: Sina)

Theo Sina, ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học, vũ khí, võ thuật Trung Quốc dần mất đi vị thế. Một số người cũng cho rằng võ thuật Trung Quốc ngày càng hào nhoáng, tính thực chiến không cao, không bằng các môn võ hiện đại như karate, MMA. Tuy nhiên, thời Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949), ở Trung Quốc từng có nhiều võ sư thực sự khổ luyện võ công và đạt đến trình độ cao.

Theo Sohu, Lã Tử Kiếm thọ hơn 100 tuổi, cuộc đời của một đại sư võ thuật như ông có thể xem là huyền thoại, nhưng cũng có nhiều điểm nghi vấn.

Thứ nhất, năm Lã Tử Kiếm 13 tuổi là năm 1906, lúc này cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 – 1864) đã kết thúc hơn 30 năm. Việc cha của Lã Tử Kiếm từng giúp đỡ một thủ lĩnh của Thái Bình Thiên Quốc dẫn đến bị nhà Thanh bắt giữ là khó có khả năng. Càng khó tưởng tượng cảnh mẹ của Lã Tử Kiếm dám dẫn đứa con 13 tuổi đi cướp pháp trường.

Thứ hai, trong tự truyện, Lã Tử Kiếm kể đã gặp Hoắc Nguyên Giáp vào năm 23 tuổi, tức là năm 1916. Hai người sau đó còn cùng sáng lập Tinh võ môn và đánh bại võ sĩ Nhật Bản. Tuy nhiên, Hoắc Nguyên Giáp thực tế mất năm 1910. Chẳng lẽ Lã Tử Kiếm đã gặp “ma”?

Thứ ba, đối với vấn đề quan trọng như quyền kiểm soát vận tải trên sông Trường Giang, việc các công ty Nhật Bản đặt cược tất cả vào một võ sĩ như Hideo Mitsui là khá khó tin. Mô típ này khá giống với các bộ phim điện ảnh. Kể cả Lã Tử Kiếm có đánh thắng Hideo Mitsui, người Nhật cũng không nhượng bộ lợi ích trên sông Trường Giang.

Thứ tư, ngày 20/12/1945, tướng Marshall tới Thượng Hải. Ngày 21/12/1945, Marshall gặp Tưởng Giới Thạch tại Nam Kinh. Nếu trận đấu giữa Lã Tử Kiếm với Newham có diễn ra, nó phải được tổ chức tại Nam Kinh chứ không phải Trùng Khánh (như lời kể của Lã Tử Kiếm).

Khi kiểm tra danh sách các chỉ huy quân sự dưới quyền Tưởng Giới Thạch, người ta cũng không thấy cái tên Lã Tử Kiếm.

_____________

Hoàng Phi Hồng võ công nức tiếng tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), là cao thủ trong lòng người hâm mộ võ thuật. Thực tế, võ công của Hoàng Phi Hồng cao đến đâu? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ sau, xuất bản vào 19h ngày 16/6/2024.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Không ít các nhà sư ở Trung Quốc đã tham gia mạng xã hội và trở thành người sáng tạo ra xu hướng mới (trend) cho giới trẻ nước này, Thiếu Lâm Tự cũng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Huyền thoại võ thuật Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN