Nguy cơ đập TQ xây dựng “giết chết” dòng sông lớn nhất Myanmar

Năm 2011, dự án xây đập Myitsone của Trung Quốc bị ngừng lại sau cuộc biểu tình quy mô lớn và Bắc Kinh đang vận động hành lang để tiếp tục xây đập, nhưng người dân địa phương vẫn chưa cảm thấy an tâm.

Irrawaddy được coi là con sông huyết mạch của Myanmar.

Irrawaddy được coi là con sông huyết mạch của Myanmar.

"Tôi vẫn luôn bật khóc mỗi khi nói về con đập", Jar Lie, nói. Bà Jar một nông dân buộc phải từ bỏ nhà cửa, ruộng vườn để chuyển tới ngôi làng tái định cư ở Aung Myin Tha, cách đó 9km.

Mảnh đất của bà bị ngập hoàn toàn do hồ chứa lớn được xây dựng để phục vụ kế hoạch xây đập Myitsone. Con đập trị giá 3,6 tỷ USD này do Trung Quốc xây dựng trên dòng sông Irrawaddy. Ngôi làng Jar Lie chuyển đến có bệnh viện, trường học và những con đường nhựa được xây dựng bởi Tập đoàn Đầu tư Điện lực Bắc Kinh (SPIC), nhà thầu thi công.

Nhưng Jar Lie nói không có đất trồng trọt, cuộc sống của bà ở đây rất khó khăn. “Trước đây, chúng tôi có thể tự sống được, không cần phải mua gì. Ở đây, không có đất, chúng tôi không làm được gì. Chúng tôi không biết làm cách nào để kiếm ra tiền”.

Con đập lẽ ra phải hoàn thành trong năm nay. Nhưng dự án đã đình trệ suốt 8 năm do làn sóng biểu tình trên diện rộng của người dân.

Myitsone là công trình lớn nhất trong 7 đập thủy điện được SPIC cam kết xây dựng, với lời hứa cung cấp cho Myanmar nguồn điện năng dồi dào. Người ta ước tính rằng đập thủy điện này sẽ tạo ra lượng điện nhiều hơn tổng điện năng Myanmar đang sản xuất hiện nay.

Bản hợp đồng trị giá 3,6 tỷ USD mà SPIC ký với chính quyền quân đội Myanmar cũ chưa từng được công bố. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi hồi tháng 5, cựu quan chức điện lực nhà nước Myanmar, Maw Thar Htwe, nói 90% sản lượng điện mà nhà máy thủy điện này tạo ra sẽ được đưa về Trung Quốc.

Chính phủ Myanmar cũng nhận được 10% cổ phần nhưng chỉ thu được lợi tức sau khoảng 20 năm khi đập bắt đầu hoạt động.

“Con đập sẽ giết chết dòng sông”

Người dân Kachin biểu tỉnh phản đối Trung Quốc tiếp tục dự án.

Người dân Kachin biểu tỉnh phản đối Trung Quốc tiếp tục dự án.

Ngay từ đầu, người ta đã đặt dấu hỏi về mục đích thực sự của việc xây dựng đập, theo BBC. Irrawaddy là con sông dài nhất Myanmar, được xem như huyết mạch của đất nước. Khu vực Myitsone cũng là quê hương của người Kachin.

Kể từ năm 1962, người bản địa Kachin đã không ngừng nổi dậy chống quân đội chính quyền quân sự để giành lại quyền kiểm soát vùng đất giàu tài nguyên này.

Việc xây dựng đập ở khu vực này sẽ buộc thêm hàng nghìn người dân phải sơ tán do các chuyên gia môi trường cho rằng nó có thể làm ngập một khu vực có diện tích tương đương Singapore.

"Chúng ta sẽ mất khu vực đầu nguồn quan trọng, Một số khu rừng ở hạ lưu cũng bị nhấn chìm hoàn toàn, trong đó có các khu rừng rậm đa dạng sinh học. Con đập sẽ có tác động rất lớn tới khu vực hạ lưu, thay đổi con nước của dòng sông và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu ngư dân. Nó có thể sẽ giết chết dòng sông Irrawaddy", tiến sĩ Myint Zaw, chuyên gia môi trường của Myanmar, nói.

Năm 2011, các cuộc biểu tình chống dự án xây đập Myitsone đã nổ ra khắp Myanmar. Trước sức ép mạnh mẽ của người dân, chính quyền buộc phải nhượng bộ và dừng dự án. Quá trình xây dựng bị đóng băng kể từ đó.

Sau 8 năm yên ắng, Trung Quốc gần đây đang tìm cách tái khởi động dự án xây đập trên dòng sông lớn nhất Myanmar, bằng cách thuyết phục người dân địa phương và các quan chức chính phủ.

Lu Ra, người địa phương muốn gìn giữ con sông hơn là đánh đổi vì lợi ích kinh tế.

Lu Ra, người địa phương muốn gìn giữ con sông hơn là đánh đổi vì lợi ích kinh tế.

Tháng 12 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Hong Liang có chuyến thăm Kachin, khẳng định con đập có ý nghĩa quan trọng đối với cả Trung Quốc và Myanmar và người Kachin không phản đối việc xây dựng.

Hồi tháng 6, một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã cố gắng trấn an các nhà lập pháp bang Kachin về những tác động môi trường mà con đập tạo ra. SPIC khẳng định mục đích xây đập nhằm "cung cấp nguồn điện sạch, hiệu quả và bền vững cho sự phát triển của Myanmar".

“Chúng ta cần phải giữ lời hứa”

Khi còn là nhà hoạt động đối lập, bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng chống lại việc xây dựng đập Myitsone. Bà đã thay đổi quan điểm kể từ khi giành chiến thắng sau cuộc bầu cử năm 2015. Bà Suu Kyi nói rằng các thỏa thuận được thực hiện dưới thời chính phủ quân sự cũ nên được tôn trọng.

"Chúng ta cần phải giữ lời hứa vì vị thế của đất nước và niềm tin của thế giới. Chúng ta không thể tự ý làm những điều chúng ta muốn đối với các dự án có từ trước khi chúng ta lên nắm quyền. Nếu hành xử như vậy, chúng ta sẽ mất tín nhiệm, bị thế giới quay lưng. Đất nước chúng ta sẽ chịu tác động lớn", bà Suu Kyi đưa ra bình luận hiếm hoi về việc xây đập Myitsone.

Giới phân tích nói bà Suu Kyi đang đứng trước những lựa chọn khó khăn. Bà cần phải thuyết phục người dân rằng việc xây đập, tạo thêm điện có lợi ích cho cả đất nước. Nhưng bà cũng phải đảm bảo rằng hoạt động xây dựng không khiến Myanmar phụ thuộc vào Trung Quốc.

Jar Lie chỉ tay vào nơi từng là mảnh đất mình sinh sống.

Jar Lie chỉ tay vào nơi từng là mảnh đất mình sinh sống.

"Nhiều người phản đối con đập, nhưng vai trò của Trung Quốc tại Myanmar rất lớn, vì vậy họ cần xem xét tất cả các yếu tố này", Khun Htoi, nhà nghiên cứu về quan hệ Trung Quốc-Myanmar, nói.

Trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng, Myanmar có thể phải bồi thường tới 800 triệu USD. Myanmar đang đứng trước lựa chọn khó khăn giống như dự án xây đường sắt cao tốc Trung Quốc xây ở Malaysia. Chính phủ Malaysia đã đồng ý cho khôi phục dự án với chi phí giảm một phần ba so với dự tính ban đầu của nhà thầu Trung Quốc.

Nhưng đối với nhiều người Kachin, việc để con sông chảy theo tự nhiên vốn có còn quan trọng hơn lợi ích kinh tế.

"Hãy nhìn nơi tuyệt đẹp này. Đó là dòng sông, những cánh rừng và những ngọn núi. Nếu có con đập ở đây, chúng ta sẽ không thấy cảnh quan này nữa. Chúng tôi muốn dừng việc xây dựng, hãy để dòng sông Irrawaddy tự do chảy mãi mãi. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ nó", Lu Ra, một người địa phương, nói với BBC.

Đối với Jar Lie, bà vẫn thường đi thuyền quay trở về vùng đất xưa. Nhưng có những lần bị nhân viên an ninh của đập thủy điện chặn lại và bà đã bật khóc.

“Đó là những vùng đất quê hương nhưng họ không cho tôi quay trở về nhìn lại. Thật đau lòng vì tôi không còn có thể đặt chân lên vùng đất này”, Jar Lie nói.

Quốc gia nếm “trái đắng” vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây

Một con đập khổng lồ được kỳ vọng sẽ giúp Ecuador thoát khỏi sự nghèo đói, nhưng nó lại tạo thành một bê bối quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - BBC ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN