Ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ dùng cả quân sự lẫn pháp lý

Báo cáo bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông cho thấy bên cạnh các biện pháp quân sự trước nay Mỹ muốn đấu tranh trên cả mặt trận pháp lý và đại diện cộng đồng quốc tế yêu cầu Bắc Kinh cư xử đúng mực.

Ngày 12-1, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo “Ranh giới trên các vùng biển” số 150 về tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nội dung chính là bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử và yêu sách đường chín đoạn vô lý của Trung Quốc (TQ) ở đây. Theo giới chuyên gia, báo cáo đánh dấu bước đi mới nhất của Mỹ trên mặt trận pháp lý trong nỗ lực đấu tranh chặn đứng tham vọng của TQ với Biển Đông, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho các nước đang có tranh chấp đứng lên bảo vệ quyền lợi.

Ngày 14-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết Việt Nam ghi nhận Báo cáo số 150 của Bộ Ngoại giao Mỹ. Việt Nam cũng mong muốn các bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông và có đóng góp tích cực vào hòa bình khu vực. 

Nhiều biến chuyển trong cách Mỹ tiếp cận Biển Đông

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, TS Constantinos Yiallourides thuộc Viện Nghiên cứu luật so sánh và luật quốc tế Anh, cho biết Báo cáo “Ranh giới trên các vùng biển” số 150 là phần tiếp nối của một nghiên cứu khác do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm 2014, cũng với nội dung bác bỏ yêu sách chủ quyền của TQ ở Biển Đông.

“Tuy về cơ bản, Báo cáo số 150 không có nhiều điểm mới so với những nghiên cứu và báo cáo do các học giả luật quốc tế và cơ quan các nước khác đã thực hiện nhiều năm qua, song điểm quan trọng là nó thể hiện một số thay đổi trong cách tiếp cận của Mỹ về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông” - TS Yiallourides nhận định.

Cụ thể, theo chuyên gia này, do không tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nên Mỹ trước đây thường ít viện dẫn tài liệu này trong các văn bản ngoại giao hoặc các nghiên cứu với tính chất tương tự như Báo cáo số 150. Tuy nhiên, những năm gần đây điều này bắt đầu thay đổi; gần nhất và rõ nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump với các công hàm phản đối TQ gửi lên Liên Hợp Quốc cùng các tuyên bố ngoại giao liên tục đề cập UNCLOS, cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện TQ năm 2016.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông hồi tháng 6-2021. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tập trận ở Biển Đông hồi tháng 6-2021. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

“Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, việc chú trọng mặt trận pháp lý và khoa học tiếp tục được kế thừa và phát huy, dẫn tới sự ra đời của Báo cáo số 150. Ngoài việc trích dẫn chi tiết UNCLOS và phán quyết 2016, báo cáo cũng nêu và phản biện rõ ràng nhiều lập luận của giới nghiên cứu luật quốc tế của TQ để tăng tính thuyết phục như khái niệm “quyền lịch sử” mà chuyên gia nước này đưa ra” - TS Yiallourides nói.

Cái gọi là quyền lịch sử được giới nghiên cứu luật quốc tế của TQ nêu ra và phổ biến từ ít nhất là năm 2016, nhằm bổ khuyết cho tuyên bố chủ quyền vốn không vững về mặt pháp lý của TQ đối với các thực thể đang tranh chấp dựa vào các bằng chứng, phát kiến khảo cổ và tài liệu lịch sử khó kiểm chứng về mặt nguồn gốc và độ tin cậy. Đến nay, cộng đồng quốc tế hầu như đã bác bỏ lập luận này của TQ; còn Báo cáo số 150 của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định quyền lịch sử là khái niệm vô giá trị và không thể cấu thành tập quán quốc tế vì thiếu sự công nhận của các quốc gia khác và các điều luật quốc tế.

Theo chuyên gia Yiallourides, báo cáo của Mỹ là tài liệu cập nhật, tổng hợp những thông tin mới nhất liên quan các thảo luận pháp lý về tranh chấp Biển Đông có giá trị, nên được các quốc gia đang có tranh chấp với TQ sử dụng trong nỗ lực pháp lý của riêng mình.

Trong khi đó, TS James Charles Kraska thuộc ĐH Hải chiến Mỹ chỉ ra việc công bố Báo cáo số 150 là dấu hiệu cho thấy chính quyền ông Biden muốn chuyển dần hướng tiếp cận vấn đề Biển Đông sang lấy pháp lý, ngoại giao làm trọng tâm - thay vì quá tập trung vào khía cạnh quân sự như người tiền nhiệm. Điều này cũng phù hợp với các tuyên bố của ông Biden trước đó về thiết lập một chính sách ngoại giao mới củng cố các giá trị pháp quyền, quyền con người và dân chủ phương Tây. Thời điểm ra đời báo cáo cũng rất đáng chú ý khi năm nay tới lượt Campuchia làm chủ tịch luân phiên ASEAN giữa lúc quan hệ nước này với TQ đang trở nên nồng ấm hơn, khiến nhiều bên lo ngại tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có thể vì thế mà tiếp tục bị ảnh hưởng.

“Các nước ASEAN vì thế không nên bỏ qua báo cáo mới của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây nên được xem là một thắng lợi cho họ vì Washington rõ ràng đang đứng về phe các nước Đông Nam Á trong cuộc đấu tranh chống lại TQ và mọi sự hỗ trợ đều cần thiết lúc này” - ông Kraska nhận định.

Quốc tế sẽ không im lặng trước Bắc Kinh

Nhìn chung, TS Yiallourides cho rằng ít có khả năng TQ sẽ có thay đổi nào đáng kể trong chính sách Biển Đông sau Báo cáo số 150 của Mỹ. Tuy nhiên, TQ sẽ phải cân nhắc kỹ trong các động thái từ đây trở về sau bởi áp lực quốc tế, nay có thêm sự tham gia chủ động hơn của Mỹ, đang ngày càng lớn dần. “Các nước cả trong lẫn ngoài khu vực đang cùng thể hiện họ không hài lòng và cảm thấy bị đe dọa từ những gì TQ đang làm ở Biển Đông. TQ là một cường quốc không nằm ngoài trật tự quốc tế, do đó họ sẽ không muốn bị cô lập và sẽ phải tính đường khác” - TS Yiallourides nói.

Mặt khác, khi chứng kiến một nước lớn như Mỹ tăng cường can thiệp và lên tiếng về các hành vi phi pháp của TQ trên Biển Đông, các nước Đông Nam Á trong khu vực cũng sẽ có thêm động lực để có các hành động phản đối mạnh hơn với Bắc Kinh. Đây là điều rất cần thiết nếu muốn có sự thay đổi thực chất bởi TQ nhiều lần cố ý phớt lờ lời kêu gọi của khối ASEAN giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình, tự kiềm chế và liên tục gây hấn với những nước nhỏ hơn; gần đây nhất là vụ TQ đưa tàu thăm dò và các tàu hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Indonesia và ở lì trong đó suốt nhiều tháng liền hồi cuối năm ngoái.

“Mỹ và các nước trong khu vực phải rõ ràng với TQ rằng sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi trật tự Biển Đông theo hướng không phù hợp với mô hình trật tự dựa trên luật pháp. Báo cáo là một bước đi đúng đắn theo hướng đó, điều cần làm lúc này là tận dụng sự kiện này để liên tiếp gửi thêm những tín hiệu cứng rắn khác tới TQ để gia tăng sức nặng hơn” - TS Yiallourides nêu ý kiến.

Sau báo cáo Biển Đông, Mỹ đưa tàu áp sát Hoàng Sa

Cổng thông tin chính thức của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ngày 20-1 xác nhận khu trục hạm USS Benfold vừa tiến hành một hoạt động đảm bảo tự do hàng hải theo luật quốc tế trong vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (đang bị TQ chiếm đóng trái phép).

“Mỹ phản đối tuyên bố năm 1996 của TQ về các đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Hoàng Sa. Cho dù có là bên nào tuyên bố chủ quyền đối với các đối tượng địa lý này, việc vẽ đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa là trái pháp luật” - thông cáo Hạm đội 7 viện dẫn UNCLOS nêu rõ.

Phản ứng lại, Bộ Tư lệnh chiến khu miền Nam của TQ ra thông cáo khẳng định việc triển khai khu trục hạm USS Benfold là “trái pháp luật” và đã cử tàu chiến, máy bay giám sát. TQ cũng yêu cầu phía Mỹ “ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích”, nếu không sẽ chịu “hậu quả nghiêm trọng”, theo tờ South China Morning Post.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ tuyên bố Trung Quốc nói sai sự thật vụ xua đuổi tàu chiến khỏi Hoàng Sa

Sau tuyên bố của quân đội Trung Quốc về việc xua đuổi một tàu chiến Mỹ đi vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN