Mỹ-Trung mâu thuẫn về ảnh hưởng từ 11 con đập của TQ với sông Mekong: Chuyên gia nói gì?

Những con đập của Trung Quốc không gây ra vấn đề khô hạn trên sông Mekong mà là một phần của giải pháp ngăn khô hạn. Đó là nghiên cứu gây tranh cãi được Trung Quốc công bố hồi tháng 7.

Sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Nong Khai, Thái Lan.

Sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Nong Khai, Thái Lan.

Nghiên cứu của Trung Quốc đáp trả nghiên cứu do Mỹ tài trợ công bố hồi tháng 4. Nghiên cứu do Mỹ tài trợ kết luận rằng những con đập do Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong là nguyên nhân dẫn đến khô hạn ở vùng hạ lưu tại các quốc gia Đông Nam Á.

Nghiên cứu do Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước Trung Quốc hợp tác thực hiện cho rằng các con đập giúp trữ nước vào mùa mưa và xả nước vào mùa khô.

Các nhà khoa học Trung Quốc, dẫn đầu bởi giáo sư Tian Fuqiang, cho rằng tình trạng khô hạn của sông Mekong là do yếu tố môi trường như nhiệt độ cao và lượng mưa giảm.

Theo nhận định của các nhà phân tích, những thông tin trái ngược trong các nghiên cứu do Mỹ và Trung Quốc tài trợ là dấu hiệu cho thấy sông Mekong đang trở thành điểm nóng mới trong quan hệ Mỹ-Trung, theo SCMP.

Sông Mekong là nguồn sống cho 60 triệu người, bắt đầu từ thượng nguồn ở Trung Quốc, chảy qua Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam.

Theo nghiên cứu do Mỹ tài trợ, Trung Quốc đã giữ lại tới 47 tỉ m3 nước ở vùng thượng nguồn sông Mekong.

Các chuyên gia và các nhóm hoạt động vì môi trường khác cũng phản ứng với nghiên cứu của Trung Quốc.

Sông Mekong đoạn biên giới Thái Lan-Lào.

Sông Mekong đoạn biên giới Thái Lan-Lào.

Brian Eyler, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Stimson, phụ trách khu vực Đông Nam Á, chỉ ra rằng tình trạng khô hạn xảy ra ngay cả ở mùa mưa và nghiên cứu của Trung Quốc không giải thích được vấn đề này. Trung tâm Stimson là tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Washington, Mỹ.

Eyler nói hai đập thủy điện của Trung Quốc tại vùng thượng nguồn sông Mekong, bao gồm Nuozhadu và Xiaowan đã trữ tới 20 tỉ m3 nước trong giai đoạn từ tháng 7 – 8.2019.

Trung tâm Stimston đưa ra kết luận trên dựa vào ảnh chụp vệ tinh và dữ liệu công khai về đập thủy điện do phía Trung Quốc công bố.

“Ngày hôm nay, ảnh vệ tinh cho thấy những con đập này tiếp tục trữ nước, bắt đầu từ tháng 7.2020 và sẽ kéo dài đến hết năm. Dòng sông Mekong một lần nữa giảm xuống mức thấp kỷ lục”, Eyler nói.

Nhà nghiên cứu Sebastian Biba đến từ Đại học Geothe ở Frankfurt, Đức, cho rằng yếu tố môi trường cũng tác động phần nào, nhưng vấn đề vẫn chủ yếu do đập thủy điện Trung Quốc.

“Tỉ lệ tác động đến sông Mekong của đập thủy điện Trung Quốc và yếu tố môi trường có thể là 50:50 nhưng cũng có thể lên tới 80:20”, Biba nói.

Về vấn đề đập thủy điện Trung Quốc trên sông Mekong trữ nước vào mùa mưa và xả lũ vào mùa khô để giúp giải quyết hạn hán, các chuyên gia cũng bày tỏ sự hoài nghi.

Mạng lưới nhân dân sông Mekong (MPN) ở Thái Lan mô tả cách hoạt động của đập thủy điện Trung Quốc như vậy là “trái với tự nhiên”.

Vào mùa mưa, nước lũ đổ về trên sông Mekong giúp các loài cá và động vật thủy sinh khác bơi ngược dòng về vùng thượng nguồn để sinh sản, MPN cho biết.

Hoàng hôn trên sông Mekong ở Việt Nam. Ảnh: SCMP.

Hoàng hôn trên sông Mekong ở Việt Nam. Ảnh: SCMP.

Nhưng Trung Quốc đã trữ lượng nước đáng kể, khiến người dân ở 8 tỉnh của Thái Lan bị ảnh hưởng. Những vùng ẩm ướt lẽ ra chìm trong nước vào mùa mưa nay khô hạn, trong khi những bãi cạn xuất hiện vào mùa khô nay lại bị ngập lụt, khiến hàng triệu con chim mất nơi đẻ trứng, MPN cho biết.

Gary Lee, giám đốc nhóm nghiên cứu quốc tế về sông ngòi Đông Nam Á, nói: “11 đập thủy điện Trung Quốc đã làm xáo trộn dòng chảy về hạ lưu, làm mất nguồn phù sa và nguồn dinh dưỡng khác, ảnh hưởng nặng nề đến hệ sinh thái, khiến cộng đồng người dân ở hạ lưu mất nguồn đánh bắt cá”.

Các nhà nghiên cứu Phần Lan đến từ Đại học Aalto phát hiện rằng, đập thủy điện Trung Quốc chỉ tập trung tích nước phục vụ sản xuất điện, vấn đề kiểm soát lũ trên sông Mekong chỉ là thứ yếu.

Nhà nghiên cứu Biba cho rằng, các báo cáo trái ngược là dấu hiệu cho thấy sông Mekong đã trở thành nơi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh địa chính trị, với mỗi bên công bố nghiên cứu phục vụ mục đích và lợi ích khác nhau.

Biba nói việc Trung Quốc không sẵn sàng chia sẻ dữ liệu sông Mekong với các quốc gia khác là lý do gây mất lòng tin. “Trung Quốc không phải làm vậy nếu họ không có gì để giấu… Trung Quốc có trữ nước song Mekong hay không có lẽ không còn phải tranh cãi, vì thiệt hại là rõ ràng”, Biba nói.

Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng một hệ thống giám sát chung với 6 quốc gia ở vùng sông Mekong có thể giúp giải quyết vấn đề về lòng tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Nước sông Mekong về muộn, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á cạn khô

Vào mùa mưa, sông Mekong là nguồn cấp nước chính cho hồ Tonle Sap – hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, nhưng đây là năm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN