Mỹ sẽ dùng robot thay cá heo dò thủy lôi

Chương trình huấn luyện cá heo làm nhiệm vụ dò thủy lôi của Hải quân Mỹ có lịch sử từ những năm 1950 sẽ từng bước được thay thế bằng máy móc với nhiều ưu điểm vượt trội hơn.

Theo báo UT San Dieg, bắt đầu từ năm 2017, 24 trong tổng số 80 chú cá heo được Hải quân Mỹ huấn luyện thực thi các nhiệm vụ quân sự sẽ được thay thế bằng những robot có hình dạng giống như những ngư lôi không người lái.

Quân đội Mỹ cho biết, các thiết bị máy móc này có thể thực hiện một số công việc dò thủy lôi như những động vật biển từng làm. Các robot sẽ được chế tạo nhanh hơn chứ không như việc phải mất tới 7 năm để huấn luyện một chú cá heo.

Tuy nhiên, thay thế nhiệm vụ nhưng không có nghĩa những chú cá voi này sẽ được “nghỉ hưu”. Chúng sẽ được điều động sang làm nhiệm vụ bảo vệ hải cảng và trục vớt những vật thể dưới đáy đại dương cùng với sư tử biển.

Chương trình huấn luyện động vật biển của Hải quân Mỹ với mức tiền đầu tư 28 triệu USD được thực hiện từ những năm 1950, trong đó có cả những cá voi và cá mập "sát thủ". Đặt trụ sở ở San Diego, chương trình đặc biệt này của Hải quân Mỹ hiện đang sử dụng 80 chú cá heo mũi chai và 40 con sử tử biển California.

Những năm gần đây, cá heo từng được triển khai tới Iraq và Bahrain để tuần tra tìm kiếm người nhái đối phương và xác định vị trí gài thủy lôi.

Nhờ khả năng định vị thủy âm (sonar) bẩm sinh, những động vật có vú này tìm kiếm và xác định vị trí thủy lôi ở những vùng nước nông, cũng có thể ở vùng biển sâu khi sử dụng cùng với các sợi dây, và tận dưới đáy biển ở những nơi thủy lôi bị thực vật và trầm tích che khuất.

Cá heo thường được vận chuyển đi thực hiện nhiệm vụ trên các tàu hải quân trong những chiếc bể lớn, di động có đường kính khoảng 6 m. Năm 2003, cá heo từng được tàu đổ bộ Gunston Hall của Hải quân Mỹ chở đi tham chiến tại Iraq.

Đa phần số cá heo và sư tử biển của Hải quân Mỹ được nuôi tại căn cứ Point Loma, trong những bồn chứa lớn đặt ngoài khơi cửa vịnh. Một số còn làm nhiệm vụ canh gác các căn cứ tàu ngầm ở Georgia và bang Washington.

Quân đội Mỹ chịu trách nhiệm chăm lo những động vật có vú này suốt vòng đời tồn tại của chúng, thậm chí cả sau khi chúng không còn làm nhiệm vụ nữa. Đôi khi, một số cá heo hải quân còn được các công viên động vật như Sea World thuê lại lúc chúng về già.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo The Guardian) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN