Taliban cầm quyền ở Afghanistan: Ảnh hưởng gì tới Trung Quốc?

Khi Mỹ dần rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan, hy vọng của Trung Quốc về việc Washington bị giảm ảnh hưởng tại khu vực được xem là sân sau của Bắc Kinh cũng dần trở thành hiện thực, theo AP.

Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau khi tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8. Ảnh: AP

Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan sau khi tiến vào thủ đô Kabul hôm 15/8. Ảnh: AP

Dẫu vậy, nhiều người cho rằng, việc Mỹ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan cũng có thể mang lại rủi ro và bất ổn cho Trung Á - khu vực được xem là sân sau của Trung Quốc. Thậm chí, các rủi ro, bất ổn này có thể lan sang khu vực biên giới và ảnh hưởng tới cộng đồng đông đảo của người Hồi giáo ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. 

Theo AP, việc Taliban tiếp quản Afghanistan chắc chắn mang lại thời cơ chính trị và cơ hội kinh tế cho Trung Quốc, bao gồm việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ của Afghanistan. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẵn sàng giúp xây dựng lại quốc gia nghèo khó này. 

Để có được những thời cơ và cơ hội trên, Trung Quốc cần một Afghanistan ổn định. Nhưng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan gây ra bất ổn nhiều hơn. 

Giống nhiều quốc gia khác, Trung Quốc lo ngại về nguy cơ khủng bố từ Afghanistan khi Taliban nắm quyền. Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh với Taliban rằng, Afghanistan không thể là nơi nuôi dưỡng cho các phần tử quá khích thường xuyên thực hiện các vụ tấn công vào Tân Cương, giống cách Osama bin Laden mượn Afghanistan làm căn cứ để chuẩn bị cho vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ cách đây 20 năm. 

Một mối đe dọa gần hơn với Trung Quốc có thể là việc các tay súng quá khích thâm nhập vào Pakistan và Trung Á - nơi mà Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều và đang gây dựng liên minh. 

"Taliban đã hứa hẹn sẽ đập tan các lực lượng khủng bố quốc tế, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết họ sẽ thực hiện lời hứa đó như thế nào vì họ chưa được công nhận chính thức", Li Wei, một chuyên gia an ninh quốc tế từng làm việc tại Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, nói. 

Theo AP, Taliban có thể "trở mặt" với Trung Quốc bất cứ lúc nào vì triết lý dựa trên tôn giáo của tổ chức này hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Trung Quốc (coi ổn định xã hội và phát triển kinh tế là hàng đầu). Nhưng sự khác biệt đó không ngăn các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp cận Taliban. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp đón thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar hồi tháng 7. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp đón thủ lĩnh Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar hồi tháng 7. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp đón một phái đoàn của Taliban, do thủ lĩnh Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu, tới thăm Trung Quốc vào cuối tháng 7. Ông Vương nhấn mạnh hy vọng của Trung Quốc về sự ổn định và chấm dứt bạo lực cũng như các mối đe dọa khủng bố ở Afghanistan. 

Một số quan chức và truyền thông Trung Quốc đã chỉ trích điều mà họ gọi là cuộc rút lui "vội vàng" của người Mỹ ở Afghanistan. "Chiến thắng chóng vánh của Taliban khiến người Mỹ ê chề, phá vỡ hình ảnh ngạo nghễ của Washington" là tiêu đề một bài viết trên Thời báo Hoàn cầu - ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Dù vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken rằng, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Washington để giải quyết vấn đề ở Afghanistan. 

Tuy nhiên, ông Vương nhấn mạnh, "Mỹ không thể vừa cố tình kiềm tỏa, dồn ép Bắc Kinh, vừa đề nghị Bắc Kinh phải hỗ trợ và hợp tác". 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, việc rút quân khỏi Afghanistan sẽ giúp Mỹ có tiềm lực, thời gian để tập trung chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng hơn, bao gồm cả Trung Quốc. 

"Nga và Trung Quốc - các đối thủ cạnh tranh chiến lược thực sự của chúng tôi - rất thích Mỹ sẽ tiếp tục chi ra hàng tỷ đô la và nhiều nhân lực, vật lực để ổn định Afghanistan", Tổng thống Mỹ nói vào tuần trước. 

Yin Gang, một nhà nghiên cứu về khu vực Trung Đông tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết, Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích chung về một Afghanistan ổn định. 

"Nếu Afghanistan đạt được sự ổn định, điều đó khiến Washington có được hình ảnh tốt với thế giới, trong khi Bắc Kinh sẽ được mời tham gia vào quá trình tái thiết quốc gia này", Yin nhận định. 

Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào Pakistan, quốc gia có biên giới chung với Afghanistan, với hy vọng phát triển sáng kiến "Vành đai Con đường", qua đó mở rộng phạm vi tiếp cận của Trung Quốc ở nước ngoài bằng thương mại. Tuy vậy, Afghanistan dường như vẫn chưa sẵn sàng đóng vai trò là một mắt xích trong sáng kiến đó. 

Henry Storey, một nhà phân tích rủi ro chính trị ở Úc, nhận định, lợi ích kinh tế sâu rộng của Trung Quốc ở Pakistan và Trung Á có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự trỗi dậy nào của khủng bố ở Afghanistan. 

"Đồng thời, Trung Quốc không muốn đi theo vết xe đổ của Mỹ khi đưa quân tới Afghanistan", Storey nói thêm. 

Nguồn: [Link nguồn]

Afghanistan trong tính toán quyền lợi của Nga - Trung Quốc

Nga và Trung Quốc dù lo ngại nhiều về việc Taliban nắm quyền lãnh đạo ở Afghanistan nhưng quyền lợi của họ vẫn là trên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN