Kinh tế Israel vật lộn giữa các cuộc xung đột liên tiếp

Sự kiện: Tin tức Israel
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Việc phải đương đầu với cuộc chiến ngày càng lan rộng trên nhiều mặt trận đã đẩy nền kinh tế Israel vào tình thế khó khăn.

Cuộc chiến giữa Israel với nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza đã kéo sang năm thứ hai. Trong khi đó cuộc đối đầu giữa Israel với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) manh nha vượt khỏi tầm kiểm soát sau cái chết của lãnh đạo Hezbollah - ông Hassan Nasrallah. Những diễn biến này đã kéo xếp hạng tín dụng của Israel xuống thấp.

Có thể hình dung hiện tại Israel đang trong cuộc chiến nhiều mặt trận: cuộc tấn công trên bộ chống lại Hezbollah ở Lebanon, tiếp tục không kích ở Gaza và Beirut, chuẩn bị đòn trả đũa sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran.

Cuối tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Israel - ông Bezalel Smotrich thừa nhận nền kinh tế Israel đang chịu nhiều căng thẳng nhưng ông tin tưởng kinh tế vẫn có khả năng phục hồi.

Thiệt hại kinh tế “dài hạn”

“Nền kinh tế Israel đang gánh chịu gánh nặng của cuộc chiến dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử đất nước. Nhưng đây là một nền kinh tế mạnh mẽ, thậm chí ngày nay vẫn thu hút vốn đầu tư” - ông Smotrich nói hôm 28-9.

Tuy nhiên theo giới quan sát, một khi xung đột lan rộng, chi phí kinh tế cũng sẽ tăng vọt đối với Israel.

Vào tháng 5, Ngân hàng trung ương Israel ước tính chi phí phát sinh từ các cuộc chiến sẽ vào khoảng 250 tỉ shekel (66 tỉ USD) tính đến cuối năm 2025. Con số này bao gồm chi phí quân sự và chi phí dân sự, chẳng hạn nhà ở cho hàng nghìn người Israel buộc phải di dời do giao tranh. Con số này tương đương với khoảng 12% GDP của Israel.

Xét đến tình hình hiện tại, khi Israel bắt đầu chiến dịch trên bộ ở Lebanon và căng thẳng với Iran leo thang, chi phí quốc phòng của Israel dự kiến sẽ tăng cao, đồng thời việc đưa người Israel trở về nhà cũng bị trì hoãn.

TP Tel Aviv (Israel) vào tháng 8. Ảnh: REUTERS

TP Tel Aviv (Israel) vào tháng 8. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Tài chính Smotrich tin tưởng rằng nền kinh tế Israel sẽ phục hồi sau khi chiến tranh kết thúc, nhưng các nhà kinh tế lo ngại rằng thiệt hại sẽ còn kéo dài rất lâu hậu xung đột.

“Nếu những leo thang gần đây biến thành một cuộc chiến kéo dài và dữ dội hơn, điều này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động kinh tế và tăng trưởng ở Israel” - bà Karnit Flug, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Israel, nói với đài CNN.

Theo bà Flug, có nguy cơ chính phủ Israel phải cắt giảm đầu tư để giải phóng nguồn lực cho quốc phòng. “Điều đó sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong tương lai” - bà Flug nói thêm.

Đồng quan điểm, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS, Israel) cho rằng ngay cả khi lực lượng Israel rút quân khỏi Gaza và tình hình ổn định ở biên giới với Lebanon, nền kinh tế của nước này cũng sẽ yếu hơn so với trước chiến tranh.

“Israel dự kiến ​​sẽ phải chịu thiệt hại kinh tế dài hạn bất kể kết quả ra sao. Tốc độ tăng trưởng dự kiến ​​suy giảm trong mọi kịch bản so với dự báo kinh tế trước chiến tranh và chi tiêu quốc phòng tăng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ suy thoái, gợi nhớ đến thập niên mất mát sau Chiến tranh Yom Kippur 1973” - theo báo cáo của INSS công bố vào tháng 8.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu phi quốc phòng để tài trợ cho “một quân đội mở rộng vĩnh viễn” - như kế hoạch của Bộ trưởng Smotrich - có thể gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.

Bà Flug cho rằng các biện pháp như vậy, cùng với cảm giác suy yếu về mặt an ninh, có thể thúc đẩy một cuộc di cư của những người Israel có trình độ học vấn cao, đặc biệt là các doanh nhân công nghệ.

Việc những người có thu nhập cao di cư hàng loạt sẽ làm tổn hại thêm đến tài chính của Israel, vốn đã bị ảnh hưởng do chiến tranh. Chính phủ Israel đến nay vẫn trì hoãn việc công bố ngân sách quốc gia cho năm 2025, được cho là vì phải cân bằng giữa nhiều khoản chi tiêu.

Việc trì hoãn công bố ngân sách cho năm sau có nguy cơ làm suy yếu uy tín tài chính của Israel và đẩy xếp hạng tín dụng của nước này tiếp tục hạ cấp, gây bất ổn trong các nhà đầu tư.

Chiến tranh đã khiến Israel thâm hụt ngân sách, theo đó, chênh lệch giữa chi tiêu và doanh thu của chính phủ đã lên 8% GDP, từ mức 4% trước chiến tranh. INSS ước tính rằng chỉ cần một tháng “chiến tranh cường độ cao” ở Lebanon cùng với “các đòn đáp trả dữ dội” từ Hezbollah có thể khiến thâm hụt ngân sách của Israel tăng vọt lên 15% và GDP giảm tới 10%.

Ngày 1-10, ngay sau cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel, công ty dịch vụ tài chính Standard & Poor's Global (Mỹ) đã hạ xếp hạng tín dụng của Israel từ “A+” xuống “A” với lý do rủi ro đối với nền kinh tế và tài chính công do xung đột. Đây là lần thứ hai Standard & Poor's Global hạ xếp hạng tín dụng của Israel trong năm nay.

Sự bất ổn là nguyên nhân chính

Để thu hẹp lỗ hổng tài chính, chính phủ không thể dựa vào nguồn thuế ổn định từ các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang sụp đổ và nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư khi chưa rõ cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu.

Một người đàn ông Do Thái đi ngang qua các cửa hàng đóng cửa ở TP Cổ Jerusalem vào ngày 11-9. Ảnh: AFP

Một người đàn ông Do Thái đi ngang qua các cửa hàng đóng cửa ở TP Cổ Jerusalem vào ngày 11-9. Ảnh: AFP

Coface BDi, một công ty phân tích kinh doanh lớn tại Israel, ước tính rằng 60.000 công ty (phần lớn là công ty nhỏ) ở Israel sẽ đóng cửa trong năm nay, tăng so với mức trung bình hàng năm là khoảng 40.000.

“Sự bất ổn không chỉ gây bất lợi cho nền kinh tế mà còn gây bất lợi cho đầu tư” - theo ông Avi Hasson, Giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Startup Nation Central (Israel).

Ngay cả trước xung đột Israel-Hamas, một số công ty công nghệ Israel đã chuyển sang lập công ty ở Mỹ do kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ. Chiến tranh đã làm trầm trọng thêm xu hướng này, hiện nay, hầu hết các công ty công nghệ mới chọn đăng ký thành lập ở nước ngoài bất chấp các ưu đãi về thuế ở Israel.

Chuyên gia Hasson bày tỏ lạc quan về ngành công nghệ Israel nhưng cảnh báo rằng sự tăng trưởng trong tương lai của ngành này “phụ thuộc vào sự ổn định trong khu vực và các chính sách của chính phủ”.

Các ngành kinh tế khác cũng chịu tác động đáng kể từ sự bất ổn địa chính trị. Các ngành nông nghiệp và xây dựng đã phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống nhân lực sau khi chính phủ Israel đình chỉ giấy phép lao động của người Palestine. Hậu quả là giá nông sản tăng cao và lĩnh vực xây dựng nhà ở sụt giảm mạnh.

Ngành du lịch cũng không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng khi lượng khách du lịch giảm mạnh trong năm nay. Bộ Du lịch Israel ước tính rằng lượng khách nước ngoài giảm đã khiến Israel mất 18,7 tỉ shekel (4,9 tỉ USD) doanh thu kể từ khi xung đột bắt đầu.

CNN đưa tin rằng Norman, một khách sạn ở Tel Aviv, đã phải sa thải nhiều nhân viên và giảm giá tới 25%. Ngoài ra, một số tiện nghi của khách sạn đã phải đóng cửa để tiết kiệm chi phí.

Tổng giám đốc khách sạn Norman - ông Yaron Liberman cho biết tỉ lệ lấp đầy phòng đã giảm từ trên 80% trước chiến tranh xuống dưới 50%. “Chúng tôi biết rằng ngày chiến tranh kết thúc, mọi thứ ở đây sẽ hồi phục trở lại. Nhưng vấn đề lớn nhất là sự không chắc chắn về việc khi nào thì chiến tranh sẽ kết thúc” - ông Liberman nói.

Mỹ gây áp lực với Israel liên quan vấn đề viện trợ Gaza

Ngày 15-10, tờ The Times of Israel đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gửi một lá thư đến Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Israel Ron Dermer, trong đó hối thúc Israel phải giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza trong 30 ngày tới.

Theo The Times of Israel, bức thư trên được ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ ký vào ngày 13-10.

Trong thư, hai quan chức Mỹ đã phàn nàn về việc lượng hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân Dải Gaza đã giảm đáng kể trong vài tháng qua.

Ông Blinken và ông Austin cho biết những diễn biến như vậy đặt ra câu hỏi về cam kết của Israel trong việc không hạn chế dòng viện trợ vào Dải Gaza và việc nước này sử dụng vũ khí của Mỹ theo đúng luật pháp quốc tế.

Hai quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng “việc không chứng minh cam kết lâu dài và liên tục trong việc thực hiện và duy trì các biện pháp trên có thể ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ theo bản ghi nhớ NSM-20 và luật pháp Mỹ có liên quan”.

Nếu bị nhận xét là không tuân thủ bản ghi nhớ này, chính quyền Israel sẽ bị coi là vi phạm luật pháp Mỹ và có thể đình chỉ viện trợ quân sự Mỹ dành cho Israel.

Nguồn: [Link nguồn]

Căng thẳng Trung Đông kéo dài, Israel có nguy cơ sa lầy tại mặt trận mới, trong khi Iran có thể phải thay đổi chiến lược họ đã theo đuổi từ lâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO VY ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN