Kịch bản chiến tranh hạt nhân Ấn Độ-Pakistan khiến 100 triệu người chết ngay lập tức

Kịch bản chiến tranh giả định xảy ra vào năm 2025 khi phiến quân tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ, khiến nhiều lãnh đạo thiệt mạng và New Delhi đáp trả bằng đòn tấn công vào khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Cột khói hình nấm được tạo ra từ vụ thử hạt nhân của Mỹ năm 1952.

Cột khói hình nấm được tạo ra từ vụ thử hạt nhân của Mỹ năm 1952.

Theo SCMP, lo ngại bị quân đội Ấn Độ áp đảo, Islamabad đáp trả bằng vũ khí hạt nhân, tạo nên cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử hai nước và còn gây ảnh hưởng đến toàn cầu.

Kịch bản này được các nhà nghiên cứu công bố hôm 2.10, ước tính khoảng 100 triệu người chết ngay lập tức, gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu vì những cột khói đen che phủ ánh sáng Mặt trời suốt hàng thập kỷ.

Căng thẳng Ấn Độ và Pakistan hiện tại chưa có chiều hướng hạ nhiệt. Hai quốc gia từng nhiều lần xung đột trong quá khứ ở khu vực tranh chấp Kashmir.

Cả hai đều có khoảng 150 đầu đạn hạt nhân và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên 200 trong năm 2025.

“Thật không may, kịch bản diễn ra khá hợp lý vì Ấn Độ và Pakistan tiếp tục xung đột trong vấn đề Kashmir. Hàng tháng đều có binh sĩ hoặc dân thường của hai bên thiệt mạng”, Alan Robock, giáo sư khoa học môi trường tại Đại học Rutgers ở Mỹ, đồng tác giả nghiên cứu, nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tước quyền tự trị của vùng Kashmir hồi tháng 8. Tuần trước, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã cảnh báo về chiến tranh hạt nhân, trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Hai quốc gia xảy ra xung đột hồi tháng 2 nhưng sớm hạ nhiệt khi Pakistan trao trả phi công Ấn Độ bị bắn rơi.

Ấn Độ không có chính sách tấn công hạt nhân phủ đầu, nhưng luôn sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để phòng vệ. Pakistan cũng tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu vũ khí thông thường không đẩy lùi được kẻ thù.

Binh sĩ Ấn Độ trong một cuộc tập trận.

Binh sĩ Ấn Độ trong một cuộc tập trận.

Tác giả nghiên cứu nói khả năng cao là một cuộc chiến hạt nhân Ấn Độ-Pakistan sẽ do phía Pakistan khơi mào trước. Tổng số người thiệt mạng có thể lên tới 125 triệu, so với Thế chiến 2 khiến 75-80 triệu người chết.

Trong viễn cảnh tồi tệ nhất, hai quốc gia có thể dùng đến vũ khí hạt nhân 100kt, gấp 6 lần quả bom Mỹ ném xuống Nhật Bản trong Thế chiến 2.

“Ấn Độ có thể hứng chịu thương vong gấp 2-3 lần Pakistan vì trong kịch bản giả định của chúng tôi, Pakistan sử dụng nhiều vũ khí hạt nhân hơn và Ấn Độ có số dân đông hơn tập trung ở đô thị”, nghiên cứu viết.

Thảm họa hạt nhân khi đó chỉ mới bắt đầu. Nghiên cứu ước tính có 16-36 triệu tấn carbon đen thải vào bầu khí quyển, bao trùm Trái đất chỉ sau vài tuần. Kết quả là lượng ánh sáng Mặt trời rọi xuống mặt đất giảm từ 20-35%, khiến nhiệt độ giảm 2-5 độ C, lượng mưa giảm 15-30%.

“Tôi hi vọng nghiên cứu này sẽ khiến mọi người nhận ra việc sử dụng vũ khí hạt nhân gây thảm họa đến mức nào”, Robock nói.

Johann Chacko, nghiên cứu sinh ở London, nói “nghiên cứu này khiến cộng đồng quốc tế đánh giá hậu quả của chiến tranh hạt nhân đối với toàn thế giới, chứ không chỉ là các nước có khả năng tham chiến trực tiếp”.

Kịch bản chiến tranh hạt nhân Nga-Mỹ: 34 triệu người chết trong 45 phút?

Một chương trình giả lập đưa ra kết quả rằng 90 triệu người trở thành nạn nhân ngay lập tức, kèm theo đó là thảm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN