Khủng hoảng liên tiếp đeo bám Tổng thống Pháp Macron

Đợt bạo loạn bùng lên ở Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên trở thành cuộc khủng hoảng nguy hiểm và không mong muốn đối với Tổng thống Emmanuel Macron, trong bối cảnh ông đang nỗ lực tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ 2 của mình.

Đợt bạo loạn kéo dài 5 ngày liên tiếp trên khắp các thành phố Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi. (Ảnh: Reuters)

Đợt bạo loạn kéo dài 5 ngày liên tiếp trên khắp các thành phố Pháp sau vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên 17 tuổi. (Ảnh: Reuters)

Cuộc bạo loạn lần này nổ ra sau khi Chính phủ Pháp chấm dứt được đợt biểu tình kéo dài nửa năm để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu gây tranh cãi.

Hình ảnh những cửa hàng bị cướp bóc và xe buýt bị đốt cháy trên khắp đất nước có nguy cơ làm tổn hại đến vị thế quốc tế của Tổng thống Macron, vào thời điểm nhà lãnh đạo này muốn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Macron buộc phải hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức, dự kiến bắt đầu vào cuối tuần này và là chuyến thăm đầu tiên như vậy của một nguyên thủ quốc gia Pháp sau 23 năm. Ông phải cắt ngắn lịch dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels trong tuần này, vội trở về Paris để chủ trì cuộc họp khẩn cấp để xử lý khủng hoảng.

Đầu năm nay, Pháp cũng phải huỷ kế hoạch đón Vua Anh Charles III đến thăm - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông với tư cách là quốc vương - do các cuộc biểu tình kéo dài trên đường phố Pháp để phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu.

Sau nhiệm kỳ đầu tiên bị chi phối bởi các cuộc biểu tình của lực lượng áo vàng rồi đến đại dịch COVID-19, nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron một lần nữa có nguy cơ bị phủ bóng bởi những nỗ lực đối phó khủng hoảng, thay vì thực thi chính sách.

Bruno Cautres, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chính trị thuộc ĐH Science Po, cho rằng đợt bạo loạn lần này "là tin rất xấu đối với tổng thống", khi ông đang hy vọng có một giai đoạn suôn sẻ sau khi vượt qua vượt qua cuộc khủng hoảng lương hưu.

"Mọi người kinh ngạc khi thấy đất nước của chúng ta lần lượt phải đối mặt với những đợt căng thẳng, bạo lực và khủng hoảng. Không một nhà lãnh đạo nào có thể mạo hiểm để xảy ra một cuộc khủng hoảng nữa chỉ sau vài tháng", Cautres nói.

Bạo loạn nổ ra trong tuần này ngay sau khi ông Macron vừa kết thúc chuyến công du kéo dài 3 ngày tới thành phố phía Nam Marseille, nơi ông nỗ lực thúc đẩy chương trình hành động nhằm giải quyết các vấn đề đô thị ở những khu vực khó khăn nhất của Pháp.

Ông cũng bị chế giễu trên các phương tiện truyền thông nước ngoài vì việc tham dự buổi hòa nhạc chia tay của Elton John ở Paris hôm 28/6, chỉ vài giờ trước khi bạo loạn nổ ra.

Đảng cầm quyền của ông Macron mất đa số ghế trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2022, vì thế càng phải thận trọng trong xử lý những vấn đề trong nước.

Ông Macron rất hiểu rằng đối thủ cực hữu Marine Le Pen vẫn đang chuẩn bị để chờ cơ hội giành lấy Điện Elysee trong cuộc bầu cử năm 2027, sau đó chắc chắn sẽ phá hỏng di sản của ông và đưa chính phủ về phía cánh hữu trong các vấn đề an ninh.

Con mắt của thế giới cũng đang đổ dồn về nước Pháp khi Paris chuẩn bị tổ chức Thế vận hội chỉ sau hơn 1 năm nữa.

Nguồn: [Link nguồn]

Bạo loạn dữ dội ở Pháp: Cảnh sát bị bắn; ông Macron hoãn công du Đức

Bạo lực và cướp phá hoành hành khắp nước Pháp trong đêm thứ 4, bất chấp hàng chục nghìn cảnh sát được triển khai thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN