Gần 30 năm trước, tàu ngầm Nga đã đưa người vào trong xác tàu Titanic như thế nào?

Người một mực đòi xuống thăm xác tàu Titanic khi đó bị chế giễu là một "gã điên", nhưng nhờ quyết tâm thực hiện bằng được, ông đã có một bộ phim thành công rực rỡ.

Đạo diễn James Cameron từng bị xem là "gã điên" khi muốn xuống quay chi tiết xác tàu Titanic ở độ sâu 3.800m để làm phim cho chân thật. Ảnh: Sputnik

Đạo diễn James Cameron từng bị xem là "gã điên" khi muốn xuống quay chi tiết xác tàu Titanic ở độ sâu 3.800m để làm phim cho chân thật. Ảnh: Sputnik

Theo Russia Beyond, bộ phim bom tấn Titanic của đạo diễn người Canada James Cameron ra rạp năm 1997 với kinh phí kỷ lục 200 triệu USD. Chỉ sau 25 ngày công chiếu, bộ phim đã giúp thu hồi vốn. 

Trước khi giành được hào quang nhờ bộ phim bom tấn, đạo diễn Cameron đã bị gắn mác "gã điên" khi ông nhất quyết muốn đi một chuyến xuống đáy biển để quay lại xác tàu Titanic nhằm phác họa chính xác nội thất của con tàu danh tiếng.

"Gã điên" bạo chi để xuống quay cận cảnh xác Titanic

Vào thời điểm đó, chỉ có người Nga mới có thể hỗ trợ cho một chuyến đi như vậy nhờ 2 tàu ngầm mini từ thời Liên Xô. 

10 năm trước khi bộ phim Titanic được công chiếu, ông Cameron đã xem một bộ phim tài liệu của đồng nghiệp Stephen Low về tàu Titanic. Trong phim, có những cảnh quay về xác tàu Titanic ở độ sâu 3.800m ở đáy Đại Tây Dương. 

Các cảnh quay đó có được là nhờ 2 tàu ngầm mini Mir-1 và Mir-2 - được xem là phương tiện dưới nước tốt nhất thế giới thời điểm đó. Cameron lập tức tới Nga để gặp các nhà hải dương học liên quan tới các tàu ngầm mini này. 

Đạo diễn người Canada đã tới thành phố Kaliningrad, nơi có tàu nghiên cứu Akademik Mstislav Keldysh. Đây là con tàu chuyên chở 2 tàu ngầm mini Mir-1 và Mir-2. Kế hoạch thăm xác tàu Titanic của ông Cameron khi đó đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một khoản tiền khổng lồ. 

"Ông ấy đã dành 2 năm để xem xét mọi thứ. Khi đó chưa có thư điện tử, chúng tôi phải dùng máy fax để trao đổi công việc", Anatoly Sagalevich, nhà khoa học từng tham gia vào quá trình quay các cảnh về xác tàu Titanic cho bộ phim tài liệu của đạo diễn Stephen Low, chia sẻ về ông Cameron.

Nhà khoa học Nga Anatoly Sagalevich chụp ảnh cùng tàu ngầm mini Mir-1. Ảnh: TASS

Nhà khoa học Nga Anatoly Sagalevich chụp ảnh cùng tàu ngầm mini Mir-1. Ảnh: TASS

Kế hoạch của đạo diễn người Canada là một nhiệm vụ đầy tham vọng vì ông Cameron không chỉ muốn ghi lại nội thất của tàu Titanic mà còn muốn đưa các cảnh quay vào bộ phim bom tấn. Thiết bị quay thông thường không thể hoạt động ở độ sâu 3.800m. 

"Ông ấy muốn quay phim ở chế độ âm thanh nổi - sử dụng 2 camera trong một hộp đựng - nhưng phải làm chúng mỏng bằng một nửa so với kích thước thông thường. Những người sản xuất nói họ có thể làm những chiếc camera kiểu đó nhưng mức giá không còn là 250.000 USD mà là 1 triệu USD. Cameron khi đó nói rằng ông ấy sẵn sàng trả cái giá đó", Evgeny Chernyaev, một nhà khoa học tham gia dự án, nói. 

Năm 1995, tàu nghiên cứu Keldysh đưa 2 tàu ngầm mini tới khu vực có xác tàu Titanic trong 20 ngày để quay phim. Các thành viên tham gia chuyến đi đã có 20 lần xuống tới khu vực tàu Titanic "yên nghỉ" ở độ sâu 3.800m.

Đạo diễn Cameron bên trong tàu ngầm Mir. Ảnh: Shutterstock

Đạo diễn Cameron bên trong tàu ngầm Mir. Ảnh: Shutterstock

"Áp suất dưới nước ở độ sâu đó tương đương với một lực hơn 160 tấn tác động lên tàu ngầm mini. Nó tương đương với việc tàu ngầm phải chịu sức ép tương đương trọng lượng của 4 chiếc xe tăng", nhà khoa học Anatoly Sagalevich chia sẻ năm 2021. 

Mỗi lần xuống độ sâu 3.800m, đoàn phim chỉ có đủ phim để quay 20 phút. Máy quay được đặt trong một vỏ thủy lực đặc biệt, gắn trên thân tàu. Các mô đun nhỏ điều khiển bằng sóng radio được lắp trên cả 2 tàu ngầm Mir-1 và Mir-2. Các tàu ngầm này không chỉ đi vòng ngoài mà còn đi cả vào bên trong xác tàu Titanic. 

Ông Cameron cho biết, thành viên trên tàu ngầm còn có thông tin chi tiết về hành khách và tìm thấy quần áo, vật dụng cá nhân khi tàu ngầm đi vào trong các cabin. 

Một số cảnh quay ở độ sâu 3.800m đã được đạo diễn người Canada đưa vào bộ phim năm 1997. Những cảnh quay khác được sử dụng làm tài liệu cho phim tư liệu.

Mọi thứ về 2 tàu ngầm mini Mir-1 và Mir-2

Cấu tạo của tàu ngầm mini Mir: 1. Khoang cầu chứa người, 2. Thân tàu, 3. Các cầu dằn, 4. tay máy, 5. thanh dụng cụ, 6. đèn chiếu, 7. Màn hình, máy ảnh trên một thiết bị có thể xoay, 8. Ván trượt hỗ trợ, 9. Dằn khẩn cấp, 10. Động cơ bên, 11. Máy bơm nước dằn cao áp, 12. Trạm thủy lực với ổ điện, 13. Các hộp pin 120V, 14. Các hộp với pin 24V, 15. Động cơ chính, 16. Vòi phun động cơ chính, 17. Phần cánh ở đuôi, 18. Phao cứu hộ. Ảnh: Ganarts

Cấu tạo của tàu ngầm mini Mir: 1. Khoang cầu chứa người, 2. Thân tàu, 3. Các cầu dằn, 4. tay máy, 5. thanh dụng cụ, 6. đèn chiếu, 7. Màn hình, máy ảnh trên một thiết bị có thể xoay, 8. Ván trượt hỗ trợ, 9. Dằn khẩn cấp, 10. Động cơ bên, 11. Máy bơm nước dằn cao áp, 12. Trạm thủy lực với ổ điện, 13. Các hộp pin 120V, 14. Các hộp với pin 24V, 15. Động cơ chính, 16. Vòi phun động cơ chính, 17. Phần cánh ở đuôi, 18. Phao cứu hộ. Ảnh: Ganarts

Tàu ngầm mini Mir-1 và Mir-2 do công ty Rauma Repola sản xuất ở Phần Lan theo một dự án chung giữa Liên Xô và Phần Lan. Việc chế tạo 2 tàu ngầm này bắt đầu từ tháng 5/1985 và kết thúc vào tháng 11/1987. Sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, 2 tàu ngầm này được bàn giao cho Viện Hải dương học PP Shirshov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. 

Tàu ngầm Mir-1 và Mir-2 đều có chung các thông số: dài 7,8m, rộng 3,6m, cao 3m, có trọng lượng 18,6 tấn, và trọng tải tối đa là 290kg). Lớp vỏ của phần khoang hình cầu chứa người dày 5cm. 

Mỗi tàu có khả năng chở theo 3 người, gồm 1 lái tàu và 2 hành khách, trong 246 giờ ở độ sâu khoảng 6.000m. Theo lý thuyết, điều này cho phép các tàu Mir có thể tiếp cận tới 98% các đại dương trên thế giới.

Khoang cầu áp suất trên các tàu Mir được chế tạo bằng hợp kim thép cứng tốt hơn 10% so với titan. Hợp kim thép cứng này chứa khoảng 30% coban và một lượng nhỏ niken, crôm và titan. Không giống như các phương tiện lặn sâu khác sử dụng chấn lưu bằng sắt để chạm tới đáy đại dương, sức nổi và độ sâu của các tàu ngầm Mir được điều chỉnh bằng két dằn - một khoang bên trong tàu có chứa nước, được sử dụng làm dằn để cung cấp độ ổn định thủy tĩnh, giảm hoặc kiểm soát sức nổi của tàu ngầm. 

Các tàu Mir có tốc độ tối đa là 9km/h và có khả năng cơ động nhờ động cơ đẩy chính ở đuôi tàu và hai động cơ đẩy ở 2 bên. 

Tháng 12/1987, 2 tàu Mir được chạy thử ở Đại Tây Dương với độ sâu tương ứng lần lượt là 6.170m và 6.120m. Trong 20 năm hoạt động, 2 tàu ngầm Mir đã tham gia vào hàng loạt hoạt động ở các vùng nước sâu. Mục đích khi sản xuất 2 tàu ngầm này là để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và cứu hộ tàu ngầm (dù không thể đưa người lên tàu khi ở dưới biển).

Tàu ngầm Mir được sản xuất để phục vụ công tác cứu hộ và nghiên cứu khoa học. Ảnh:ING

Tàu ngầm Mir được sản xuất để phục vụ công tác cứu hộ và nghiên cứu khoa học. Ảnh:ING

Mir-1 và Mir-2 đã tiến hành nghiên cứu các miệng phun thủy nhiệt ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Bắc Cực. Trong giai đoạn 2000-2007, một số cuộc thám hiểm nghiên cứu khảo cổ bằng Mir-1 và Mir-2 cũng được thực hiện ở nơi có các xác tàu như tàu Titanic (ở độ sâu 3.800m), tàu chiến Bismarck (4.700m), tàu ngầm Nhật Bản trong Thế chiến II (5.400m). 

Hơn 10 bộ phim, trong đó có "bom tấn" Titanic, đã thành công nhờ sự hỗ trợ từ các cảnh quay do tàu ngầm Mir-1 và Mir-2 thực hiện. 

Theo Russian Beyond, ngoài khám phá các đại dương, các tàu ngầm Mir còn thám hiểm hồ sâu nhất thế giới - Baikal. Tháng 8/2009, ông Putin đã sử dụng tàu ngầm Mir-1 để thám hiểm ở đáy hồ này. 

Các tàu ngầm Mir-1 và Mir-2 hiện vẫn ở Kaliningrad nhưng không còn tham gia vào các hoạt động thám hiểm và cứu hộ. Mir-1 thậm chí còn được đem vào trưng bày tại Viện bảo tàng Hải Dương Thế giới, trong khi Mir-2 đang được để tại Viện Hải dương học, thuộc Học viện Khoa học và Công nghệ Nga.

Nguồn: [Link nguồn]

VIDEO: Những hình ảnh đầu tiên về xác tàu Titanic được một đội thám hiểm quay lại

Video cho thấy những hình ảnh đầu tiên về xác tàu Titanic được một đội thám hiểm quay lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN