Cẩn trọng trò chia rẽ ASEAN của Trung Quốc

Trung Quốc muốn chia rẽ ASEAN, qua đó thống trị biển Đông. Điều này không mới nhưng các nước phải luôn cẩn trọng và đề phòng.

Tàu dân quân biển TQ trong một lần quấy nhiễu tàu USNS Impeccable của Mỹ. Ảnh: CIMSEC

Tàu dân quân biển TQ trong một lần quấy nhiễu tàu USNS Impeccable của Mỹ. Ảnh: CIMSEC

Báo Asia Times hôm 3-5 có bài xã luận của tác giả John McBeth với nhan đề “Trung Quốc (TQ) chơi trò chia rẽ và thống trị ở biển Đông”. Theo đó, Bắc Kinh đang tìm cách khai thác một số quan điểm khác nhau trong lập trường của một số nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông để tạo ra sự chia rẽ nội khối. Từ đó, TQ sẽ thúc đẩy việc vẽ lại bản đồ khu vực biển này.

Không lạm bàn về nội dung chi tiết mà tác giả John McBeth trình bày, điều quan trọng hơn cần được mổ xẻ chính là (i) những khó khăn nào của ASEAN khiến TQ có thể lợi dụng, khai thác; và (ii) giải pháp ứng phó TQ ra sao.

Trung Quốc tìm cách lợi dụng Philippines…

Ở biển Đông, ngoài TQ thì một số nước ASEAN như Malaysia, Philippines, Việt Nam... đều có tuyên bố chủ quyền. Đây chính là điểm đầu tiên TQ muốn khai thác để chia rẽ các nước ASEAN. Việc các nước ASEAN có tranh chấp biển Đông và cho đến nay chưa giải quyết dứt điểm về mặt nội bộ giúp TQ tìm kiếm khoảng trống để chen chân vào cuộc chơi. Tất nhiên, đây không phải là toàn bộ bức tranh về tham vọng của TQ. Tuy nhiên, trong bối cảnh tính đoàn kết và thống nhất giữa các nước ASEAN về vấn đề biển Đông còn gặp thách thức thì TQ luôn tìm cách “đục nước béo cò”.

Quốc gia đầu tiên và rõ nhất mà Bắc Kinh khai thác là Philippines. Trong khi người dân Philippines bày tỏ bức xúc trước cách hành xử của TQ thì chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte lại quá mềm dẻo trước Bắc Kinh. Có thể thấy chiến thắng của chính quyền tiền nhiệm tại Tòa Trọng tài 2016 khi kiện TQ ở biển Đông đã bị Tổng thống Duterte “lờ đi”. Tuy không đủ thẩm quyền để lật ngược hay từ bỏ phán quyết nhưng cho đến nay ông Duterte chưa đả động đáng kể đến phán quyết của tòa trong đối thoại với TQ.

Ngoài ra, bất chấp Malaysia, Việt Nam phản đối kịch liệt cái mà TQ gọi là “gác tranh chấp, cùng khai thác”, Manila tìm cách xích lại gần Bắc Kinh và ủng hộ chủ trương rất nguy hiểm này. Ông Duterte đã triển khai các bước đi ngoại giao cùng người đồng cấp Tập Cận Bình để thúc đẩy việc khai thác chung tài nguyên “theo tỉ lệ ăn chia 60-40” (Philippines 60%) trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines vào năm 2019. Cho đến nay, chưa rõ việc hợp tác đã đi đến đâu nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy Philippines đổi ý.

… và các vụ va chạm tàu cá trên biển

Việc các quốc gia trong khu vực để xảy ra tình trạng đánh bắt hải sản trái phép cũng bị Bắc Kinh tận dụng. Phải thừa nhận rằng nhiều năm qua đã xuất hiện các vụ ngư dân nội khối ASEAN đánh bắt cá trái phép khiến chính quyền các nước thành viên khó xử. Có nhiều nguyên nhân: Tàu cá đánh bắt xa bờ gặp bão phải di chuyển vào EEZ nước khác; hiểu biết và ý thức của nhiều ngư dân các nước còn hạn chế; các trang thiết bị định vị đánh bắt cá của các tàu chưa đáp ứng yêu cầu; hoặc một phần cũng vì sự chồng lấn hoặc tranh chấp ở các vùng biển giữa các nước ASEAN chưa ngã ngũ. Các nước ASEAN đã giải quyết ổn thỏa và tìm giải pháp để hạn chế tối đa các căng thẳng đáng tiếc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh thường xuyên thổi phồng các vụ va chạm nói trên nhằm tìm cách khoét sâu mâu thuẫn giữa các nước. Hôm 11-4, báo South China Morning Post có bài viết “Nói xấu TQ không giúp giải quyết tranh chấp trong vùng biển Đông giàu hải sản” của học giả GS Mark J. Valencia (học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông, TQ).

Vị học giả thân TQ này đưa ra hai luận điểm sai trái: (i) Việc đánh bắt cá bất hợp pháp bởi tàu thuyền đến từ nhiều quốc gia (ASEAN) chứ không chỉ tàu TQ. Điều đó khiến tình hình biển Đông thêm phức tạp; đồng thời (ii) dữ liệu về các vụ đánh bắt cá trái phép tại biển Đông cho thấy TQ không phải là quốc gia “tồi tệ nhất”. Valencia cho rằng các đội tàu cá của một số nước ASEAN mới chính là phía thực hiện thường xuyên các vụ đánh bắt trái phép.

Trung Quốc và ASEAN đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC). Có hai vấn đề ASEAN đặc biệt lưu ý: (i) Không nên giới hạn phạm vi của COC chỉ ở quần đảo Trường Sa, mà là cả biển Đông; (ii) COC phải có những cơ chế giải quyết tranh chấp, đủ khả năng đưa ra các biện pháp chế tài nếu như TQ vi phạm các nguyên tắc chung, vốn dựa trên luật pháp quốc tế. 

Giải pháp cho ASEAN

Dù một số nước ASEAN vẫn còn những khác biệt về biển Đông nhưng điều đáng mừng là các nước đều chủ trương tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Chiến thắng của Philippines tại Tòa Trọng tài 2016 cho đến nay vẫn là một tiền lệ rất quan trọng, định hướng để các nước có thể ngồi lại giải quyết tranh chấp nội bộ theo luật.

Việc chọn hướng “thượng tôn pháp luật” của ASEAN rất khác lập trường “bẻ cong pháp luật” của TQ. Điều đó tạo ra ưu thế cho ASEAN về dư luận quốc tế, mở đường cho sự ủng hộ từ các nước như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ... đối với các quốc gia biển Đông. Trong khi Bắc Kinh tìm cách thuyết phục chính quyền Duterte theo chủ trương “khai thác chung”, một số nước ASEAN có yêu sách ở biển Đông như Malaysia, Việt Nam nên chủ động kêu gọi bên thứ ba cùng tham gia đảm bảo an ninh-trật tự khu vực theo luật quốc tế.

Trên mặt trận tuyên truyền, các nước ASEAN cần để thế giới hiểu rõ hai vấn đề: Thứ nhất, tuyên bố “quyền lịch sử” của TQ đã bị Tòa trọng tài 2016 bác bỏ tại vùng biển trong phạm vi “đường lưỡi bò”. Dù vậy, các đội tàu cá hùng hậu của TQ vẫn ngang nhiên khai thác hải sản ở các vùng biển ấy. Các vùng biển của Malaysia, Việt Nam, Philippines, Indonesia thường xuyên bị tàu cá TQ quấy rối, đánh bắt trộm bất chấp cảnh báo. Thậm chí, các đội tàu có vũ trang giả danh tàu cá TQ cũng thường xuyên bắt nạt, đe dọa tàu thuyền hợp pháp các nước.

Thứ hai, bản chất các vụ va chạm tàu cá giữa các nước ASEAN không giống các vụ va chạm với TQ. Ví dụ, tàu cá Việt Nam từng bị Indonesia bắt giữ vì nước bạn cho rằng ngư dân Việt Nam xâm phạm biển của họ. Tuy nhiên, vùng biển này nằm ở phía bắc đường phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia - nơi cả hai xem là vùng có tranh chấp. Theo luật quốc tế, ngư dân hai nước cùng được đánh bắt cá. Trong khi đó, các va chạm của ASEAN với phía TQ thường xuất phát từ hành vi xâm phạm của các đội tàu dân quân biển (tàu cá có vũ trang). Nhóm tàu này hung hăng, gây rối và hoạt động tại vùng biển cách xa đảo Hải Nam hàng ngàn hải lý, vốn nằm trong EEZ của nước khác.

Các nước ASEAN cũng cần tìm cách thiết lập các đội tuần tra chung để giám sát hoạt động đánh bắt, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn đáng tiếc. Việc giáo dục ý thức ngư dân trong đánh bắt cá hợp pháp cũng cần được đẩy mạnh để giảm thiểu những bất đồng không cần thiết. Từ đó, ASEAN mới có thể hợp sức và phối hợp với các nước khác ứng phó một TQ muốn bá quyền ở biển Đông.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia nào thật sự muốn gây hấn ở biển Đông?

Trung Quốc triển khai chiến dịch ngoại giao đổ lỗi tại biển Đông, qua đó muốn tránh né tất cả những hành vi phạm pháp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN