AUKUS và trật tự thế giới mới không có chỗ cho Trung Quốc

Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) cho thấy phương Tây tăng cường bảo vệ quyền lợi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời AUKUS còn khiến Trung Quốc rơi vào thế khó.

Ngày 15-9, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison bất ngờ công bố Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên (AUKUS) với mục tiêu củng cố hợp tác an ninh - quân sự và ngoại giao, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD).

Cũng giống như một liên minh khác là “Bộ tứ kim cương” (QUAD - gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc), AUKUS không đề cập tới yếu tố Trung Quốc (TQ) và không công khai tuyên bố gây hấn với Bắc Kinh. Tuy nhiên, ý định ngăn cản sức ảnh hưởng ngày càng lan rộng của TQ vẫn thể hiện rất rõ ở AUKUS.

Tàu ngầm USS Missouri, một trong những tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ, tại vùng biển Hawaii đầu tháng 9. Ảnh: US NAVY/AP

Tàu ngầm USS Missouri, một trong những tàu ngầm hạt nhân của hải quân Mỹ, tại vùng biển Hawaii đầu tháng 9. Ảnh: US NAVY/AP

Với AUKUS, trật tự thế giới đang thay đổi

Theo bài viết trên tờ The Guardian của TS Rana Mitter thuộc ĐH Oxford (Anh), AUKUS trước hết đã tiết lộ tư duy của các nước thành viên về các vấn đề quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay. Đối với Mỹ, AUKUS là một lời cam kết mạnh mẽ rằng nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy các giá trị phương Tây trên toàn cầu và đảm bảo trật tự có lợi cho các giá trị này ở những khu vực ẩn chứa nhiều rủi ro, ở đây là AĐD-TBD. Trên thực tế, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã khẳng định AUKUS sẽ tồn tại trong nhiều thập niên. Do đó, thỏa thuận mới sẽ gắn Mỹ vào cơ cấu an ninh khu vực châu Á - TBD trong tương lai, dù người đứng đầu Nhà Trắng có là ai đi nữa.

Chỉ vài giờ sau khi Mỹ - Anh - Úc thông báo thành lập AUKUS, Liên minh châu Âu (EU) công bố bản chiến lược đối với AĐD-TBD. Theo quan điểm của EU, đây là khu vực “có tầm ảnh hưởng chiến lược hàng đầu đối với lợi ích của EU” và thuộc diện EU ưu tiên đẩy mạnh hợp tác.

Nhiều ý kiến cho rằng việc EU và ba thành viên AUKUS không phối hợp để cùng thông báo một lúc mà để người đi trước, đi sau về cùng một vấn đề là chỉ dấu rõ ràng cho sự rạn nứt trong quan hệ hai bờ Đại Tây Dương - một sai lầm có thể bị các quốc gia khác lợi dụng khoét sâu thêm và khiến phương Tây phải trả giá. Tuy nhiên, The Guardian cho rằng đây là đánh giá tiêu cực chủ quan bởi nếu phóng tầm nhìn ra dài hạn thì AUKUS đã gắn kết Mỹ sâu hơn vào cấu trúc an ninh châu Âu.

Điều này đặc biệt hơn bởi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng trở nên ít quan trọng hơn vì Nga, đối trọng lớn nhất của NATO, hiện không còn quá nguy hiểm nếu so với những bước tiến đáng lo ngại về mặt quân sự của TQ những năm gần đây.

The Guardian dự đoán trong vài chục năm tới thì châu Âu có thể sẽ xuất hiện một trật tự mới với Anh và Pháp là những trụ cột quan trọng của nền an ninh châu Âu, bên cạnh một lực lượng quân sự của riêng EU. Thời điểm này Pháp vẫn đang tức giận vì bị vụt khỏi tay bản hợp đồng tàu ngầm với Úc vì AUKUS nhưng khi cơn giận qua đi thì việc có Mỹ và Anh cùng là thành viên liên minh này sẽ giúp quan hệ xuyên bờ Đại Tây Dương trở nên vững chắc hơn. Một quốc gia châu Âu ngoài EU như Anh sẽ có nhiều tiếng nói hơn khi đứng cùng EU trên các vấn đề an ninh với tư cách là thành viên AUKUS, còn EU tiếp tục được hưởng lợi với sự bảo trợ quân sự vượt trội từ Mỹ.

Trung Quốc rơi vào thế khó

TS Stephen Walt thuộc ĐH Harvard (Mỹ), trong một bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Policy, cho rằng hiện các phản ứng của TQ đối với AUKUS vẫn tương đối nhẹ nhàng, cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa xem liên minh mới là một mối đe dọa tiềm tàng với vị thế của mình. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 17-9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên chỉ lặp lại các luận điệu chỉ trích cũ khi cho rằng AUKUS gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình khu vực và là sản phẩm của “tâm lý Chiến tranh lạnh lỗi thời”.

Tuy nhiên, việc cùng lúc tồn tại hai liên minh mang nhiều yếu tố quân sự ở AĐD-TBD là AUKUS và QUAD cùng do Mỹ lãnh đạo chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ với tham vọng bá quyền của TQ ở đây, vì cán cân quyền lực khu vực lúc này dường như đang bắt đầu nghiêng về phía Washington và các đồng minh. Điều này trước mắt sẽ rất có lợi cho các nước nhỏ trong khu vực bởi TQ không còn nhiều không gian chính trị để tiến hành các chiêu trò o ép thường thấy nhằm cưỡng ép các nước này làm theo ý mình.

Cũng theo ông Walt, một trong những mục tiêu hợp tác quan trọng của AUKUS là chia sẻ công nghệ và mở rộng hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Mỹ - Anh - Úc. Trong khuôn khổ liên minh mới, hải quân Mỹ trong thời gian tới sẽ có thể vận hành các tàu ngầm hạt nhân từ căn cứ hải quân Úc tại TP Perth, thay vì chỉ từ căn cứ ở đảo Guam (Mỹ) và đảo Okinawa (Nhật). Điều này sẽ giúp Mỹ và đồng minh triển khai nhanh chóng các hạm đội như vậy trên các vùng biển ở AĐD-TBD, nhiều khả năng là có cả Biển Đông.

“Tất cả diễn biến này xét cho cùng đều là phản ứng của những nước khác với cách làm ngoại giao tiêu cực, tự cô lập mình của TQ. Nước này hiện mâu thuẫn thương mại với hầu hết thành viên trong QUAD và AUKUS, đi cùng với những tranh cãi về COVID-19. Úc lâu nay là nước muốn làm ngoại giao mềm dẻo giờ cũng phải bắt đầu chạy đua vũ trang cho thấy TQ đã đi quá giới hạn. Nếu không có thay đổi, tôi cho rằng trật tự thế giới mới không thể nào có ghế cho họ” - ông Walt nhận định.

Cơ cấu an ninh thế giới hiện nay không còn mang tính lưỡng cực như xưa. Thay vào đó, một trật tự thế giới tự do hơn đang định hình với sự xuất hiện của các “tiểu đa phương” - những nhóm nhỏ quốc gia đứng ra giải quyết các vấn đề khác nhau trên thế giới. AUKUS và QUAD là những ví dụ điển hình.

TS RANA MITTER, ĐH Oxford (Anh)

   

Mỹ cố gắng xoa dịu Pháp

Việc hình thành liên minh AUKUS lập tức nhận nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế. Phản ứng mạnh mẽ nhất đến từ Pháp với việc Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian gọi đây là “cú đâm sau lưng”, còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Florence Parly tuyên bố AUKUS là “một sự thất vọng lớn” và hủy một phiên hội đàm với người đồng cấp Anh Ben Wallace, theo tờ The Guardian.

Nỗi bất bình của giới lãnh đạo Paris là có thể hiểu được bởi một mặt Pháp là đồng minh thân cận của Mỹ - Anh - Úc nhưng lại không được báo trước mà chỉ được biết cùng lúc với toàn thế giới khi lãnh đạo ba nước này thông báo hôm 15-9.

Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, chính quyền Úc ngay lúc đó lập tức thông báo hủy hợp đồng mua tàu ngầm trị giá gần 66 tỉ USD từng ký với Pháp hồi năm 2016 để nhận chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân hiện đại hơn từ Anh và Mỹ sản xuất theo khuôn khổ AUKUS, một lần nữa cũng không hỏi ý kiến của Paris.

Ngày 17-9, Pháp đã cho triệu hồi cả hai đại sứ ở Mỹ và Úc để phản đối AUKUS - động thái đẩy quan hệ ba nước xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Trước tình hình này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 18-9 lên tiếng trấn an rằng Pháp là một đồng minh quan trọng và Mỹ sẽ nỗ lực giải quyết mâu thuẫn trong thời gian tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị được điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc này và trước mắt ông Macron đồng ý. Một số quan chức Mỹ cũng được cho là đã thảo luận với những người đồng cấp Pháp về vụ triệu hồi đại sứ, theo đài CNBC. Canberra tới giờ chưa có động thái trấn an nhưng có thể cũng sẽ đưa ra những phát ngôn tương tự trong vài ngày tới.

Nguồn: [Link nguồn]

Triều Tiên bất ngờ lên tiếng vụ Pháp tố Mỹ ”đâm sau lưng” 

Thương vụ tàu ngầm hạt nhân giữa Mỹ, Anh và Úc không chỉ khiến Pháp nổi giận mà còn gây sự chú ý với Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN