Algeria: 30 con tin quốc tế đã bị giết

30 con tin và ít nhất 11 tay súng Hồi giáo đã thiệt mạng hôm 17/1 khi lực lượng của Algeria tấn công nhà máy gas trên vùng sa mạc nhằm giải cứu hàng chục người phương Tây cùng với con tin địa phương bị giam giữ, lực lượng an ninh Algeria vừa cho biết.

Hai người Nhật, hai người Anh và một người Pháp nằm trong số ít nhất 7 người nước ngoài bị giết hại, một nguồn tin cho biết. 8 trong số con tin thiệt mạng là người Algeria. Quốc tịch của những người còn lại và khoảng hàng chục người đã chạy thoát vẫn chưa được làm rõ.

Các chính phủ cho biết một người Mỹ, Na Uy, Romania và một người Áo cũng nằm trong số con tin bị bắt giữ. Một nguồn tin chính thống nói rằng chỉ 2 trong số 11 tay súng nổi dậy là người Algeria, trong đó 1 người là thủ lĩnh.

Algeria: 30 con tin quốc tế đã bị giết - 1

Hình ảnh cơ sở khí gas ở Algeria được chụp năm 2005. (Nguồn: Reuters)

Sau khi chính phủ Algeria từ chối yêu cầu của những kẻ bắt cóc đòi được rời khỏi đất nước cùng các con tin và thực hiện chiến dịch tấn công kéo dài khoảng 8 giờ đồng hồ thì thi thể của 3 người Ai Cập, 2 người Tunisia, 2 người Libya, 1 người Mali và 1 người Pháp được tìm thấy cùng với xác của Taher Ben Cheneb, một thủ lĩnh quan trọng của phong trào jihad ở Sahara.

Các tay súng đã chiếm được cơ sở khí gas quan trọng nằm sâu trong sa mạc trước lúc bình minh hôm 16-1, và đưa ra yêu cầu Pháp phải tạm dừng chiến dịch tấn công vào các tay súng Hồi giáo ở Mali.

Trước sự nổi dậy của lực lượng quốc tế có liên quan tới tổ chức khủng bố al Qaeda trên khắp vùng Sahara, Pháp gửi quân tới Mali vào tuần trước.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng bi kịch con tin bị giết hại cho thấy ông đã đúng đắn trong việc gửi hơn 1.000 lính Pháp tới Mali để cùng với lực lượng Tây Phi hỗ trợ chính phủ Mali.

Một phát ngôn viên của chính phủ Algeria nói rằng phản ứng quá khích của nhóm bắt cóc cho thấy, cũng giống như cuộc nội chiến đẫm máu chống lực lượng Hồi giáo năm 1990, Algeria không thương lượng hay chấp nhận “thư hăm dọa” do “những kẻ khủng bố” gửi đến.

Sự việc lực lượng nổi dậy chiếm được cơ sở năng lượng quan trọng, cung cấp tới 10% sản lượng khí gas mà Algeria xuất khẩu, khiến nhiều người nghi vấn về khả năng bảo đảm an ninh của quốc gia này.

 Các công ty nước ngoài nói rằng họ đang rút dần nhân lực không quan trọng ra khỏi đất nước. Trong những năm gần đây, Algeria bắt đầu ổn định một chút sau cả thập kỷ nội chiến đẫm máu.

“Chính phủ thật sự lúng túng. Trái tim của nền kinh tế Algeria là ở phía nam, nơi có các dầu mỏ và khí”, Azzedine Layachi, một nhà khoa học nghiên cứu chính trị Algeria ở ĐH St John tại New York, nhận xét.

Algeria, vốn có quan hệ lãnh đạm với nước thực dân cũ là Pháp và các nước phương Tây khác, có thể viện một số lý do giải thích cho cách đối phó của mình để kết thúc vụ khủng hoảng con tin với quy mô tương tự như vụ khủng hoảng liên quan tới các tay súng Chechen ở Nga cách đây vài thập kỷ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN