2/9 với những sự kiện long trời lở đất

TP - Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1945 và nhiều năm trước đó cũng có không ít sự kiện chấn động trên thế giới xảy ra vào ngày 2/9.

Caesar có chiến thắng quyết định trước Antony

Trận đánh Actium, 2/9/31 trước Công nguyênTranh: Lozenzo Castro

Trận đánh Actium, 2/9/31 trước Công nguyênTranh: Lozenzo Castro

Ngày 2/9/31 trước Công nguyên xảy ra trận hải chiến ngoài khơi Acarnania, khu vực bờ biển phía Tây của Hy Lạp. Trong trận đánh quyết định này, Octavian (sau này là Hoàng đế Augustus Caesar) đánh bại danh tướng Mark Antony (Marcus Antonius), trở thành chủ nhân thực sự của đế chế La Mã. Với 500 tàu, 70.000 bộ binh, tướng La Mã Antony hạ trại ở Actium (mũi đất nằm ở phía nam eo biển từ biển Ionia thuộc Địa Trung Hải tới vịnh Ambracia). Với 400 tàu và 80.000 bộ binh, Octavian đến từ phía Bắc, chiếm đóng hai thành phố Patrae và Corinth, cắt đứt đường liên lạc phía nam của Antony với Ai Cập thông qua khu vực Peloponnese.

Bị một số đồng minh bỏ rơi và thiếu tiếp tế nên Antony buộc phải gấp gáp hành động. Hy vọng chiến thắng trên biển (vì bộ binh của mình ít hơn của Octavian, hoặc đơn giản là vì thử phá vòng vây), Antony nghe theo lời khuyên của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra là triển khai hạm đội. Ông đưa tàu ra khỏi vịnh, hướng về phía Tây, trong khi đội quân của Cleopatra ở phía sau. Trận hải chiến diễn ra quyết liệt; hạm đội mỗi bên đều cố vượt qua đối phương cho đến khi Cleopatra lên thuyền rời cuộc chiến. Sau đó, Antony cùng với một số chiến hạm cũng rời trận đánh Actium, đuổi theo và bắt kịp thuyền của người tình Cleopatra. Các tàu chiến còn lại của Antony chán nản rồi đầu hàng Octavian. Một tuần sau đó, lực lượng của Antony trên đất liền cũng buông vũ khí ra hàng.

Đại hỏa hoạn London

Một bức tranh miêu tả ngày thứ 3 của đại hỏa hoạn London

Một bức tranh miêu tả ngày thứ 3 của đại hỏa hoạn London

Nguồn: Wikipedia

Đại hỏa hoạn London (2-5/9/1666) là vụ cháy khủng khiếp nhất trong lịch sử thủ đô của Anh. Đám cháy kéo dài 4 ngày đã phá hủy một khu vực rộng lớn của thành phố London, bao gồm hầu hết tòa nhà dân sự, Nhà thờ chính tòa Thánh Paul (cũ), 87 nhà thờ giáo xứ và khoảng 13.000 ngôi nhà.

Chủ nhật ngày 2/9/1666, vô tình xảy ra hỏa hoạn trên phố nhỏ Pudding Lane gần cầu London, chính xác là tại nhà của thợ làm bánh nổi tiếng Thomas Farriner (người từng cung cấp bánh mỳ cho Hải quân Hoàng gia Anh). Gió đông dữ dội khiến đám cháy lan rộng và kéo dài. Đến thứ Tư, lửa lụi dần và đến thứ Năm, người ta mới dập được. Tuy nhiên, tối thứ Năm, lửa lại bùng lên ở khu vực The Temple (nơi có nhà thờ được dòng tu quân đội Hiệp sĩ Đền Thánh xây dựng từ năm 1185). Một số ngôi nhà nổ tung vì thuốc súng. Sông Thames những ngày đó chật cứng tàu thuyền chở người và đồ đạc đi sơ tán. Khu vực tập trung nhiều người London sơ tán nhất là Moorfields.

Vài ngày sau trận đại hỏa hoạn, người ta trình lên nhà vua ba kế hoạch khác nhau nhằm tái thiết London, nhưng đều không được phê chuẩn, nên thành phố vẫn giữ những nét xưa. Tuy nhiên, Nhà thờ chính tòa Thánh Paul và nhiều nhà thờ giáo xứ xung quanh được xây dựng lại.

Thảm sát tù nhân ở Paris

Thảm sát tháng 9 Tranh: Lambert

Thảm sát tháng 9 Tranh: Lambert

Người ta gọi sự kiện giết hàng loạt tù nhân ở thủ đô Paris từ ngày 2-6/9/1792 là “Thảm sát tháng 9” hoặc “Những ngày tháng 9”. Vụ việc đẫm máu này phản ảnh tâm lý tập thể ở Paris những ngày đầu sau khi Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế (10/8/1792). Nhiều người tin rằng, các tù nhân chính trị đang lập kế hoạch nổi dậy trong tù để tham gia âm mưu phản cách mạng.

Vụ tàn sát bắt đầu ngày 2/9, khi một nhóm tù nhân đang trên đường chuyển tới nhà tù Abbaye bị một nhóm vũ trang tấn công. Bốn ngày sau đó, vụ việc lan tới các nhà tù khác trong thành phố; chính quyền dân sự bất lực, không thể ngăn chặn tình trạng giết chóc hàng loạt. Tổng cộng, khoảng 1.200 tù nhân bị giết, gồm hơn 220 thầy tu bị giam giữ vì từ chối việc tái tổ chức nhà thờ theo hướng cách mạng.

Chính sách “cây gậy và củ cà rốt”

Theodore Roosevelt (1858-1919) là tổng thống thứ 26 của Mỹ, tại nhiệm từ năm 1901 tới năm 1909 Ảnh: Getty Images

Theodore Roosevelt (1858-1919) là tổng thống thứ 26 của Mỹ, tại nhiệm từ năm 1901 tới năm 1909 Ảnh: Getty Images

Ngày 2/9/1901, chính trị gia Mỹ Theodore Roosevelt, lúc đó là ứng viên phó tổng thống của đảng Cộng hòa, có bài phát biểu đầu tiên trước công chúng, trong đó ông nói: “Nói nhẹ và mang theo cây gậy lớn, bạn sẽ đi được xa”. Sau này, khi Roosevelt trở thành tổng thống, chính sách “cây gậy lớn” trở thành một nét chính trong nhiệm kỳ của ông.

Roosevelt lần đầu tiên sử dụng cụm từ “cây gậy lớn” trước công chúng là khi ông nói trước Quốc hội Mỹ, bày tỏ ủng hộ việc tăng chuẩn bị về mặt hải quân để góp phần thực hiện các mục tiêu ngoại giao của nước này. Trước đó, trong một bức thư gửi bạn, khi Roosevelt vẫn là thống đốc bang New York, ông thể hiện sự thích thú với một câu ngạn ngữ Tây Phi. Đó là “Nói nhẹ và mang theo cây gậy lớn, bạn sẽ đi được xa”. Sau này, Roosevelt cũng sử dụng cụm từ này để giải thích mối quan hệ của mình với một số nhà lãnh đạo chính trị của Mỹ và cách tiếp cận của ông đối với một số vấn đề như điều tiết các lĩnh vực độc quyền, yêu sách của công đoàn… Cụm từ “cây gậy lớn” tự động được gắn với Roosevelt và thường được báo chí sử dụng, đặc biệt là trong biếm họa, khi đề cập chính sách đối ngoại của ông.

Đế quốc Nhật Bản đầu hàng

Đại diện của Đế quốc Nhật Bản trên thiết giáp hạm Mỹ USS Missouri trước khi ký văn kiện đầu hàng ngày 2/9/1945 Ảnh: US Army Signal Corps

Đại diện của Đế quốc Nhật Bản trên thiết giáp hạm Mỹ USS Missouri trước khi ký văn kiện đầu hàng ngày 2/9/1945 Ảnh: US Army Signal Corps

Chiến tranh Thế giới lần thứ hai chính thức kết thúc vào ngày 2/9/1945. Sáng hôm đó tại Vịnh Tokyo, trên tàu chiến Mỹ USS Missouri diễn ra lễ ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Buổi lễ bắt đầu với bài phát biểu khai mạc ngắn gọn của thống tướng Mỹ Douglas MacArthur; ông kêu gọi công lý, khoan dung và tái thiết. Sau đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu đại diện cho Nhật hoàng, rồi Tổng tham mưu trưởng Yoshijiro Umezu đại diện quân đội Nhật Bản ký văn bản đầu hàng. Tiếp đến, tướng MacArthur ký văn bản với tư cách Tư lệnh tối cao tổng lực lượng đồng minh, rồi tới phiên ký của các đại diện khác đến từ Mỹ, Trung Quốc, Anh, Liên Xô, Úc, Canada, Pháp, Hà Lan và New Zealand.

Hiện nay, một bản văn kiện đầu hàng được lưu giữ tại Tòa nhà Lưu trữ Quốc gia của Mỹ ở thủ đô Washington, và một bản khác tại cơ quan lưu trữ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản ở Tokyo. Một bản sao của văn kiện mà phía Nhật Bản giữ được trưng bày tại Bảo tàng Edo-Tokyo ở Tokyo…

Nguồn: [Link nguồn]

Từ ký ức của đứa trẻ thời Thế chiến 2, tìm ra điều gây “sốc” trong rừng Ba Lan

Các chuyên gia lần theo manh mối dẫn đến khu rừng ở ngoại ô thủ đô Warsaw, Ba Lan, phát hiện bộ xương của ít nhất 29...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái An ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN