1.000 chiến binh IS tự 'nộp mình' cho liên quân Mỹ

Lực lượng Iraq do Mỹ hậu thuẫn ngày 5-10 thông báo đã tái chiếm thành công một trong các thành trì còn lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sau khi hàng trăm chiến binh buông súng đầu hàng.

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), trung tá Paul Funk – chỉ huy lực lượng đặc nhiệm liên quân chống IS ở Iraq và Syria cho biết: “Bọn họ đang từ bỏ. Thủ lĩnh của họ đang bỏ rơi họ”.

Ông Funk cho biết, trong một cảnh tượng hiếm thấy, các nhóm lớn chiến binh IS đã tự động ra đầu hàng cho lực lượng dân quân người Kurd ở Tây Nam TP Kirkuk.

“Tốc độ quân khủng bố chịu từ bỏ khiến tôi hết sức kinh ngạc” – ông Funk nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ thủ đô Baghdad sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi thông báo thị trấn Hawija đã được giải phóng.

1.000 chiến binh IS tự 'nộp mình' cho liên quân Mỹ - 1

Các thành viên IS đầu hàng lực lượng dân quân người Kurd ở Hawija, Tây Nam Kirkuk, Iraq. Ảnh: SCMP

Theo ông Funk, có khoảng 1.000 tay súng buông súng đầu hàng trong vòng 3-4 ngày qua trong trận chiến ở Hawija. Liên quân Mỹ ước tính có tới 1.500 tay súng đang chiến đấu chống liên quân khi cuộc chiến bắt đầu ở thị trấn này.

Hồi tháng 7, Iraq thông báo Mosul – TP lớn thứ hai nước này đã được giải phóng khỏi sự kiểm soát của IS sau chín tháng chiến đấu ác liệt. Kể từ trận chiến mang tính quyết định này, tốc độ suy thoái của IS dường như nhanh hơn hẳn.

Lực lượng được Mỹ chống lưng ở Syria đã tái chiếm thành công khoảng ¾ Raqqa – thành trì của IS sau bốn tháng chiến đấu tại TP này. IS được biết đến là nhóm khủng bố quốc tế tàn bạo, sự tàn bạo đó một phần do các chiến binh của nhóm là những kẻ “cứng đầu” quyết chiến đấu cho đến người cuối cùng, phần vì các tay súng hiếm khi đầu hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh IS dần để mất lãnh thổ, các thành viên ban lãnh đạo của nhóm lần lượt bị tiêu diệt khiến các tay súng thiếu ý chí chiến đấu.

Ông Funk kể: “Bọn họ xuất hiện cùng với vũ khí trên tay, rồi đặt vũ khí xuống, toàn bộ đầu hàng. Đó là một xu hướng đang tăng. Chúng tôi đã nghe được từ những chiến binh đầu hàng nói rằng ‘Các thủ lĩnh của chúng tôi đã từ bỏ chúng tôi, chúng tôi không được cho ăn, chúng tôi cũng không được trả tiền”.

1.000 chiến binh IS tự 'nộp mình' cho liên quân Mỹ - 2

Lực lượng người Kurd bắt giữ các chiến binh IS đầu hàng. Ảnh: REUTERS

Tuần trước, thủ lĩnh tối cao của IS, Abu Bakr al-Baghdadi đã công bố một đoạn băng ghi âm, trong đó kêu gọi các chiến binh kiên trì chiến đấu. Tuy nhiên, ông Funk cho biết lời kêu gọi này không có hiệu quả. Một ngày sau khi đoạn băng được công bố, hàng trăm chiến binh đã đầu hàng. Các chiến binh IS đầu hàng đã bị lực lượng Iraq và lực lượng người Kurd bắt giữ.

IS từ Syria tràn qua Iraq vào năm 2014, chiếm giữ phần lớn lãnh thổ. Từ một nhà thờ Hồi giáo ở Mosul, al-Baghdadi thông báo sự thành lập của cái gọi là đế chế Hồi giáo caliphate.

Hiện nay, có khoảng 3.000 chiến binh IS vẫn còn hoạt động ở Iraq, Syria. Con số này đã giảm so với ước tính 30.000 tay súng. Dù vậy, giới chức vẫn cảnh báo con số này không phải là ước tính chính xác về sự hùng mạnh của nhóm khủng bố này.

Mặc dù IS liên tiếp thất bại song giới chức liên quân Mỹ cho hay cuộc chiến không dễ gì kết thúc. Các chiến binh IS vẫn kiểm soát một loạt thị trấn, làng mạc trải dọc theo sông Euphrates ở Iraq và Syria.

Tin chiến thắng Hawija đến khi Baghdad và vùng người Kurd của Iraq rơi vào khủng hoảng chính trị sau một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập gây tranh cãi của người Kurd. Tuy nhiên, trên chiến trường, lực lượng Iraq và lực lượng người Kurd tiếp tục hợp tác để đánh bật các chiến binh thánh chiến khỏi lãnh thổ.

Vùng thung lũng sông Euphrates nằm dọc biên giới của Syria với Iraq, là trọng tâm mới nhất của hai chiến dịch lớn chống IS. Trong đó, một chiến dịch là của lực lượng Nga và lực lượng Syria do Iran chống lưng, chiến dịch còn lại là của Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn, chủ yếu là liên minh Ả Rập người Kurd và các dân tộc thiểu số.

Hai lực lượng này đã nhất trí cùng nhau đánh bại IS, song lại khác nhau về quan điểm cấu trúc chính trị của Syria thời hậu chiến. Các cuộc tố cáo cản trở chiến dịch lẫn nhau của hai bên cũng đã gây ra nhiều căng thẳng nghiêm trọng.

Tàu ngầm Nga tới tấp nã tên lửa hành trình vào khủng bố IS

Nga thông báo cách đây ít ngày đã phá hủy thành công kho vũ khí lớn nhất của khủng bố IS với hơn 1.000 tấn đạn dược.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Lai (PLO)
Phiến quân Hồi giáo IS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN