Ngành nghề mà đất nước đang rất cần

Ngành Kỹ thuật tài nguyên nước (trước đây là ngành Thủy Nông) là một trong những ngành đầu tiên của cơ sở 2 Đại Học Thủy Lợi. Sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước đã đào tạo được hàng ngàn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cho cả nước, và hàng trăm kỹ sư cho nước bạn Cam-pu-chia.

Nhiều cán bộ, sinh viên từng công tác và học tập tại ngành Kỹ thuật tài nguyên nước đã trở thành các nhà khoa học có uy tín, nhà quản lý và doanh nhân giỏi, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở các cơ quan từ Trung ương đến địa phương như: Ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng quốc hội, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Ông Lê Văn Kiểm – Anh hùng lao động, Chủ tịch HĐQT công ty đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành; GS.TS Đào Xuân Học – nguyên Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, nguyên hiệu trưởng trường ĐH. Thủy Lợi, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Kim – nguyên hiệu trưởng ĐH. Thủy Lợi.

Ngành nghề mà đất nước đang rất cần - 1

Vai trò của ngành Kỹ thuật tài nguyên nước đối với sự phát triển kinh tế – xã hội

Ngành Kỹ thuật tài nguyên nước có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước:

– Quy hoạch tài nguyên nước phục vụ cho sinh hoạt, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch sinh thái;– Cải thiện và nâng cao chất lượng sống, môi trường và điều kiện sống của nhân dân nhất là những vùng khó khăn về nguồn nước.

– Thiết kế, quản lý và vận hành các công trình cấp nước, công trình thủy điện, công trình chống ngập cho các thành phố, đô thị.

– Tiêu nước, chống ngập lụt góp phần vào việc phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, hạn chế sự phá hoại tài nguyên, môi trường, di sản văn hóa, góp phần quan trọng bảo đảm phát triển ổn định và bền vững kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Các thành tựu cụ thể của ngành Kỹ thuật tài nguyên nước đã đạt được:

– Đã xây dựng được 904 hệ thống thủy lợi lớn và vừa có quy mô diện tích phục vụ từ 200 hecta trở lên, trong đó có 122 hệ thống thủy lợi lớn có diện tích phục vụ lớn hơn 2.000 hecta.

– Hiệu quả phục vụ của các công trình thủy lợi mang lại: Diện tích đất canh tác được tưới bởi công trình thuỷ lợi là 4,3 triệu ha; Tổng diện tích tưới lúa cả năm: 7,3 triệu ha/7,5 triệu ha gieo trồng (97%); Tổng diện tích tưới rau màu, cây công nghiệp cả năm: 2,5 triệu ha; Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được cấp nước cả năm: 700.000 ha; Cấp 6 tỉ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp;

– Ngoài ra, các hệ thống công trình thuỷ lợi còn thực hiện nhiệm vụ cắt, giảm lũ, tiêu úng, ngăn lũ, triều cường, chống ngập đô thị; tạo điều kiện phát triển đa dạng hoá cây trồng, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai.

Ngành nghề mà đất nước đang rất cần - 2

Môi trường học tập

Sinh viên ngành Kỹ thuật tài nguyên nước có cơ hội học tập trong môi trường khoa học, tiên tiến:

– Chương trình đào tạo đa dạng, gắn kết với thực tiễn, nhu cầu của xã hội;

– Đội ngũ giảng viên được đào tạo từ nước ngoài; luôn tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến và theo sát nhu cầu thực tiễn của đất nước; luôn nhiệt huyết, yêu nghề;

– Cơ sở vật chất khang trang, tiện nghi, 100% phòng học được trang bị thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại;

– Trong quá trình học tập, sinh viên được tham quan, thực tập tại các hệ thống công trình thủy lợi thực tế;

– Chương trình học bổng khuyến khích học tập hấp dẫn, từ 100-140% học phí;

– Có cơ hội tham gia các dự án, các nghiên cứu khoa học sinh viên;

– Các hoạt động ngoại khóa đa dạng, kết nối với các trường trong khu vực.

Mục tiêu đào tạo

Sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật tài nguyên nước có kỹ năng, kiến thức và năng lực như sau:

– Có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, tin học, ngoại ngữ;

– Có tư duy tổng hợp, khách quan, logic để giải quyết những vấn đề mang tính khoa học, xã hội;

– Có kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành về đồ họa, cơ học, thủy văn, thủy lực công trình, trắc địa, v.v…;

– Có kiến thức về chuyên ngành như quy hoạch hệ thống thủy lợi, bố trí kênh mương, thiết kế kênh, cống, đập tràn, kiến thức về quản lý hệ thống công trình thủy lợi, v.v…;

– Có khả năng làm việc theo nhóm, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo;

– Được trang bị kỹ năng mềm về ngoại ngữ, tin học ứng dụng, kỹ năng giao tiếp, đàm phán;

– Có khả năng nghiên cứu chuyên sâu, tiếp tục học sau đại học ngành Kỹ thuật tài nguyên nước;

– Có khả năng sáng tạo, khởi nghiệp.

Cơ hội việc làm

Hiện nay đất nước đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái nguồn nước, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, nhu cầu nhân lực về ngành Kỹ thuật tài nguyên nước là vô cùng lớn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật tài nguyên nước sẽ có các cơ hội việc tại các vị trí như:

– Các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương;

– Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học;

– Các tập đoàn, công ty nông nghiệp, thủy lợi công nghệ cao;

– Các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật tài nguyên nước như World Bank (WB), Asian Development Bank (ADB), Mekong River Commission (MRC)…

– Các công ty: Tư vấn thiết kế, quy hoạch, giám sát, quản lý dự án, quản lý khai thác công trình thủy lợi…

– Giảng viên các trường đại học, cao đẳng;

– Tiếp tục học lên thạc sĩ và tiến sĩ;

– Cơ hội du học nước ngoài với các suất học bổng của chính phủ và quốc tế.

Các hướng nghiên cứu cho ngành Kỹ thuật tài nguyên nước trong bối cảnh hiện nay

Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái nguồn nước, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, v.v… các hướng nghiên cứu và bài toán mà ngành Kỹ thuật tài nguyên nước có thể giải quyết đó là:

– Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất;

– Nghiên cứu tưới tiết kiệm nước cho cây trồng vùng hạn hán;

– Nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ hậu quả của xâm nhập mặn và đề xuất giải pháp công trình và phi công trình thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn;

– Nghiên cứu giám sát tài nguyên nước và cảnh báo tình trạng hạn, mặn;

– Nghiên cứu cảnh báo lũ sớm;

– Nghiên cứu chỉ tiêu chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Địa chỉ liên hệ

Văn phòng: Bộ môn Kỹ thuật tài nguyên nước và Môi trường – khu hành chính, số 02 Trường Sa, phường 17, quận Bình Thạnh, Tp.HCM

Điện thoại: 028-3840-8884

Email: tainguyennuoccs2@tlu.edu.vn

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN