Hướng Mai: Đổi mới, nhưng… không nới cũ

Là một doanh nhân sinh ra tại làng đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống Đồng Kỵ, Xứ Đoài, CEO của Hướng Mai luôn tâm niệm: “Mình làm giàu bằng nghề của Tổ tiên, mặc dù để bắt nhịp xu hướng chung buộc phải có sự đổi mới, nhưng … không được phép nới cũ”.

Hướng Mai: Đổi mới, nhưng… không nới cũ - 1

Chị Vũ Thị Mai – TGĐ  Công ty  TNHH Đồ gỗ  mỹ nghệ Đồng Kỵ Hướng Mai

Nhất định đổi mới

Những năm gần đây, công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ Hướng Mai không chỉ nổi tiếng với những sản phẩm tinh xảo, giàu giá trị, mà còn một trong những doanh nghiệp “chịu khó” đột phá, để phù hợp với bối cảnh mới.

Theo chị Vũ Thị Mai, lợi thế của Hướng Mai là đội ngũ công nhân, nghệ nhân lành nghề và lúc nào cũng đầy tâm huyết. Tuy nhiên, do hầu hết đều xuất phát từ nông dân, nên thời gian đầu, tác phong, nề nếp của họ vẫn còn thiếu quy củ, chuyên nghiệp.

Bà chủ của Hướng Mai đã quyết tâm thay đổi điều này bằng việc tự mình tham gia nhiều khóa học về quản lý trong và ngoài nước. Mỗi kiến thức tiếp thu được, chị Vũ Thị Mai lại miệt mài soạn thành giáo án, rồi trực tiếp “đứng lớp” để truyền đạt cho cán bộ nhân viên.

Chưa hết, nữ doanh nhân còn mời các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản Kaizen về tư vấn, giảng dạy tại công ty. Nhờ thế mà hơn 200 nhân sự của Hướng Mai giờ đây đã hình thành được tác phong làm việc chuyên nghiệp, ý thức lao động tập thể tốt, kỷ luật cao và dần xây dựng môi trường 5S. CEO của Hướng Mai chia sẻ: “Mục tiêu của tôi là sẽ chuyển đổi mô hình công ty từ gia đình, làng xã sang mô hình kinh doanh bài bản và chuyên nghiệp hơn, từ sản xuất, kinh doanh cho đến dịch vụ, càng sớm càng tốt. Làm được điều đó, tôi tin là khả năng hội nhập của Hướng Mai sẽ cao hơn”.

Trong chương trình CEO - Những câu chuyện thật (chương trình do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hoàng gia Media Group và Thời trang Owen thực hiện), chị Vũ Thị Mai chia sẻ: Rất nhiều Việt kiều và du khách nước ngoài đang quan tâm đến các sản phẩm của làng nghề. Vì vậy, tham vọng của Hướng Mai là sẽ xuất khẩu đồ gỗ Đồng Kỵ.

Để sớm hiện thực hóa điều này, nữ doanh nhân phải liên tục cập nhật, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nhằm tạo ra nhiều mẫu mã, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của nhiều quốc gia trên thế giới. “Các sản phẩm của chúng tôi sẽ được gắn mã vạch, hiển thị được đầy đủ các thông tin về sản phẩm, thậm chí cả nghệ nhân sản xuất, ngày sản xuất, giá trị, chất liệu gỗ, ý nghĩa về mặt phong thủy….Đó sẽ là những bước đầu tiên để doanh nghiệp chuẩn bị cho việc xuất khẩu dễ dàng hơn”, chị Mai cho biết.

Hướng Mai: Đổi mới, nhưng… không nới cũ - 2

Trong chương trình CEO - Những câu chuyện thật trên VTV1, chị Vũ Thị Mai đã chia sẻ câu chuyện của mình

…Nhưng không nới cũ

Sở hữu cơ ngơi được xếp vào dạng “khủng” ở làng nghề Đồng Kỵ, Bắc Ninh, nhưng doanh nhân Vũ Thị Mai luôn ý thức rất rõ việc gìn giữ và phát huy những giá trị của làng nghề. Đó là những sản phẩm tinh, được chạm khắc bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân và những người thợ lành nghề.

Bên cạnh những sản phẩm được cải tiến mẫu mã cho phù hợp với xu hướng thế giới, người ta vẫn thấy phần lớn ở Hướng Mai Center, là những sản phẩm đồ gỗ truyền thống như: tượng, tranh, đồ thờ, hoành phi câu đối, nội thất,… với những đường nét tỉ mỉ, mang đậm bản sắc văn hóa người Việt.

Để giữ được tinh hoa của làng nghề trong mỗi sản phẩm, chị đã bỏ nhiều công sức cũng như tâm huyết, cùng các nghệ nhân đào tạo và rèn giũa tay nghề cho các lao động trẻ. Thay vì trả công khoán, chị quyết định trả công nhật; thậm chí, chấp nhận cả việc một sản phẩm đáng lẽ chỉ làm trong 10 ngày đã đẹp, thì có thể phải trả công cho thợ cả tháng.

Theo chị Mai: “Con người chính là đại diện cho văn hóa của dân tộc, mỗi đồ gỗ sẽ là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện tinh hoa của dân tộc đó. Người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết cách truyền nhiệt huyết, niềm tự hào đối với những sản phẩm do mình làm ra cho những người thợ. Được trân trọng, được trả công xứng đáng, họ sẽ toàn tâm toàn ý với từng thớ gỗ, từ đó tay chạm, khắc sẽ tinh tế và có hồn hơn”.

Hướng Mai: Đổi mới, nhưng… không nới cũ - 3

Chị Vũ Thị Mai thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ nhân viên trong công ty

Chị Vũ Thị Mai cũng là người khởi xướng ý tưởng phát triển tour du lịch kết hợp tham quan, mua sắm tại làng nghề để quảng bá hình ảnh của Đồng Kỵ. Với trải nghiệm này, du khách sẽ được tìm hiểu và khám phá văn hóa, lịch sử của làng nghề, qua đó hiểu được giá trị của đồ gỗ truyền thống. Chị Mai tâm niệm: “Đồ gỗ Hướng Mai, gỗ Đồng Kỵ, chính là văn hóa, là di sản để lại cho đời sau. Chúng tôi là những người con của làng nghề, có trách nhiệm phát huy và gìn giữ hết đời này sang đời khác. Mỗi đời sẽ là một chút, để hội nhập, nhưng không hòa tan”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN