Vừa đóng chõng tre, vừa viết kịch bản dân ca

Hằng ngày tất bật với nghề đóng chõng tre mưu sinh, ít ai ngờ, ông là tác giả của rất nhiều kịch bản dân ca được dàn dựng và đoạt giải. Ông là Nguyễn Hữu Mai, 62 tuổi, ở thôn Hưởng Phước, xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng.

Ông chia sẻ, 30 năm làm chõng tre là chừng đó năm ông gắn với việc viết kịch bản dân ca. Ông bảo: "Ngày trước, đoàn ca kịch dân ca khu 5 hay về biểu diễn ở làng, tui đi xem rồi mê dân ca lúc nào không hay". Sau năm 1975, ông tham gia công tác văn hóa-thông tin tại địa phương. Những làn điệu dân ca Khu 5 cứ thấm dần vào ông. Năm 1990, ông nghỉ việc xã về nhà làm nghề đóng chõng tre mưu sinh.

Từ những câu chuyện vui góp nhặt được trong cuộc sống hằng ngày, ông viết ra những tiểu phẩm dân ca để tham gia các cuộc thi tuyên truyền tổ chức tại địa phương. Từ đó, dần dần mọi người biết đến ông với những kịch ngắn, kịch dài, những tiểu phẩm tuyên truyền hấp dẫn và lý thú xen lẫn với những điệu lý, giọng hò Khu 5 mượt mà, sâu lắng. Nhiều người đến nhờ ông viết và dàn dựng những kịch bản sân khấu để tham dự các cuộc thi do cơ quan tổ chức. Những tác phẩm ông viết đều đoạt giải cao như vở "Câu chuyện ngày cưới" nội dung nói về chuyện học đòi ở nông thôn nhà nghèo nhưng tổ chức cưới cho lớn, đến mắc nợ, lục đục vợ chồng. Tác phẩm được H.Hòa Vang tham gia dự thi chương trình Nếp sống mới, văn hóa văn minh đô thị do thành phố tổ chức đã đoạt giải cao nhất...

Vừa đóng chõng tre, vừa viết kịch bản dân ca - 1

Ông Mai say sưa hát những làn điệu dân ca

Hỏi đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm, ông nói không nhớ nỗi nhưng những tác phẩm tâm đắc nhất thì không bao giờ quên, như vở "Chặn dòng" (1979) viết cho Ty Thủy Lợi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ về việc chặn dòng Hồ Hòa Trung (Hòa Liên, Hòa Vang) đoạt giải cao nhất, đại diện cho tỉnh dự thi liên hoan Dân ca toàn quốc. "Năm đó cũng mùa nắng nóng này, cả làng Hòa Liên chỉ có 1 cái giếng nhưng không có nước, phải đợi nước nhỏ từng giọt rồi lấy mo cau múc về... Ty Thủy Lợi (cũ) đã chặn dòng Hồ Hòa Trung cung cấp nước sinh hoạt cho cả làng. Để khuyến khích cả làng chặn dòng, huyện nhờ tui viết, hát tại hồ nhằm khuyến khích, vận động người dân đi đắp chặn dòng...", ông Mai nhớ lại. Hay vở "Niềm tin" dự thi ở Huế đã nhận 5 huy chương vàng về kịch bản, diễn viên do Bộ Văn Hóa và Thể thao trao tặng...

Ông Mai viết kịch bản cho phần dân ca của H. Hòa Vang tham gia chương trình "Giai điệu miền Trung" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức ghi hình phát trên sóng toàn quốc; kịch bản cho Trung đoàn Vận tải 683 tham gia chương trình "Chúng tôi là chiến sĩ" do VTV3 tổ chức... được đánh giá cao. "Xưa, dân ca thường được hát lên trong lao động để động viên nhau, hay trong tình yêu đôi lứa, trong tình cảm giữa người và người... Hồi đó, chỉ thắp cái đèn ven sông hát là mọi người tấp nập về xem. Nay, dân ca chỉ có dịp biểu diễn trong các lễ hội, chỉ có người già xem, trong khi lớp trẻ không tiếp thu được giá trị văn hóa truyền thống này nên dân ca đang ngày bị mai một", ông Mai lo lắng. Vì đam mê dân ca và mong muốn lớp trẻ hiểu được giá trị của truyền thống dân ca, dù tuổi cao nhưng ông vẫn tham gia vào đội thông tin lưu động H. Hòa Vang, vừa sáng tác, vừa đi biểu diễn ở các thôn, xóm vào các buổi tối. Ông được Phòng văn hóa thông tin huyện đặt tên vui là "đội viên danh dự của đội thông tin lưu động Hòa Vang".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Oanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN