“Thủy tặc” thời nay (Kỳ 2)

Mỗi mùa mưa lũ đến, cư dân sinh sống tại các lưu vực nơm nớp sống trong đủ thứ lo sợ: sợ thủy điện xả lũ bất ngờ, đập thủy lợi, thủy điện vỡ, lũ ống; sợ một khu dân cư nữa lại trôi ra sông... Mùa mưa lũ năm nay, họ lại có cơ sở để tiếp tục phập phồng...

Những ngôi làng trước miệng thủy thần

Nhìn dòng sông Thu Bồn ngày càng lấn sâu vào gần đến nhà mình, chị Lê Thị Bất (thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam) lo lắng: “Năm trước người hàng xóm của tôi cũng đã dọn đến nơi khác để ở vì sông đã ăn sâu vào đến móng nhà. Mùa lụt năm nay không biết có sạt lở nữa không, nếu thế chắc nhà tôi cũng trôi sông”.

Không riêng gì gia đình chị Bất, trên địa bàn H. Đại Lộc có hàng trăm gia đình phải thấp thỏm trước miệng Hà Bá mỗi khi mùa mưa đến. Dọc hai con sông Thu Bồn và Vu Gia xuất hiện gần 10 điểm sạt lở xung yếu, nằm ở các xã Đại Hòa, Đại Nghĩa, Đại Phong, Đại Cường, Đại Đồng và cả Đại Lãnh... Ở những điểm xung yếu này, các sông Thu Bồn, Vu Gia đã xâm thực sâu vào khu dân cư, tạo nên những bờ vực cao và có nơi chỉ còn cách nhà dân vài mét. Theo thống kê, mỗi mùa lũ đi qua H. Đại Lộc mất 30 đến 40 ha đất sản xuất và thổ cư, vào năm lũ lớn có đến 85 ha đất đã bị cuốn trôi.

Ông Nguyễn Mẹo, trú thôn Mỹ Thuận (xã Đại Nghĩa), một trong các hộ cuối cùng chấp nhận di dời đến nơi ở mới, thú nhận: Dù trước đó, ông đã “bền gan” bám làng, giữ vườn để làm ăn sinh sống nhưng trước sự tấn công liên tục, dai dẳng của sông Vu Gia, ông Mẹo đành phải “đầu hàng”, chấp nhận cùng với hàng trăm gia đình khác di dời đến ngôi làng Mỹ Thuận mới. “Sạt lở ghê quá, chỉ trong vài năm mà chẳng còn ngôi làng Mỹ Thuận, đất sản xuất cũng không còn nên buộc lòng người làng chúng tôi phải làm nhiều việc khác nhau để nuôi gia đình”-ông Mẹo nói. Còn gia đình anh Phan Văn Phương (trú thôn Quảng Đại 2, Đại Cường, Đại Lộc) thì luôn sống trong sợ hãi vì nhà anh chỉ còn cách điểm sạt lở chưa đến 10m. Anh tâm sự: “Sạt lở kinh khủng lắm, ngày trước nhà tôi ở cách sông hàng chục mét, vậy mà sau vài cơn lũ sông đã ở trước nhà”.

“Thủy tặc” thời nay (Kỳ 2) - 1

Lở ở bờ sông Thu Bồn

Mùa mưa lũ năm nay, để chủ động phòng tránh thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân do sạt lở và lũ dâng cao, UBND H. Đại Lộc đã chủ động xây dựng phương án sơ tán dân. Trong 14 xã của huyện thì xã nào cũng có trường hợp cần sơ tán khẩn cấp, với số nhân khẩu di dời lên đến hàng ngàn người. Các xã phải sơ tán nhiều nhất là Đại Cường, Đại Hòa và xã Đại Nghĩa ... Tuy nhiên công tác sơ tán dân khi có mưa lũ cũng gặp không ít khó khăn. Vì H. Đại Lộc nơi rốn lũ, nhưng lại có ít công trình cao tầng và phương tiện phục vụ di tản cũng không nhiều.

Anh Lương Đức Trung, trưởng thôn Quảng Đại (xã Đại Cường) cho biết, trong thôn có 46 hộ sống ở vùng sạt lở nghiêm trọng và có 40 hộ cần phải di dời khẩn cấp khi có bão lũ vì vậy thôn đã xây dựng 3 tổ đoàn kết, những tổ này có nhiệm vụ giúp nhau di tản khi có sạt lở hay lũ lớn. Tuy nhiên: “Việc di tản dân không phải lúc nào cũng thuận lợi, đôi lúc phải cưỡng chế người dân mới chịu đi, họ ở lại để giữ tài sản vì sợ bị cuốn ra sông. Chỉ mong Nhà nước kè sông thì người dân chúng tôi mới yên tâm sinh sống”, anh Trung mong ước. Trong năm nay, tuyến kè sông Vu Gia tại thị TT Ái Nghĩa được thi công xong vì vậy giúp hàng trăm người dân ở điểm sạt lở này có thể yên tâm khi mưa lũ đến. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu dân cư dọc sông Thu Bồn – Vu Gia mong ước một bờ kè như thế nhưng vẫn chưa thể có được.

Tại Quế Sơn, nhìn ngôi nhà chỉ còn cách bờ sông vài bước chân, ông Nguyễn Hồng Phong, trú thôn Trà Đình 2 (Quế Phú) lo lắng: “Năm nào cũng vậy, mỗi khi lũ dữ ập về là bờ sông Bà Rén thuộc địa phận Xóm Gò ni bị sạt lở nghiêm trọng. Hồi trước, nhà tui cách mép sông 40m nhưng chừ chỉ còn 7m”. Ngược lên khu vực Xóm Trại, lại thấy đoạn sông Ly Ly dài hàng trăm mét bị xói lở rất nặng. Ông Lê Hạt, một người dân địa phương than: “Khu vực này là vùng trũng thấp, vì vậy mỗi lần có lũ về là nước chảy cực mạnh khiến từng mảng đất lớn đổ ùm xuống sông. Thời điểm ni, hễ thấy ông trời trút mưa tầm tã là cả xóm như ngồi trên đống lửa”.

“Thủy tặc” thời nay (Kỳ 2) - 2

Người dân ở TT Ái Nghĩa vui mừng khi bờ kè sông Vu Gia được hoàn thành trong năm, tuy nhiên trên H. Đại Lộc vẫn còn hàng chục điểm sạt lở cần được xây bờ kè

Theo ông Lê Nhãn – Trưởng phòng Quản lý di dân thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, hiện nay Quảng Nam đang trình hồ sơ dự toán khu tái định cư thôn Trà Đình 2 (Quế Phú, Quế Sơn), thôn Thanh Vân (Đại Cường, Đại Lộc), thôn Đại An (Tam Đại, Phú Ninh) để Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính xem xét, thẩm định. Vốn đầu tư do Trung ương quyết định nên việc có được phê duyệt xây dựng vào năm 2013 hay không thì còn phải... chờ.

Tại Điện Bàn, theo thống kê của Phòng Địa chính huyện, kể từ năm 1996 đến nay, diện tích đất sạt lở do trộm đất sét gây ra là 30 ha. Trong đó, xã Điện Phước 5,6 ha, Điện Phong 12ha, Điện Phương 4ha. Ông Dương Điện Sơn, Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết, xã ông có 2.200 hộ dân thì có 1.000 hộ mất đất do lũ, 600 hộ mất đất do kẻ trộm đào đất sét. Mất đất dẫn đến thất nghiệp, hiện có 1.500 thanh niên vào tìm việc ở TPHCM. 175 hộ ven sông phải di dời chạy sạt lở.

Ông Nguyễn Đình Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho biết, theo dự án mà UBND tỉnh đã phê duyệt thì từ năm 2011 đến 2015 Quảng Nam sẽ tổ chức di dời 5.700 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, trong đó 3.200 hộ theo diện tập trung và 2.500 hộ theo diện xen ghép. Như vậy, bình quân mỗi năm tiến hành di dời 1.140 hộ. Ông Hồng nói: “Kế hoạch là thế nhưng thực tế mỗi năm toàn tỉnh chỉ di dời được 250-300 hộ. Nguyên nhân khiến tiến độ chậm là vì quá thiếu tiền”. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Nam có tất cả 59 điểm bị sạt lở núi và bờ sông rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sản xuất của hơn 7 nghìn hộ dân. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, ngân sách tỉnh Quảng Nam không cấp nên việc hỗ trợ cho dân và xây dựng các hạng mục thiết yếu tại những khu tái định cư đều trông chờ vào nguồn vốn của T.Ư...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo (Theo Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN