"Thủy tặc" thời nay (Kỳ 1)
Chuyện “Sơn Tinh- Thủy Tinh” ngỡ chỉ là truyền thuyết, nay hiện hữu đến mức địa phương nào cũng báo động.
Câu chuyện của những nhà nông mất đất, mất làng
Thủy điện xả lũ, vỡ, thẩm lậu… chủ đầu tư vẫn nhăm nhe tích nước, phát điện. Đất sản xuất, nhà cửa người dân trôi sông, nạn khai thác gỗ, vàng, cát sỏi trái phép vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại… Chuyện “Sơn Tinh- Thủy Tinh” ngỡ chỉ là truyền thuyết, nay hiện hữu đến mức địa phương nào cũng báo động. Nhóm P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến thực tế qua các điểm nóng, nhận diện trực tiếp vấn nạn mà người dân đặt tên rất đặc thù: “thủy tặc”.
Bờ sông khúc lở khúc bồi/ Khúc mô lở lở miết, khúc mô bồi bồi thêm... kinh nghiệm ấy của cha ông chỉ đúng vào thời... cha ông, còn bây giờ, sông xưa đã khác, nhất là ở dòng Cu Đê này”- lái thuyền đưa tôi ngược từ Xóm Vạn (Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Đà Nẵng) lên Bến Sạn (Hòa Bắc, Hòa Vang), anh Tuấn vừa ngâm nga thế, vừa liên tục chỉ trỏ những đoạn bờ sông lở loét- “Đó, bến cây Đa, bến Khe Răm, Hội Yên, Bến Chợ, bến Bà Bá, Cây Duối, Cao Đài... Giờ bến đã nằm giữa lòng sông, mất tích. Tui đây, quê cha đất tổ, chôn nhau cắt rốn tại thôn Phò Nam, bây giờ phải mua đất tại Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu) ở.
Sông Cu Đê (Hòa Bắc, Hòa Vang) “nuốt chửng” nhiều diện tích sản xuất của người dân
Trên dưới 200 hộ của thôn, giờ cũng lên núi ở hết, dù sau ngày giải phóng, nhiều người bỏ nhà lầu, đất phố ở Đà Nẵng, Sài Gòn về quê, một trong các lý do, là cũng vì thương nhớ con sông quê. Không riêng dân Phò Nam, dân Nam Mỹ, Hội Yên, Chánh Nam kinh hãi nhận ra rằng sức tàn phá của sông thật khủng khiếp. Tính nhẩm, 10 năm qua Hòa Bắc này mất cỡ hơn 300ha vườn tược. Chưa kể, những nơi lũ tràn qua, kéo theo hàng tấn đá sỏi trùm lên ruộng vườn. Xong lũ, nhìn đống đá sỏi ấy, người dân chỉ biết ngồi... khóc”.
Sợ lũ, sợ nước người dân lên núi ở cho... chắc. Dọc tuyến đường ĐT 601, nhất là khu vực trụ sở UBND xã Hòa Bắc, nhà cửa chen chúc, chật hơn cả... phố. Người dân ví đây là chuyện ngược đời bởi khu vực này trước đây là nơi người dân làm lán trại, mỗi khi lũ lụt là lên ở tránh lũ. Giờ thì thành nhà ở, nhà cũ ở làng cũ... thành lán trại.
Cách trụ sở UBND xã mấy cây số, làng tái định cư Nam Mỹ quy tụ khoảng 60 hộ dân chạy khỏi làng cũ trước sự uy hiếp của nạn sụt lở đất đá. Nghe dân ở đây nói, mỗi hộ được cấp một lô đất 400m2 để ở và trồng vườn cây cùng 600m2 đất ruộng. Với những nông dân từng có trong tay hàng chục mảnh vườn, thửa ruộng, đồng nà, diện tích ấy chẳng bõ “nhét răng”. Nhiều người tiếc rẻ đất làng cũ nên quay về sản xuất và trồng trọt, làm lán trại ở tạm. Lụt tới, tiếc của, cứ leo lên ngọn cây, đỉnh núi nhìn xuống, thấy bắp, đậu, mía ngả rạp theo con nước mà nước mắt chứa chan...
Bờ kè đoạn qua Túy Loan (Hòa Phong, Hòa Vang)
Nếu dọc sông Cu Đê người dân mất đất, mất làng, thì ở sông Túy Loan chảy qua các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, hàng chục hộ dân lâm vào cảnh mất nhà. Còn nhớ, đêm 17 rạng sáng 18-10-2011, sau một cơn lũ nhỏ đầu mùa, hơn 10 hộ dân với gần 100 nhân khẩu làng Túy Loan Đông 1 (Hòa Phong, Hòa Vang) đã bị nước sông “ngoạm” vào nhà, nửa đêm phải tháo chạy tìm nơi trú.
Lần theo địa chỉ cũ, đến những hộ Mai Văn Linh, Phan Văn Tám, Hỗ Văn Trúc, Huỳnh Thị Long, chúng tôi chỉ thấy nhà cửa để hoang. Người dân cho biết, chính quyền huyện, xã đã tiến hành di dời 12 hộ nằm trong vùng sạt lở ven sông này tại khu vực ven Trung tâm Hành chính H. Hòa Vang với mức hỗ trợ di dời, xây dựng nhà ở 20 triệu đồng/hộ.
Vậy nhưng, vừa lo cho 12 hộ trên, lại... phát sinh hơn 10 hộ khác rải rác từ Thạch Bồ, Bồ Bản đến Túy Loan rơi vào nguy cơ sạt lở. Tính cả đoạn sông Túy Loan chảy qua địa bàn xã Hòa Phong, có khoảng 3.000m bờ sông có nguy cơ sạt lở cao với khoảng 50 hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng... Đi dọc triền sông Túy Loan, chúng tôi dễ dàng nhận ra một trong những “thủ phạm” khiến tình trạng sạt lở ở đây ngày càng nghiêm trọng: nạn “sa tặc”. Bao nhiêu lần đi thực tế, là bấy nhiêu lần “sa tặc” gây cho chúng tôi sự bất ngờ về tính lì lợm của họ.
Tại Hòa Phú, chúng tôi thấy nhiều thuyền neo đậu, đưa vòi rồng sâu vào bãi ngô ven sông hút cát. Vài người dân đứng trên bờ chửi đổng, dưới sông, “sa tặc” lầm lì hút, khinh khỉnh nhìn lên. Thấy có người chụp ảnh, vài thuyền cảnh giác thu vòi, dịch ra giữa dòng, rồi lại tấp vào, thọc vòi hút tiếp. Một chị hái rau cạnh bờ sông giải thích: “Nó biết các anh là nhà báo, nên nó không sợ. Nó chỉ sợ đoàn kiểm tra liên ngành, đông đảo, có cả CA, huyện đội, xã đội. CAX nó còn “chơi” lại, thương tích đầy mình”.
Hàng loạt “điểm nóng” về sạt lở dọc các tuyến sông trên địa bàn Đà Nẵng như Bồ Bàn, Thạch Bàn, Túy Loan Đông 1 (xã Hòa Phong), Phú Hòa (xã Hòa Nhơn), Phò Nam, Chánh Nam, Cao Đài (Hòa Bắc), Trường Định (Hòa Liên) của Hòa Vang; Xóm Vạn (Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu)... đều liên can đến “sa tặc”. Xa hơn nữa là Lại Giang, Kiến Giang, Hương Giang, Thu Bồn, Vu Gia, Trà Khúc, Đà Rằng vẫn không ngoại lệ. Rõ ràng, thu nhập “khủng” từ khai thác cát sạn trái phép chính là nguyên nhân tồn tại của đội ngũ này. Song, nếu so với những thiệt hại từ các điểm nóng sạt lở, với khoảng hàng trăm ngàn hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng... thì đáng để “sa tặc” phải bị triệt tiêu. Điều lạ là, “sa tặc” vẫn sống dai hơn đỉa, trong khi đó để khắc phục tình trạng sạt lở, Nhà nước phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng mới “hàn gắn” được một vài ki-lô-mét.
(Còn nữa)