Thực hư chuyện muỗi lạ đốt gây tử vong

Những ngày gần đây, tại Đà Nẵng, người dân lo lắng bởi thông tin muỗi aedes albopictus xuất hiện trên địa bàn TP, với nhiều tin thêu dệt rằng loại muỗi lạ này có thể khiến người tử vong khi bị đốt.

Chỉ là muỗi gây sốt xuất huyết

Nhiều người dân tỏ ra lo lắng, nhất là những người sống ở khu vực Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) càng lo lắng hơn vì nơi đây được ngành Y tế TP thông báo là phát hiện có loại muỗi này. Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và văc-xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng TP đã có kết quả xác định loại muỗi này xuất hiện ở vùng Hòa Minh sau khi tiến hành điều tra dịch tễ. Theo các bác sĩ của Khoa, trên thực tế, muỗi aedes albopictus hoàn toàn không phải là muỗi lạ. Loại muỗi này năm 1894 đã từng được một nhà côn trùng người Úc mô tả, và còn có tên gọi là muỗi hổ châu Á (ASIAN tiger mosquito).

Thực hư chuyện muỗi lạ đốt gây tử vong - 1

Muỗi vằn hay còn có tên gọi là muỗi hổ châu Á

Tại Việt Nam, vùng phía Bắc loại muỗi này cũng đã từng xuất hiện và người Việt gọi là muỗi vằn. Tuy nhiên, mức độ nhiều và gây bệnh hiện nay tại Việt Nam vẫn chủ yếu là loại muỗi aedes aegypti. Qua kiểm tra dịch tễ, tại Đà Nẵng, mới chỉ  phát hiện một vài cá thể nhỏ muỗi hổ châu Á tồn tại, còn đa phần vẫn là muỗi aedes aegypti. Thông tin loại muỗi lạ này đốt dễ gây tử vong cho người là hoàn toàn không có cơ sở. Các nghiên cứu thực tế đã chứng minh loại muỗi aedes albopictus và muỗi aedes aegypti không hề khác nhau trong việc truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) cho người. Có khác chăng là đặc điểm sinh sống của 2 loại muỗi khác nhau, muỗi aedes aegypti thì sống trong nhà còn aedes albopictus lại sống ở môi trường ngoài vườn, vì vậy mức độ khoanh vùng của loại muỗi vằn sẽ khó khăn hơn.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP tập trung mọi nguồn lực để nhanh chóng phun hóa chất, dập dịch tại các ổ dịch SXH xuất hiện bệnh, hạn chế sự bùng phát dịch trên diện rộng. Người dân không nên quá âu lo khi nghe những tin đồn đại không chính xác về muỗi lạ có thể gây tử vong.

Thực hư chuyện muỗi lạ đốt gây tử vong - 2

Bệnh nhân tay chân miệng cũng có xu hướng tăng vào mùa mưa

Mùa mưa - nhiều dịch bệnh xuất hiện

Hiện, trên địa bàn Đà Nẵng, đã phát hiện 7 ổ dịch nhỏ SXH tại cộng đồng, với 105 ca mắc, chủ yếu vào thời điểm cuối tháng 8 đầu tháng 9, bình quân mỗi tuần từ 7-10 ca. SXH xuất hiện rải rác tại các địa phương, nhiều nhất là Hải Châu, Hòa Vang, Cẩm Lệ. Tuy SXH có  giảm so với các năm trước, nhưng với thời tiết mưa nắng thất thường từ nay đến cuối tháng 11, rất dễ bùng phát  SXH nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.  Dịch bệnh tay chân miệng (TCM) cũng đang có chiều hướng phát triển trở lại. Tính đến ngày 25-9, đã có 2.772 trường hợp mắc TCM,  tăng gấp 7 lần so với năm 2011. Đây còn là mùa dễ tái phát dịch cúm H5N1 nếu không kiểm soát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, giết mổ gia cầm.

Để công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa, bão hiệu quả, ngành Y tế TP đã tăng cường công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh sớm trong vòng 48 giờ, đảm bảo 100% ca bệnh đều được theo dõi; theo dõi phòng chống dịch tại các điểm nóng, nơi có nguy cơ cao, khu nhà trọ sinh viên, khu nhà trọ công nhân; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát các điểm buôn bán, ổ dịch cúm gia cầm cũ và các nơi có nguy cơ cao để phát hiện và phòng chống dịch kịp thời; tập huấn, đào tạo các kỹ năng về phòng chống bệnh mùa mưa, vệ sinh môi trường, phun hóa chất cho nhân viên y tế, cán bộ xã, phường... Trong đó, vấn đề vệ sinh môi trường cần được chú trọng quan tâm đến mỗi tổ dân phố, hộ gia đình, mỗi cá nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Nhật (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN