Thời gà kiểng lên ngôi (2)

Cũng như chim, cá, chơi gà kiểng không đơn giản chỉ là xách lồng tới công viên, vườn sinh thái show hàng rồi ngồi bình luận, trao đổi.

Để có được một vài chú gà ưng ý trình làng, lắm khi “kê thủ” cũng trải qua bao khổ sở, bao quả đắng mà chỉ có dân trong nghề mới nuốt nổi. Chuyện mua bán, trao đổi gà qua mạng, nếu không tìm đến những diễn đàn, những người bán uy tín thì dễ hố hàng, bay tiền triệu mà nhận về toàn... gà mờ!

Ngậm đắng vì gà đẹp... "dao kéo"

Chủ nhiệm CLB Gà kiểng Đà Nẵng, anh Trần Ngọc Minh Châu là người có rất nhiều kinh nghiệm “săn” gà trên mạng. Anh cho biết, hầu hết gà của dân chơi Đà Nẵng đều đặt hàng tại các trang web bằng cách gửi tiền qua tài khoản và nhận hàng qua tàu lửa hoặc đường hàng không. “Cái tiện lợi của việc mua bán gà qua mạng chính là có thời gian để vào các diễn đàn để xem, chấm điểm và duyệt những con vừa với túi tiền. Thường thì phải có những đóng góp nhất định trong việc quảng bá phong trào mới có thể gia nhập và mua bán, nên việc trao đổi diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, chính vì kẻ bán và người mua chẳng bao giờ gặp mặt nên lắm lúc cũng ôm gà mà... khóc” - anh Châu cho biết.

Gần như những chú gà được show hàng trên mạng đều đạt chuẩn đối với từng dòng, còn không thì cũng 80-90%, nhưng nếu chỉ tin vào những gì đập vào mắt mình trên màn hình máy tính mà chưa tận mắt chiêm ngưỡng thì sẽ ăn quả đắng. Từng một vài lần bị “việt vị”, các tay chơi gà kiểng không lạ gì mấy trò dùng kỹ thuật photoshop để cắt xén, uốn nắn, đắp vá cho những chú gà hàng tồn trước khi post lên để chào hàng. “Một người đứng chụp hình nhưng có đến mấy người vây xung quanh để “nhử” gà tạo dáng như rướn cổ lên, cụp lông xuống hay uốn mình do những tác động xung quanh. Sau công đoạn này, nếu còn lỗi thì các tấm ảnh sẽ được can thiệp bằng kỹ xảo” - Mai Nam Hải, “kê thủ” sở hữu hơn 20 con gà Tân Châu kinh nghiệm. Ví dụ để con gà Serama có dáng chuẩn thì chân sẽ được làm ngắn, lông đuôi sẽ cong vút về phía đầu, ngực gà luôn ưỡn ra khiến nhìn tổng thể chú gà như chiếc đèn thần. Hoặc gà Tân Châu thì lông phải cực mượt, có độ phồng ở những điểm cố định, thân hơi dài. Việc dùng thủ thuật để tiếp thị gà được ví von với những người đẹp dao kéo hoặc “em đẹp vì nhiều son phấn”. “Anh cứ so sánh mặt mộc và ảnh của hoa hậu, người mẫu đi, khác nhau một trời một vực. Họ không ngần ngại xẻo chỗ này để đắp chỗ kia, bơm này bơm nọ vào trong người để có dáng chuẩn. Nhiều chú gà trên mạng cũng được thực hiện hệt như vậy để đánh lừa người mua. Hầu hết dân nhập môn đều dở khóc dở cười khi bỏ tiền triệu để nhận về hàng thải” - Nguyễn Anh Cường, dân chơi gà trú tại P. An Hải Bắc, Q. Sơn Trà cho biết.

Thời gà kiểng lên ngôi (2) - 1

Ngực ưỡn, lông đuôi uốn chạm mào là một trong những tiêu chí đẹp của gà Serama

Thời gà kiểng lên ngôi (2) - 2

Chúa tuyết class 2 này là niềm ao ước của nhiều dân chơi

Thời gà kiểng lên ngôi (2) - 3

Gà tre Tân Châu cũng có sức quyến rũ rất riêng

Thời gà kiểng lên ngôi (2) - 4

Chú gà Tân Châu này có dáng rất kiêu hãnh

Đi mua... gà mình

Mới nghe qua thấy mâu thuẫn, nhưng chuyện này trở thành nỗi ám ảnh thường trực của dân chơi gà kiểng. Và họ nghiệm ra rằng, cứ có phong trào chơi gì thì sẽ xuất hiện loại “tặc” đó. Có dân chơi chim, sẽ có “điểu tặc”; có dân chơi cá, xuất hiện “ngư tặc”; một dạo có loại tặc gọi hơi khó nghe là “kiểng tặc” (trộm cây kiểng). Và sự ra đời của “kê tặc” như một tất yếu. Thật trùng hợp là cái từ này đọc ra khiến người ưa nói lái cứ cười tủm tỉm, nhưng có vẻ như nó lại góp phần làm cho trào lưu này thú vị hơn. Mà dân gian cũng rất linh hoạt, cũng đã có vài người gọi là “gà tặc”, từ này cũng đúng nhưng mà không hay, cũng như có người gọi dân hút cát trộm là “sa tặc” nhưng nhiều người rất chướng, phải gọi là... “cát tặc”.

Quay lại chuyện đi mua... gà mình, nói rõ ra, chính là việc dân chơi gà bị trộm. Ai cũng hiểu chẳng có tay chơi nào đi trộm gà về để chơi, vì có chơi thì trước sau gì cũng bị lộ, chỉ có những “đạo chích” cần tiền mới ra tay thôi. “Kê thủ” Lê Văn Tú kinh nghiệm: “Kê tặc luôn biết rằng, nếu họ trộm thì vài ngày sau gà cũng sẽ trở về với chủ, vì dân chơi biết rõ mình sẽ phải tìm và chuộc gà ở đâu. Còn khổ chủ, việc tìm lại gà không khó lắm, nhưng... tốn tiền. Có khi con gà đẹp phải “mua” đến vài ba lần”. Địa điểm tìm lại những chú gà cưng thường là những nơi tụ tập người chơi chim, chơi gà, chơi sinh vật cảnh. Có khi còn có người tự động gọi điện thông báo đang là “chủ sở hữu” và ra giá bắt chuộc. Tùy theo “đẳng cấp” của gà mà giá đưa ra cũng cơ động. Dù cay đắng lắm nhưng các khổ chủ cũng phải móc tiền ra để mua lại chính cục cưng của mình mà chẳng làm gì được người bán, giống như chuyện mất các loại đồ độc, hàng tuyển, người ta hay tìm đến đường Tăng Bạt Hổ để chuộc lại nếu không muốn nó rơi vào tay người khác. “Mình thấy gà, nó cũng đánh hơi được mình nhưng nó đang ở trong tay người khác, xông vào cãi nhau họ lại vu cho mình là... ăn cướp mới ác. Thương thì họ bán lại giá rẻ, lạnh lùng thì họ hô lên sát sạt với giá mình đã mua lần đầu, con gà tầm cỡ bao nhiêu “kê tặc” nó biết hết. Vất vả mới săn được nó, chăm bẵm bao ngày chẳng lẽ bỏ đi” - Trần Văn Bình, người sở hữu lượng gà Tân Châu kha khá tại P. Hòa Thuận Đông, Q. Hải Châu tâm sự.

Chuyện trộm chó bị đốt xe, bị tẩn tơi tả, thậm chí bị đánh hội đồng đến chết có rồi. Trộm cây kiểng bị bắt có rồi. Gần đây, đã có một băng chuyên trộm chim kiểng đã bị cơ quan CA khởi tố. Dân chơi gà kiểng cũng hạ quyết tâm với nhau là sẽ lôi được vài “kê tặc” ra ánh sáng. Chứ chơi gà mà vừa bị “lừa đảo” vừa bị “trộm cắp” thì có mà sạt nghiệp.

(Còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Công Khanh (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN